Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Chăm sóc răng miệng ở bệnh nhân có rối loạn chảy máu

Những người bị rối loạn chảy máu có cùng các vẫn đề về răng miệng như những người khỏe mạnh khác. Khám nha khoa định kỳ và vệ sinh răng miệng tốt có thể giúp làm giảm chảy máu miệng và giảm các can thiệp nha khoa lớn.

Dưới đây là những hướng dẫn cơ bản về cách nhận biết và đối phó với các vấn để về răng miệng cho người bệnh hemophila, người mang gen hemophilia, người bệnh von Willebrand và cả những người có rối loạn chảy máu khác.

Rối loạn chảy máu

Phòng ngừa sâu răng

Sâu răng thường bị gây ra bởi thói quen ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, không đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Khi các vi khuẩn trong miệng tiếp xúc với đường trong thực phẩm sẽ sản xuất ra axit tấn công răng gây ra mảng bám và sâu răng. Nếu sâu răng không được chữa đúng cách, răng sẽ bị tiêu huỷ dần dần và cuối cùng cho phép vi khuẩn xâm nhập các dây thần kinh trong tuỷ răng, gây ra nhiễm trùng và đau răng.

Các nguyên tắc chung đề phòng sâu răng:

  • Tránh đồ ăn vặt có nhiều đường hoặc tinh bột.
  • Đánh răng 3-4 lần mỗi ngày trong hai phút sau khi ăn sảng, ăn trưa, ăn tối và trước khi đi ngủ.
  • Dùng kem đánh răng có chứa fluor.
  • Làm sạch kẽ răng bằng chỉ nha khoa hàng ngày.
  • Dùng nước súc miệng chứa fuor hàng ngày
  • Nhai kẹo cao su không đường giúp làm sạch khoang miệng và giảm hình thành các mảnh bám.

Đánh răng đúng cách:

  • Chải toàn bộ các mặt răng.
  • Bản chải phải nghiêng một góc 45 độ so với bề mặt răng và chải theo hình vòng tròn hoặc theo chiều dọc, tuyệt đối tránh kéo ngang qua lại. Nếu làm như vậy, về lâu dài sẽ có thể xuất hiện vết cắt trên bề mặt răng, đồng thời dần dần phá hủy men răng, khiến tuổi thọ của răng bị giảm đi đáng kể.
  • Lực chải răng vừa đủ: Nhiều người lầm tưởng chải răng càng mạnh thì càng tốt, càng loại bỏ sạch những mảng bám và vi khuẩn. Nhưng trên thực tế, điều đó là không cần thiết, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến men răng và gây tổn thương nướu. Khi chải răng, nếu cảm thấy đau vùng lợi thì nên giảm lực chải xuống sao cho đạt được cảm giác thoải mái nhất.
  • Thời gian chải răng: Nếu thời gian quá ngắn, kem đánh răng sẽ không kịp thời phát huy tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Ngược lại, nếu để quá lâu, men răng cũng sẽ bị mài mòn. Thời gian hợp lý nhất để chải răng thông thường là 2 – 3 phút.

chảy máu

Các bước chải răng đúng cách

  • Không bỏ qua lưỡi: Các rãnh và gờ trên lưỡi cũng là nơi rất lý tưởng để vi khuẩn tập trung. Do đó, làm sạch lưỡi cũng là một nguyên tắc quan trọng để đảm bảo khoang miệng hoàn toàn sạch khuẩn, từ đó, các bệnh răng miệng sẽ được ngăn ngừa triệt để.
  • Làm sạch và làm khô bàn chải sau khi đánh răng: Bàn chải đánh răng sau khi chải răng cũng chứa rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Nếu không làm sạch thì vi khuẩn sẽ vẫn bám trên đó và có thể tiếp tục di chuyển vào răng và khoang miệng trong lần đánh răng tiếp theo. Vì thế, đừng bỏ qua bước này, hãy rửa lại thật kỹ rồi vẩy cho sạch nước, sau đó, dựng bàn chải lên, để ở nơi khô thoáng.
  • Bàn chải cần được thay mới mỗi 3 tháng. Tránh dùng chung bàn chải với người khác vì có nguy cơ lây nhiễm các bệnh răng miệng.

Dùng chỉ nha khoa

Dùng chỉ nha khoa sau khi đánh răng để loại bỏ các mảng bám mà bàn chải đánh răng không thể tiếp cận. Làm thêm bước này cho phép bạn làm sạch khe giữa các răng và phần dưới nướu, nơi một phần nhỏ của thực phẩm và vi khuẩn có thể còn sót lại. Tránh di chuyển chỉ nha khoa vào nướu răng vì có thể gây chảy máu. Khi bạn mới bắt đầu dùng chỉ nha khoa, nướu răng có thể bị chảy máu nhẹ nhưng điều này sẽ giảm bớt trong vòng một tuần hoặc lâu hơn nếu bạn dùng chỉ nha khoa đúng cách mỗi ngày. Khi mảng bám được loại bỏ và nướu răng được khỏe mạnh, chảy máu sẽ giảm. Nếu bạn có bất kỳ vẫn đề gì về chảy máu do dùng chỉ nha khoa, hãy liên hệ với nha sĩ hoặc trung tâm điều trị rối loạn chảy máu của bạn.

Cách sử dụng chỉ nha khoa

  • Lấy một đoạn chỉ dài khoảng 45cm và cuộn xung quanh hai ngón tay giữa, để lại một đoạn ở giữa khoảng 4 cm. Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ giữ sợi chỉ, đẩy sợi chỉ nhẹ nhàng lên và xuống giữa hai kẽ răng.
  • Nhẹ nhàng uốn sợi chỉ vòng theo chân của răng và phải chắc rằng bạn đưa sợi chỉ xuống phía dưới đường viền nướu. Không được đè mạnh sợi chỉ, điều này có thể làm cắt rách hoặc làm bầm mô nướu mỏng.
  •  Dùng những đoạn chỉ sạch khi bạn chuyển từ kẽ răng này sang kẽ răng khác.
  •  Để lấy chỉ ra, cũng dùng chuyển động lên xuống và nâng sợi chỉ lên và ra khỏi kẽ răng.

PHÒNG NGỪA BỆNH NHA CHU

Bệnh nha chu (viêm nướu, viêm lợi) thường xảy ra khi có quá nhiều mảng bám hoặc cao răng tích tụ trên răng. Đầu tiên, lợi trở nên đỏ, sưng lên và dễ chảy máu hơn (viêm lợi). Sau đó, nếu không được điều trị, lợi có thể tách ra từ cổ răng, cho phép túi vi khuẩn hình thành. Vì mô lợi và xương bị phá hủy, răng có thể bị lung lay và rụng.

Hơn một nửa số người lớn trên 18 tuổi gặp bệnh nướu răng.

Để ngăn ngừa bệnh nha chu, bạn cần nhớ:

  • Sử dụng đúng kỹ thuật khi đánh răng và dùng chỉ nha khoa;
  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên;
  • Xem xét sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn đề làm giảm vi khuẩn gây viêm nướu răng;
  • Tránh hút hoặc nhai thuốc lá, việc này có thê gây ra tích tụ mảng bám nhanh chóng
  • Khám nha khoa định kì:

Khám nha sĩ định kì là một thói quen tốt cần được thực hiện mỗi 6 tháng để điều trị dự phòng các bệnh răng miệng.

Việc khám định kỳ sẽ giúp bạn kiểm soát được các bệnh răng miệng ngay khi mới bắt đầu và tránh được các can thiệp lớn như diệt tuỷ hay nhổ bỏ răng. Nha sĩ cũng sẽ kiểm tra các dấu hiệu sớm của bệnh như mảng bám, cao răng hay ung thư vùng miệng. Răng của bạn sẽ được làm sạch định kỳ. Trong một số trường hợp, bạn có thể được dùng thuốc cầm máu trước khi  làm sạch hoặc lấy cao răng.

KHI NÀO CHẢY MÁU VÙNG MIỆNG MANG TÍNH CẤP CỨU?

Một trong những vấn đề nha khoa lớn nhất cho những người có rối loạn chảy máu là chấn thương hoặc tổn thương vùng miệng. Miệng là nơi dễ chảy máu vì nơi đây có rất nhiều mạch máu dưới niêm mạc. Chấn thương miệng, nướu, lưỡi, má và môi thường xuyên gây chảy máu. Bạn cần cần thận trong những trường hợp chảy máu chậm, có thể không làm bạn để ý, nhưng chúng có thể trở nên nguy hiểm trong khi bạn ngủ. Một số chảy máu vùng miệng có thể gây cản trở hô hấp.

Hãy liên lạc với trung tâm điều trị rối loạn chảy máu hoặc đến khoa cấp cứu của bệnh viện khi có các dấu hiệu sau:

  • Chảy máu lưỡi, má không cầm.
  • Cảm thấy dấu hiệu sưng hoặc chảy máu bắt kỳ của lưỡi, họng hoặc cổ.
  • Cảm thấy khó khăn khi nhai hoặc thở.

Trên thực tế, việc đánh giá mức độ chảy máu vùng miệng rất khó. Đôi khi, chỉ một ít máu cùng với nước bọt cũng có thể tạo thành một vết máu loang lớn trên gối của bạn. Vì vậy, hãy liên lạc với trung tâm điều trị rối loạn chảy máu để được trợ giúp đánh giá mức độ chảy máu.

CÁCH XỬ LÍ KHI CÓ CHẢY MÁU VÙNG MIỆNG

Tổn thương miệng, nướu, lưỡi, má và môi gần như luôn luôn gây ra chảy máu. Khi chảy máu xảy ra, môi trường ẩm ướt trong miệng làm các cục máu đông khó hình thành hơn. Vì vậy, trong một vài trường hợp có thể cần được điều trị để cầm máu và axit tranexamic là một trong những thuốc dùng để cầm máu và duy trì các cục máu đông.

Làm thế nào để ngăn chặn chảy máu miệng?

  • Đầu tiên, ép nhẹ nhàng, chắc và liên tục các vị trí chảy máu với một miếng gạc sạch, ẩm (nếu có thể, tẩm axit tranexamic) hoặc túi trà ẩm mát trong 30 phút.
  • Chườm đá có bọc qua lớp vải lên mặt trong 10 đến 15 phút và nghỉ phút, lặp lại nếu cần.
  • Hãy thử ăn kem, việc này có thể ngăn chặn các rỉ máu nhỏ.
  • Liên lạc với trung tâm điều trị rối loạn chảy máu nếu chảy máu kéo dài hơn 20 phút.

Làm thế nào để mau lành vết thương?

  • Ăn thực phẩm mềm, không dính, không cay, mát.
  • Đánh răng nhẹ nhàng hoặc sử dụng tăm bông.
  • Tránh sử dụng ống hút hoặc súc miệng mạnh vì có thể đánh bật các cục máu đông.

LẬP KẾ HOẠCH CHO CÁC CAN THIỆP NHA KHOA

Các nha sĩ cần hội chẩn với trung tâm điều trị rối loạn chảy máu để đảm bảo rằng các can thiệp nha khoa được thực hiện một cách an toàn. Có một số thủ thuật không cần bổ sung yếu tố đông máu, nhưng có những thủ thuật lại cần bổ sung yếu tố đông máu trước khi tiến hành như:

  • Gây tê cục bộ các khối hàm dưới và dưới lưỡi
  • Nhổ răng
  • Lấy cao răng
  • Bất kỳ phẫu thuật nào vùng miệng
  • Bất kỳ can thiệp nào mà nha sĩ dự kiến chảy máu nhiều hơn bình thường

Các can thiệp nha khoa nhỏ

Chảy máu sau mổ

Nha sĩ hoặc bác sĩ phẫu thuật răng miệng sẽ sử dụng một miếng gạc để kiểm soát chảy máu và cầm máu. Bạn không được mút hoặc nhai miếng gạc. Bạn nên nhẹ nhàng cắn vào miếng gạc trong một giờ, cho dù nó có trở nên ướt như thế nào. Nếu bạn vẫn chảy máu sau một giờ, hãy thêm một miếng gạc mới vào vị trí đó và cắn nhẹ nhàng, chắc để tạo áp lực liên tục trong giờ thứ hai.

Cần lưu ý rằng việc chảy máu trong hai giờ đầu tiên sau khi phẫu thuật là bình thường. Các vết thương có thể tiếp tục rỉ máu cho đến 24 giờ. Khi máu và nước bọt trộn lẫn với nhau trong miệng của bạn, nó có thể trông giống như bạn đang chảy máu nhiều hơn bạn thực sự đang có.

Dưới đây là một số lời khuyên để giảm chảy máu:

  • Nghỉ ngơi. Giữ cho đầu của bạn ở tư thế cao. Nghỉ ngơi làm chậm dòng máu chảy, có thể giúp cầm máu và thúc đẩy lành bệnh nhanh hơn.
  • Tránh sử dụng ống hút, thực phẩm cứng như khoai tây chiên và tránh súc miệng quá mạnh.
  • Ăn thức ăn mát, không cay để giúp duy trì các cục máu đông.
  • Tránh dùng aspirin và thuốc chống viêm nhóm giảm đau không steroids vì chúng có thể làm tăng chảy máu.
  • Tránh uống rượu và thuốc lá trong hai tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật. Những thứ này sẽ làm khó cầm máu và tạo điều kiện cho nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể gây tăng chảy máu và làm chậm lành vết thương.
  • Tránh tập thể dục nặng 2 ngày đầu sau khi phẫu thuật.

Lập kế hoạch cẩn thận để nhổ răng

     Nếu sau 4 giờ, bạn không thể cầm máu vết thương bằng việc cắn gạc, hãy liên hệ với nha sĩ, bác sĩ phẫu thuật và trung tâm điều trị của bạn.

Răng khôn

Đây là những chiếc răng mọc cuối cùng, còn gọi là răng hàm thứ ba. Chúng ta thường có bốn chiếc tất cả và chúng có thể bắt đầu mọc ở tuổi 17. Việc mọc của răng khôn có thể gây ra một số khó chịu.

  • Giảm thiểu sự khó chịu của mọc răng khôn: Những người bị rối loạn chảy máu có thể chảy máu kéo dài khi các răng xuyên qua lợi để mọc lên. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể cần súc miệng axit tranexamic hoặc uống thuốc cầm máu.
  • Phòng ngừa chấn thương lợi: Để ngăn ngừa tổn thương lợi, hãy ăn thức ăn mềm và tránh nhai cùng bên miệng đang có mọc răng khôn. Để giảm nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng, hãy làm sạch răng và lợi thường xuyên hơn để giữ cho các hạt thức ăn khỏi bị mắc kẹt dưới mô lợi.
  • Lập kế hoạch cẩn thận đề nhổ răng: Nếu bạn có chỉ định nhổ răng, nha sĩ cần hội chẩn với trung tâm điều trị rối loạn chảy máu của bạn để có kế hoạch nhổ cho bạn, đảm bảo an toàn cho cuộc can thiệp.

Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học – Truyền máu TW

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan