Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Chờ máu

Lý Lở Mẩy, 26 tuổi, người Dao ở Tả Phìn, Sapa, phát hiện ung thư máu chỉ vài tuần trước Tết, cần truyền máu hàng ngày song có hôm phải chờ vì thiếu máu.

Chị Mẩy điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương từ ngày 29/1. Lúc ấy, chị Mẩy bị xuất huyết, bầm tím từng mảng khắp người, nguy cơ xuất huyết não luôn thường trực.

Ngày nào chị cũng phải truyền máu, cao điểm một ngày truyền liên tục 4 đơn vị máu. Đến nay, chị đã truyền gần 50 đơn vị chế phẩm máu gồm hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương… Tuy nhiên, những ngày sau Tết, lượng máu dự trữ ở bệnh viện khan hiếm trong khi số máu hiến thu về rất ít do Covid-19, bệnh viện không đủ máu điều trị.

Gia đình chị Mẩy rất lo lắng, sợ sẽ không có đủ chế phẩm máu để truyền điều trị. May mắn, bác sĩ điều trị cho biết chị Mẩy được ưu tiên truyền máu do bệnh nặng. Nhiều bệnh nhân không may mắn như chị. Người thiếu máu mạn tính sẽ được hạn chế truyền máu. Bệnh nhân nhập viện khoảng trong Tết cũng khó được truyền đủ máu, để ưu tiên cho trường hợp nặng và cấp cứu.

Tiến sĩ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Huyết học – Truyền máu Trung ương, cho biết trong tháng 1, viện tiếp nhận được 32.000 đơn vị máu. Giáp Tết, Viện có thêm gần 5.000 đơn vị máu hiến. Tuy nhiên, tình hình thiếu máu đang trở nên căng thẳng. Trước Tết, người dân ngại ngần đi hiến máu do có thể ngại Covid-19, sợ phải cách ly và xét nghiệm. Vì vậy, số lượng người hiến máu giảm rất nhiều.

Trong 3 ngày từ 28-30 Tết, 30 lịch hiến máu bị hủy, tương đương với mất hơn 5.000 đơn vị máu.

Tổng cộng từ ngày 28/1 đến hết ngày 17/2, Viện chỉ tiếp nhận được 8.152 đơn vị máu. Trong khi đó, Viện đã cung ứng 15.700 đơn vị hồng cầu cho các cơ sở y tế ở miền bắc, chưa bao gồm các chế phẩm khác. Ngày cao điểm nhất, Viện cung cấp 2.500 đơn vị máu đến nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình…

Tính đến trưa 18/2, lượng máu dự trữ của Viện chỉ còn 4.800 đơn vị. Trong khi đó nhu cầu trung bình mỗi ngày cần 1.200-1.500 đơn vị máu, khoảng 50.000 đơn vị máu cho cấp cứu và điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cũng cho biết bệnh viện cũng đang thiếu máu điều trị. “Rất nhiều bệnh nhân của chúng tôi đang ngồi chờ chữa trị vì không có nhóm máu phù hợp”, ông nói.

Số máu ít ỏi còn dự trữ tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Ảnh: Công Thắng.

Tiến sĩ Khánh cho biết nhiều đơn vị đã đề nghị lùi lịch tổ chức hiến máu vào thời gian phù hợp hơn do phải tham gia phòng, chống Covid-19. Bên cạnh đó, các lịch hiến máu dự kiến trong tháng 3 cũng chưa thể khẳng định chắc chắn do phụ thuộc vào lịch đi học trở lại của các trường đại học, cao đẳng.

“Với lịch hiến máu như hiện nay, chúng tôi chỉ thu được khoảng 10.000, còn thiếu khoảng 20.000 đơn vị”, tiến sĩ Khánh cho biết.

Tình trạng thiếu máu đang ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân ở 177 cơ sở y tế tại 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Một số trường hợp nguy kịch như sản phụ băng huyết sau sinh, cấp cứu tai nạn… có thể mất cơ hội sống nếu truyền máu chậm.

Y bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hiến máu sáng 19/2. Ảnh: Công Thắng.

Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương kêu gọi người dân đủ điều kiện sức khỏe tham gia hiến máu. Trong đó, cần nhất nhóm máu O và nhóm máu A, tiểu cầu. Tiến sĩ Khánh mong muốn các cơ quan, đơn vị duy trì lịch hiến máu theo kế hoạch.

Các điểm hiến máu được tổ chức để tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế, phòng Covid-19. Có thể tăng thời gian tổ chức hiến máu, thay vì một buổi sẽ thành hai buổi, tăng từ một ngày lên hai ngày và chia giờ để số lượng người đến tối thiểu, không tập trung đông người cùng một lúc.

Người dân thường xuyên tham gia hiến máu nên sử dụng ứng dụng thông tin hiến máu trên điện thoại di động để khai báo y tế, sắp xếp thời gian hiến máu, tránh chờ đợi và tập trung đông người.

Theo VnExpress

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan