Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Chăm bệnh nhi như chăm con

Ngày thì vật lộn với việc chăm sóc bệnh nhân, đêm lại trăn trở với những hoàn cảnh nghiệt ngã của người bệnh, thế nhưng trong thâm tâm, bác sĩ Hoàng Thị Hồng (Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) chưa bao giờ có ý định từ bỏ.

27 tuổi, cô gái trẻ quê Hải Dương Hoàng Thị Hồng tốt nghiệp lớp Bác sĩ nội trú, trường Đại học Y Hà Nội vào năm 2011 rồi vào làm việc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. 6 năm sau, chị được chuyển về khoa Bệnh máu trẻ em của Viện để tiếp tục cống hiến và gắn bó cho đến tận bây giờ.

Bác sĩ Hồng tâm sự, khi chuyển về khoa điều trị cho trẻ em của Viện, chị mới cảm nhận được rằng bản thân mình không chỉ giữ vai trò bác sĩ mà còn có thêm vai trò làm mẹ. Nếu như chăm sóc bệnh nhân là người lớn thì ít nhất nhận thức của họ cũng cao về bệnh, có thể chia sẻ, nhưng với trẻ nhỏ thì hoàn toàn khác. Thậm chí các em còn chưa biết bệnh của mình ở mức độ nào, chúng vẫn vô tư chơi đùa khi đỡ đau, nhiều lúc nhìn gương mặt tươi sáng như mặt trời của bệnh nhi mà chị không cầm lòng được, đêm về những ánh mắt trẻ thơ ấy lại ám ảnh chị.

Bác sĩ Hoàng Thị Hồng luôn đặt mình vào địa vị cha mẹ của bệnh nhi

“Trẻ lớn hơn một chút thì tâm sinh lý luôn thay đổi. Ngay như lúc điều trị, các em bị rụng tóc, việc đó ảnh hưởng đến tâm lý của các em rất nhiều, dẫn đến một số bé không phối hợp trong việc điều trị. Vừa giận, vừa lo lại vừa thương các con, nhất là những bé gái đang tuổi dậy thì, nếu không bị bệnh chúng đã có thể xinh đẹp, điệu đà như bao đứa trẻ khác”, bác sĩ Hồng tâm sự.

Ngoài công việc chuyên môn và chăm sóc, động viên trẻ, bác sĩ Hồng còn phải làm công tác tư tưởng cho người nhà của các bé. Theo chị Hồng, những gia đình có con mắc bệnh nan y thường có tâm lý xót con, chiều con nên cũng gây những khó khăn trong điều trị. Hiểu được tâm lý của cha mẹ bệnh nhân nên chị cùng các đồng nghiệp phải hết sức kiên nhẫn, đối xử với họ bằng sự cảm thông, đặt địa vị của mình vào địa vị cha mẹ bệnh nhân để giải thích, tư vấn, chia sẻ thuận lợi khó khăn của việc điều trị.

Dù vậy cũng có lúc áp lực đến từ nhiều phía, không thể tránh khỏi những ức chế, buồn bực nhưng bác sĩ Hồng nhủ lòng phải tự kìm nén.

“Nhiều gia đình bệnh nhân mới đến, họ chưa hiểu được bệnh của con, chưa quen với môi trường hoàn toàn mới. Có những trường hợp người nhà hiểu bệnh của con thì việc điều trị rất tốt, nhưng nhiều trường hợp dù giải thích mãi họ vẫn không đồng ý với phương pháp của bác sĩ. Nhiều trường hợp bỏ về sử dụng thuốc Nam hay thuốc Bắc, khi quay trở lại thì nặng quá không thể điều trị hóa chất được nữa. Đó là những trường hợp tiếc nhất mà chúng tôi phải cố gắng thuyết phục để hạn chế xảy ra. Nhưng dù đã cố gắng làm bằng cái tâm, làm hết nhiệm vụ của mình nhưng vẫn không khỏi trăn trở, suy nghĩ, nuối tiếc”, chị Hồng cho biết.

“Không phải cứ về nhà là hết lo lắng”

Có lẽ, đối với chị Hồng và nhiều đồng nghiệp khác, bệnh viện không chỉ là nơi cứu chữa, điều trị mà còn là một “chiến trường” không bao giờ yên ắng. Bác sĩ Hồng chia sẻ, sau mỗi giờ làm việc căng thẳng ở bệnh viện, tối trở về nhà, chị lại suy nghĩ, trăn trở. Có những đêm bệnh nhân nhắn tin, gọi điện khiến chị đau đáu về trường hợp đó. Không phải cứ về nhà là không lo lắng gì. Kể cả khi có dịp nghỉ phép, nhưng chị vẫn luôn mở điện thoại, bởi chị hiểu, là bác sĩ điều trị trực tiếp, nắm rõ được tình hình của bệnh nhân nên chị cũng không yên lòng khi để bác sĩ khác chăm sóc mà không có hỗ trợ gì.

Chăm bệnh nhi như chăm con - Ảnh 2.

Bác sĩ Hồng thăm khám cho bệnh nhi

Khó khăn vất vả là thế nhưng 11 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Hồng đã quen với tiếng khóc, cười của bệnh nhi. Niềm vui và động lực đối với người bác sĩ là nhìn những đứa trẻ sau cơn sốt chạy tung tăng đùa nghịch như không có chuyện gì, mắt chị ánh lên niềm vui khi nghĩ đến những “đứa con” mà mình chăm sóc.

Nhưng để có thể cống hiến hết mình cho công việc, cũng như bao nhiêu con người của ngành y, chị Hồng cũng phải hy sinh rất nhiều. Do công việc của vợ chồng chị làm cùng ngành nên ca kíp thường lệch giờ, ít khi được “đoàn tụ” dù ở chung một mái nhà. Con chị năm nay mới lên lớp hai nhưng từ nhỏ đã được ông bà trông nom bởi vợ chồng chị phải đi làm từ rất sớm, trực ca, việc đột xuất, không mấy khi gần gũi được con.

“Có nhiều lần con ốm vẫn phải đi học vì bố mẹ đi trực. Đa số là nhờ bà nội chăm sóc, cho uống thuốc chứ bản thân tôi không thể lo cho con chu đáo. Việc đưa con đi khai giảng, họp lớp, đôi khi cũng phải nhờ. Chúng tôi cố gắng dịp sinh nhật là ở nhà tổ chức cho con nhưng điều đó cũng không thể bù đắp những thiệt thòi cho con được. Nhưng tôi trộm nghĩ, những trẻ ở bệnh viện đôi khi chẳng có sinh nhật, một số cháu cả đời chỉ có vài lần sinh nhật, vì thế tôi tin rằng các con tôi sẽ hiểu”, chị Hồng xúc động khi nghĩ về “con mình”, “con người”.

Nghề đã chọn chị để vì những mảnh đời bất hạnh kia mà nỗ lực thì chị cũng sẽ gắn bó với nghề dù những đêm đau đáu cho những số phận ấy vẫn cứ tiếp diễn.

Theo https://phunuvietnam.vn/

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan