Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Cách chiến đấu với bệnh tật của người mẹ có con bị ung thư máu

Gặp mẹ con chị Thúy tại Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương vào một ngày mưa sụt sùi. Chị vừa chăm sóc bé Long mới được đưa vào viện 2 ngày để điều trị ung thư máu vừa trò chuyện về quãng đường gian nan khi con mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.

Chị Phạm Thị Thúy quê ở Hà Nam, năm nay 28 tuổi nhưng đã 5 năm chị và con trai 8 tuổi phải coi bệnh viện là “ngôi nhà thứ hai” bởi quãng thời gian điều trị đôi lúc còn nhiều hơn thời gian ở nhà. Cũng chính vì căn bệnh ung thư máu (bệnh bạch cầu cấp) của bé Nguyễn Gia Long mà chị Thúy có cơ hội được hiến những giọt máu của mình để cứu giúp những người cùng cảnh ngộ như con chị.

Chị Thúy cho biết, bé Gia Long sinh năm 2012, năm lên 3 thì bắt đầu bị ốm. Bé nhợt nhạt, yếu ớt, uống thuốc gì cũng không đỡ, cứ sốt triền miên. Quá lo lắng, hai vợ chồng chị đưa con về Bệnh viện Nhi Trung ương để khám và điều trị, sau đó được chuyển sang khoa Bệnh máu, Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương. Tại đây, bác sỹ cho biết bé Long bị thiếu máu trầm trọng phải điều trị dài ngày trong bệnh viện.

Chị Thúy đăng kí hiến máu trong đợt dịch Covid -19 khi biết tin bệnh viện đang rất cần máu

Chị Thúy đăng kí hiến máu trong đợt dịch Covid -19 khi biết tin bệnh viện đang rất cần máu

“Đó thật là một cú sốc đối với gia đình tôi. Bác sỹ nói bệnh của cháu rất nặng, khả năng cứu chữa là 50-50. Tôi chỉ mong có phép màu đến với cháu. Cũng may, sau 5 năm điều trị, bé hợp thuốc và có thể đi học. Hiện nay cháu đang học lớp 2”, chị Thúy rưng rưng cho biết.

Việc điều trị của bé Long khiến gia đình chị rất khó khăn khi lương công nhân của chị Thúy chỉ khoảng 4 đến 5 triệu đồng/tháng, trong khi chồng chị làm thợ cắt tóc thu nhập bấp bênh. Bé Long tháng nào cũng phải lên Viện để truyền máu, thời gian đầu một tháng thì ở trên viện mất 20 ngày, rồi còn kiểm tra, xét nghiệm máu, uống thuốc… Sau này, số ngày đi truyền ít hơn vì bé Long hợp thuốc.

Dù khó khăn nhưng chị vẫn luôn giữ cho mình và con trai sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống

Dù khó khăn nhưng chị vẫn luôn giữ cho mình và con trai sự lạc quan, niềm tin vào cuộc sống

“Vì phải truyền hóa chất nên cháu rất khó tính, nóng nảy, mệt mỏi. 5 năm đằng đẵng nhiều đêm thức trắng vì con, nhưng rồi cũng quen, chỉ cần nhìn thấy con sau đợt điều trị có thể đến lớp với bạn là hạnh phúc lắm rồi. Tuy việc học của con bị gián đoạn nhưng được đến trường cũng là động lực lớn để con cố gắng chiến đấu với bệnh tật”, chị Thúy vừa nhìn con vừa kể, những giọt nước mắt rơm rớm trên khuôn mặt già trước tuổi.

Trong suốt 5 năm điều trị cho bé Gia Long ở Viện Huyết học, chị Thúy trở thành một người tình nguyện hiến máu nhân đạo ở đây. Chị cho biết, từ năm chị học cấp 3 đã rất muốn hiến máu nhân đạo nhưng do điều kiện ở quê nên cũng chưa được cống hiến cho xã hội. Từ lúc con chị bị bệnh và bắt đầu điều trị, chị đã quyết tâm làm công việc mà mình ấp ủ từ bấy lâu, thường xuyên hiến máu để giúp đỡ cộng đồng, đặc biệt là những em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo đang cần truyền máu như con chị. Ngoài tâm niệm được giúp đỡ người khác thì chị Thúy còn cảm thấy việc hiến máu đã cho chị niềm tin để cùng con chiến đấu với bệnh tật.

Đã 6 lần chị Thúy tham gia hiến máu nhân đạo, chị cho biết sẽ thực hiện việc này thường xuyên hơn và còn kêu gọi nhiều người cùng hiến máu

Chính niềm tin ấy đã thôi thúc chị hiến những giọt máu hồng cho cộng đồng, để rồi cuộc sống luôn mở rộng vòng tay với mẹ con chị. Sau nhiều năm tháng chật vật với chi phí trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho con, chồng chị cũng có cơ hội đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, có thu nhập tốt hơn, có tiền chữa trị cho bé Long. May mắn cũng mỉm cười khi bé Long điều trị hợp thuốc, tình trạng sức khỏe dần ổn định và được cải thiện.

“Không phải khi con mình bị bệnh, cần đến máu thì mình mới đi hiến máu, đó là điều tôi đã muốn làm từ khi học lớp 12 nhưng chưa có dịp. Tôi hiến máu cho người khác, con tôi cũng được người khác hiến máu để chữa bệnh, đó là niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống này. Tôi rất mong ngày càng có nhiều người thực hiện việc hiến máu nhân đạo để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.” – Chị Thúy chia sẻ

Theo phunuvietnam

 

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan