Báo động tình trạng phụ nữ mang thai thiếu máu
Giữa tháng 5/2021, chị Nguyễn Thị T. (Hà Nội) đi khám thai định kỳ thì được bác sĩ thông báo: chị bị thiếu máu nặng. Chị phải chuyển sang Viện Huyết học – Truyền máu TW và cần truyền máu gấp vì nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến cả mẹ và em bé. Không chỉ có chị Nguyễn Thị T., Viện Huyết học – Truyền máu TW thường xuyên tiếp nhận nhiều trường hợp phụ nữ mang thai thiếu máu đến khám và điều trị. Trong đó có nhiều sản phụ phải truyền khối hồng cầu.
Thực tế trên tại Viện Huyết học – Truyền máu TW đã phản ánh đúng thực trạng ở nước ta: Đó là tỷ lệ phụ nữ mang thai thiếu máu có giảm những vẫn ở mức cao.
Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, năm 2020, tỷ lệ phụ nữ mang thai thiếu máu là 25,6%. Tỷ lệ này có giảm nếu so sánh với năm 2015 (32,8%) nhưng vẫn ở mức cao và chưa đạt được mục tiêu đã đề ra (năm 2020 còn 15%).
Sản phụ thiếu máu cần truyền hồng cầu tại Viện Huyết học – Truyền máu TW
Tại sao phụ nữ mang thai thiếu máu?
Thiếu máu là tình trạng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, giới tính nhưng thường gặp hơn ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thiếu máu nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu vi chất, chế độ ăn không cung cấp đủ nhu cầu.
Phụ nữ mang thai có nhu cầu sắt cao hơn để nuôi dưỡng thai nhi nên tình trạng thiếu máu thiếu sắt càng phổ biến. Ngoài ra, chúng ta còn gặp thiếu máu do thiếu acid folic và/hoặc vitamin B12. Bên cạnh đó, phụ nữ ăn kiêng không hợp lý hoặc quá gầy trước khi mang thai cũng có nhiều nguy cơ thiếu máu hơn.
Hậu quả của việc phụ nữ mang thai thiếu máu?
BSCKII. Nguyễn Thị Thảo, Phó trưởng khoa Bệnh máu lành tính, Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Thiếu máu sẽ dẫn đến tình trạng thiếu oxy để nuôi dưỡng các mô và tổ chức của cơ thể. Ở người bình thường, thiếu máu kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, giảm tập trung, chán ăn. Người bệnh sẽ có cảm giác tức ngực, khó thở nhất là khi gắng sức hoặc đi lại nhiều, hồi hộp, đánh trống ngực.
Với phụ nữ mang thai, thiếu máu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân sản phụ mà còn gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho em bé nếu không được điều trị kịp thời”.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị sẩy thai, bong nhau non, nhau tiền đạo, tăng huyết áp… Việc người mẹ thiếu máu khi mang thai có thể dẫn tới thai nhi chậm phát triển, nhẹ cân, sinh non. Do thiếu sắt làm ảnh hưởng hệ thống miễn dịch nên em bé dễ mắc các bệnh sơ sinh hơn. Nếu tình trạng thiếu máu xuất hiện sớm ở những tháng đầu của thay kỳ còn khiến trẻ có khả năng bị bệnh tim mạch cao hơn trẻ khác.
Xem thêm: Tư vấn về bệnh thiếu máu thiếu sắt |
Phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt
– Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thường có nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt cao hơn các đối tượng khác. Do vậy, phụ nữ cần thường xuyên bổ sung sắt theo khuyến cáo như sau:
- Phụ nữ nên bổ sung 60mg sắt và 400 µg folic acid mỗi ngày trong suốt thời kỳ mang thai.
- Sau khi sinh bổ sung tiếp 3 tháng với liều tương tự như khi có thai đối với phụ nữ cho con bú.
- Bổ sung sắt định kỳ cho phụ nữ không mang thai: bổ sung sắt/acid folic mỗi tuần 1 viên trong 3 tháng, 3 tháng nghỉ, sau đó tiếp tục bổ sung 3 tháng. Nếu khả thi, lặp lại chu kỳ này trong năm.
- Đối với phụ nữ có thai thiếu máu: bổ sung sắt/acid folic mỗi ngày một viên trong suốt thời gian mang thai
Xem thêm: Thiếu máu thiếu sắt nên ăn gì? |
– Thực hiện chế độ ăn cân đối, đặc biệt là các loại thực phẩm giàu sắt, vitamin như:
- Thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu…), hải sản, thịt gia cầm, trứng…
- Bột bánh mì, đậu, lạc, các loại rau xanh đậm như rau ngót, rau dền, rau muống…
- Kết hợp đa dạng các loại thực phẩm làm cho bữa ăn cân đối hơn về giá trị và vi chất dinh dưỡng.
- Làm tăng hấp thu sắt bằng uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt.
– Không nên uống trà, cà phê ngay sau khi ăn vì sẽ dẫn đến giảm hấp thu sắt.
– Các bệnh nhiễm ký sinh trùng, sốt rét, nhiễm trùng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh lý thiếu máu do thiếu sắt. Trong đó có nhiễm ký sinh trùng đường ruột gây tác hại lớn nhất cho cơ thể. Do đó, cần tẩy giun định kỳ hàng năm bằng Mebendazol và Albendazol, đặc biệt cho phụ nữ và trẻ em trên 2 tuổi. Thường xuyên vệ sinh môi trường, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…
– Người bệnh thiếu máu thiếu sắt nên thực hiện theo chế độ ăn được chuyên gia dinh dưỡng tư vấn.
– Phụ nữ mang thai cần khám thai định kỳ và làm xét nghiệm để kịp thời phát hiện các vấn đề bất thường
Trương Hằng (tổng hợp)
Bài viết liên quan
Nguyên nhân của bệnh thiếu máu là gì?
17 Tháng Năm, 2021Khi gặp phải tình trạng thiếu máu, người bệnh thường đặt câu hỏi: tại sao lại xảy ra thiếu máu? Nên ăn uống như thế nào để không bị thiếu…
Bệnh thiếu máu thiếu sắt: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
15 Tháng Năm, 2020Bệnh thiếu máu thiếu sắt là bệnh lý rất phổ biến trên thế giới, gặp ở mọi vùng miền. Tuy nhiên, bệnh thường gặp nhiều hơn ở các nước nghèo.…
Xét nghiệm máu bao nhiêu tiền?
22 Tháng Một, 2021“Xét nghiệm máu bao nhiêu tiền?” Đó là câu hỏi mà rất nhiều người quan tâm trước khi đi khám, xét nghiệm để tránh bị động về tài chính. Tuy…
Xét nghiệm trước khi kết hôn gồm những gì?
15 Tháng Một, 2021Tại sao cần xét nghiệm trước khi kết hôn? Xét nghiệm tiền hôn nhân rất cần thiết với các cặp đôi khi bước vào cuộc sống gia đình. Tại các…