Các dịch vụ, các kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu tại Viện
Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế quy định bắt buộc phải thực hiện xét nghiệm sàng lọc một số tác nhân lây truyền bệnh (xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan vi rút B, viêm gan vi rút C và vi khuẩn gây bệnh giang mai) đối với đơn vị máu hiến tặng để nhằm đảm bảo an toàn truyền máu.
Thời gian gần đây, do tác động của toàn cầu hóa, giao thương, du lịch, tỷ lệ nhiễm các vi rút lây truyền qua đường truyền máu và một số các vi rút nguy hiểm ngày càng cao và có xu hướng lan rộng trong cộng đồng. Chính vì vậy các hoạt động tuyên truyền, tuyển chọn người hiến máu, xét nghiệm sàng lọc máu càng đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn truyền máu.
I. CÁC DỊCH VỤ XÉT NGHIỆM ĐƯỢC THỰC HIỆN TẠI KHOA XÉT NGHIỆM SÀNG LỌC MÁU
Khoa Xét nghiệm sàng lọc máu của Viện Huyết học – Truyền máu TW đã đạt chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn ISO 9001:2008 (28/12/2011), chứng nhận ISO 9001:2015 (2019), giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn TCVN ISO 13485:2001 (3/2/2016) và tiêu chuẩn TCVN ISO 15189:2014 (30/8/2016).
Với việc áp dụng các kỹ thuật xét nghiệm hiện đại, tự động, Khoa Xét nghiệm sàng lọc máu đang thực hiện các xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm HBsAg bằng kỹ thuật hóa phát quang hoặc điện hóa phát quang
- Xét nghiệm Anti-HCV bằng kỹ thuật hóa phát quang hoặc điện hóa phát quang
- Xét nghiệm kháng nguyên kháng thể HIV bằng kỹ thuật hóa phát quang hoặc điện hóa phát quang
- Xét nghiệm CMV-IgM bằng kỹ thuật điện hóa phát quang
- Xét nghiệm giang mai bằng kỹ thuật TPHA
- Xét nghiệm sinh học phân tử NAT phát hiện HBV, HCV, HIV
- Sản xuất mẫu chứng nội kiểm xét nghiệm (HBsAg, Anti-HCV, kháng nguyên kháng thể HIV, giang mai, kháng thể bất thường, HBV-ADN, HCV-ARN, HIV-ARN)
- Xét nghiệm khẳng định các trường hợp HIV dương tính cho bệnh nhân và người hiến máu (Phòng xét nghiệm HIV được Bộ Y tế cho phép)
- Xét nghiệm định nhóm máu hệ ABO, Rh
- Xét nghiệm sàng lọc kháng thể bất thường
- Định nhóm kháng nguyên hệ hồng cầu (E, Mia….) cho đơn vị máu
II. CÁC XÉT NGHIỆM THỰC HIỆN ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ MÁU TỪ NGƯỜI HIẾN MÁU
Mẫu máu từ người hiến máu được đựng trong 3 loại ống khác nhau:
- Ống 2ml máu toàn phần được chống đông bằng EDTA: Sử dụng cho xét nghiệm định nhóm máu, sàng lọc kháng thể bất thường và giang mai;
- Ống 4ml máu toàn phần, được chống đông bằng EDTA: Sử dụng cho xét nghiệm sàng lọc huyết thanh học HBsAg, Anti-HCV, kháng nguyên kháng thể HIV, CMV-IgM (nếu có);
- Ống 6ml máu toàn phần, được chống đông bằng EDTA: Sử dụng cho xét nghiệm sinh học phân tử (NAT), sàng lọc HBV, HCV, HIV.
Các mẫu máu từ người hiến máu sau khi được kiểm tra đảm bảo đủ điều kiện đưa vào xét nghiệm (thể tích, nhiệt độ vận chuyển, độ tán huyết và mỡ máu…) sẽ được nhập vào phần mềm quản lý xét nghiệm để khai báo và chỉ định xét nghiệm trên phần mềm.
Nhận bàn giao mẫu xét nghiệm và nhập thông tin mẫu xét nghiệm vào phần mềm quản lý xét nghiệm sàng lọc máu
Các xét nghiệm được tiến hành đối với mẫu máu từ người hiến máu bao gồm:
1. Xét nghiệm định nhóm máu, sàng lọc kháng thể bất thường và giang mai
- Thiết bị thực hiện xét nghiệm: Máy xét nghiệm Olympus PK7300.
- Máy xét nghiệm tự động hoàn toàn, công suất xét nghiệm cao: 300 test/giờ.
- Việc kiểm tra chất lượng xét nghiệm định nhóm máu, sàng lọc kháng thể bất thường và giang mai được thực hiện định kỳ hằng ngày trước khi tiến hành xét nghiệm và sau mỗi 12 giờ thiết bị xét nghiệm liên tục.
- Phương pháp xét nghiệm: Ngưng kết hạt.
Hệ thống máy xét nghiệm định nhóm máu PK7300 sử dụng trong xét nghiệm định nhóm máu, sàng lọc kháng thể bất thường, giang mai
- Các bước thực hiện:
-
- Mẫu máu được ly tâm để phân tách huyết tương và hồng cầu.
- Mẫu máu được đưa vào máy xét nghiệm, máy sẽ tự động quét mã barcode, tự động xử lý mẫu và sau 1 giờ máy xét nghiệm sẽ in ra kết quả nhóm máu; đồng thời, kết quả xét nghiệm sẽ được chuyển tự động ra phần mềm quản lý xét nghiệm.
- Thời gian trả kết quả xét nghiệm: 3,5 giờ/200 mẫu.
2. Xét nghiệm định nhóm kháng nguyên hồng cầu (E, Mia)
- Chỉ sử dụng cho những trường hợp chỉ định của bác sĩ lâm sàng.
- Mẫu máu được đưa vào xét nghiệm để chọn ra những những đơn vị máu có kháng nguyên hệ hồng cầu như kháng nguyên E, kháng nguyên Mia âm tính.
- Việc truyền các các đơn vị có kháng nguyên hệ hồng cầu âm tính có thể giúp bệnh nhân giảm sinh các kháng thể do truyền máu nhiều lần.
3. Xét nghiệm sàng lọc HBsAg, kháng thể HCV, kháng nguyên kháng thể HIV, kháng thể CMV-IgM (nếu có).
- Thiết bị thực hiện xét nghiệm: Máy xét nghiệm Roche cobas 8000, Abbott Alinity.
- Máy xét nghiệm tự động hoàn toàn.
- Việc kiểm tra chất lượng xét nghiệm xét nghiệm HBsAg, kháng thể HCV, kháng nguyên kháng thể HIV, kháng thể CMV-IgM (nếu có) được thực hiện định kỳ hằng ngày trước khi tiến hành xét nghiệm và sau mỗi 12 giờ thiết bị xét nghiệm liên tục.
- Phương pháp xét nghiệm: Hóa phát quang/điện hóa phát quang.
Hệ thống máy xét nghiệm Roche cobas 8000, Abbott Alinity i sử dụng cho xét nghiệm sàng lọc HBsAg, kháng thể HCV, kháng nguyên kháng thể HIV
- Các bước thực hiện:
-
- Mẫu máu được đưa vào hệ thống tiền phân tích để ly tâm với tốc độ 3.000 vòng/10 phút, mẫu ly tâm xong được mở nắp tự động và tự động chuyển vào module xét nghiệm;
- Máy xét nghiệm quét barcode ống mẫu, xử lý mẫu và tự động xét nghiệm hoàn toàn. Sau 30 phút, máy xét nghiệm sẽ in ra kết quả xét nghiệm đầu tiên và lần lượt cho ra kết quả các mẫu xét nghiệm tiếp theo.
- Kết quả được đẩy tự động ra phần mềm quản lý xét nghiệm sàng lọc máu.
- Thời gian trả kết quả xét nghiệm: 3,5 giờ/200 mẫu.
4. Xét nghiệm sàng lọc HBV-ADN, HCV-ARN, HIV-ARN bằng kỹ thuật sinh học phân tử (NAT)
- Thiết bị thực hiện xét nghiệm: Máy xét nghiệm Roche cobas 6800, Grifols Panther Procleix.
- Phương pháp xét nghiệm: Realtime PCR, khuếch đại qua trung gian phiên mã (TMA).
- Xét nghiệm NAT phát hiện HBV-ADN, HCV-ARN, HIV-ARN được thực hiện sàng lọc cho 100% đơn vị máu hiến tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương từ 1/1/2015.
- Tất cả các mẫu máu có kết quả xét nghiệm HBsAg, kháng thể HCV, kháng nguyên kháng thể HIV không phản ứng được đưa vào làm xét nghiệm NAT.
- Thời gian thực hiện xét nghiệm: tối thiểu 552 mẫu/3,5 giờ.
Hệ thống máy xét nghiệm Roche cobas 6800 và Grifols Panther Procleix sử dụng để xét nghiệm sàng lọc HBV-ADN, HCV-ARN, HIV-ARN bằng kỹ thuật sinh học phân tử (NAT)
ThS. Nguyễn Thị Thanh Dung
Trưởng Khoa Xét nghiệm sàng lọc máu
(Ảnh: Công Thắng)
Bài viết liên quan
COVID-19: Chưa có bằng chứng lây truyền qua đường máu
10 Tháng Ba, 2020Các tài liệu hiện có liên quan đến dịch bệnh do vi rút corona gây ra như SARS, MERS hay COVID-19 đều chưa cho thấy bằng chứng về việc các…
Giới thiệu Khoa Xét nghiệm Sàng lọc máu
10 Tháng Một, 2020I. Giới thiệu chung Địa chỉ: Khoa Xét nghiệm sàng lọc máu, Tầng 4, nhà T, Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương Điện…
Kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử mở ra kỷ nguyên mới về đảm bảo an toàn truyền máu
18 Tháng Mười Hai, 2015Ngày 19/12/2014, lần đầu tiên ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và cũng là ở Việt Nam, xét nghiệm sinh học phân tử (Nucleic acid test –…