Các loại khối tiểu cầu cho điều trị
Tiểu cầu là gì
Tiểu cầu là loại tế bào rất nhỏ trong máu, làm nhiệm vụ cầm máu. Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm, loại thuốc rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu.
Trên thực tế, có nhiều bệnh lý khác nhau cần truyền tiểu cầu. Có thể kể đến các bệnh như: xuất huyết giảm tiểu cầu, rối loạn chức năng tiểu cầu, suy tủy xương, rối loạn sinh tủy, ung thư máu hoặc các bệnh ung thư di căn đến tủy xương…
Trong trường hợp cần phẫu thuật hoặc thực hiện thủ thuật, bên cạnh các điều kiện khác, người bệnh cần duy trì mức tiểu cầu như sau:
- Tiểu cầu ≥ 50 G/l nếu thực hiện các thủ thuật nhẹ ít xâm nhập;
- Tiểu cầu ≥ 100 G/l nếu thực hiện phẫu thuật nguy cơ chảy máu cao (mắt, thần kinh…). Một G (Giga) tương đương 1 tỷ tế bào.
Khối tiểu cầu là một trong những chế phẩm máu có hạn sử dụng ngắn nhất (chỉ từ 3-5 ngày), trong khi khối hồng cầu có thể bảo quản trong 42 ngày.
Hiện nay, các Ngân hàng máu có thể cung cấp các loại chế phẩm tiểu cầu khác nhau phù hợp với yêu cầu điều trị của người bệnh.
Khối tiểu cầu pool từ máu toàn phần
Là tiểu cầu được tách từ đơn vị máu toàn phần, bổ sung một lượng huyết tương nhất định đủ để nuôi dưỡng tiểu cầu. Để đảm bảo đủ lượng tiểu cầu truyền mỗi lần cho bệnh nhân, cần tiến hành gộp (pool) từ nhiều đơn vị máu toàn phần trong hệ thống kín, vô trùng.
Khối tiểu cầu pool có 4 loại thể tích chính: 40ml, 80ml, 120ml, 150ml, được điều chế từ 250 – 1.000ml máu toàn phần.
* Chỉ định sử dụng
– Các tình trạng có xuất huyết do giảm số lượng tiểu cầu dưới 50×109/L.
– Trường hợp không có triệu chứng xuất huyết, cần xem xét chỉ định khối tiểu cầu khi số lượng tiểu cầu dưới 10×109/L.
– Trong trường hợp số lượng tiểu cầu chưa giảm dưới 50×109/L, cần cân nhắc chỉ định truyền nếu có giảm chất lượng tiểu cầu và các yếu tố nguy cơ kèm theo như sốt, nhiễm trùng, rối loạn đông máu, nhu cầu phẫu thuật, thủ thuật có nguy cơ chảy máu, mất máu khối lượng lớn, tổn thương ở các cơ quan trọng yếu trong hộp sọ, lồng ngực, ổ bụng…
Bên cạnh đó, các bác sĩ cần cân nhắc nhiều yếu tố khác để chỉ định loại chế phẩm tiểu cầu phù hợp truyền cho người bệnh.
Khối tiểu cầu pool lọc bạch cầu
Khối tiểu cầu khi tách từ máu toàn phần được đồng thời lọc để tiếp tục loại bỏ bạch cầu tồn dư. Thể tích đơn vị khối tiểu cầu pool lọc bạch cầu khoảng 250ml, được điều chế từ 2.000ml máu toàn phần (lấy từ 6-8 người hiến máu) trong hệ thống kín, chứa tối thiểu 300×109 tiểu cầu.
* Chỉ định sử dụng
– Các chỉ định sử dụng như khối tiểu cầu pool.
– Các tình trạng xuất huyết hoặc có nguy cơ xuất huyết nặng có kèm nguy cơ đồng miễn dịch bạch cầu, hoặc có tình trạng tái diễn phản ứng sốt, dị ứng sau truyền khối tiểu cầu.
Khối tiểu cầu gạn tách từ một người hiến
– Là khối tiểu cầu được gạn, tách từ một người hiến bằng hệ thống máy tách tự động (apheresis). Đây là loại chế phẩm rất đặc biệt, bởi khi cần, các cơ sở truyền máu phải mời người hiến tới để hiến tiểu cầu, trung bình thời gian hiến khoảng 60-90 phút.
Hình ảnh hiến tiểu cầu bằng hệ thống máy tách tự động tại Viện Huyết học – Truyền máu TW
– Khối tiểu cầu gạn tách từ một người hiến có 3 loại thể tích với số lượng tiểu cầu tương ứng: 120ml có 150 x 109 tiểu cầu, 250ml có 300 x 109 tiểu cầu và 500ml có 600 x 109 tiểu cầu. Do đó, có khả năng bù lượng tiểu cầu nhiều hơn so với KTC pool.
– Khối tiểu cầu gạn tách giúp giảm thiểu tình trạng người bệnh phơi nhiễm với nhiều loại kháng nguyên bạch cầu từ nhiều người hiến máu, hạn chế tình trạng đồng miễn dịch với bạch cầu.
* Chỉ định sử dụng
– Như chỉ định truyền khối tiểu cầu pool.
– Nguy cơ đồng miễn dịch HLA ở người bệnh có khả năng ghép mô tạng.
KTC gạn tách lọc bạch cầu/chiếu xạ/ xét nghiệm CMV(-)
– Đơn vị KTC gạn tách từ một người hiến máu, được lọc bạch cầu, xét nghiệm CMV(-) và chiếu xạ nhằm ngăn ngừa các tai biến đồng miễn dịch do bạch cầu, nguy cơ nhiễm CMV và nguy cơ “ghép chống chủ” ở người bệnh suy giảm miễn dịch tự nhiên hoặc thứ phát.
– KTC gạn tách lọc bạch cầu, xét nghiệm CMV(-) và chiếu xạ có 3 loại thể tích là 120ml, 250ml và 500ml với số lượng tiểu cầu cũng tương tự như KTC gạn tách cùng thể tích.
* Chỉ định sử dụng
– Tình trạng xuất huyết hoặc có nguy cơ xuất huyết nặng do giảm số lượng hoặc chất lượng tiểu cầu có kém nguy cơ đồng miễn dịch do bạch cầu, nguy cơ do nhiễm CMV và nguy cơ “ghép chống chủ”.
– Các trường hợp điều trị hóa chất, ức chế miễn dịch, cấy ghép mô, tạng, tổ chức gây giảm tiểu cầu nặng và kéo dài.
ĐỊA ĐIỂM HIẾN MÁU – XÉT NGHIỆM:1. Viện Huyết học – Truyền máu TW
2. Các điểm hiến máu và xét nghiệm ngoại Viện: Từ thứ 2 – thứ 7: 8h00 – 12h00 và 13h30 – 17h00.
|
Trung tâm Máu Quốc gia
Bài viết liên quan
Hiến tiểu cầu – bạn có biết?
22 Tháng Một, 2020Bên cạnh hiến máu, ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến việc hiến tiểu cầu. Vậy hình thức này có khác gì so với hiến máu toàn phần…
Tư vấn về bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu
23 Tháng Mười Một, 2020Trong cuộc sống, chúng ta rất dễ gặp hiện tượng xuất huyết, ví dụ như: bị các vết bầm tím, chảy máu chân răng… Hoặc nghiêm trọng hơn là không…
Người bệnh chờ từng đơn vị tiểu cầu trong dịp Tết
23 Tháng Một, 2020Khối tiểu cầu là một chế phẩm máu có hạn sử dụng rất ngắn (chỉ từ 3 – 5 ngày). Trong những đợt nghỉ Lễ, Tết kéo dài, làm sao…