Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết trong đại dịch COVID-19

Vào cuối mùa xuân và khoảng đầu tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm thuận lợi để muỗi vằn – vector trung gian truyển bệnh phát triển, dẫn đến nguy cơ bùng phát của dịch sốt xuất huyết (SXH) tăng cao nếu không có các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả.

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết ở nước ta

Năm 2019, cả nước ghi nhận 320.331 trường hợp mắc SXH với 53 trường hợp tử vong và nhiều ổ dịch trong cộng đồng tại các địa phương như Hà Nội, Tp.HCM, các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc SXH tại 58 tỉnh, thành phố; một số địa phương đã có ca tử vong như Bình Định, Bình Phước, Cần Thơ và Tây Ninh.

Tại TPHCM từ đầu năm đến nay, Sở Y tế đã giám sát và thống kê cho thấy trên địa bàn có 6.893 ca mắc SXH. Trung bình mỗi tuần thành phố có khoảng 120 trường hợp nhiễm bệnh phải nhập viện điều trị.

Ở Hà Nội, theo Sở Y tế, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 137 trường hợp mắc SXH tại nhiều quận huyện, trong đó có 2 ổ dịch có nguy cơ gia tăng nhanh, tuy vậy, chưa có trường hợp tử vong, đó là ổ dịch ở xã Khánh Hà, huyện Thường Tín và xã Thanh Thùy, huyện Thanh Oai (Hà Nội).

Biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết trong đại dịch COVID-19Phun thuốc diệt muỗi giúp góp phần phòng chống sốt xuất huyết

Nguyên nhân gây bệnh và môi giới truyền bệnh sốt xuất huyết

Căn nguyên gây bệnh SXH là do virus Dengue, nên được gọi là sốt xuất huyết Dengue (SXHD). Virus Dengue có 4 typ huyết thanh (Den1, Den1, Den3 và Den4). Ở Việt Nam có cả 4 typ huyết thanh này, vì vậy, một người có thể mắc cả 4 typ huyết thanh virus Dengue, có nghĩa năm nay mắc typ Den1, sang  năm có thể mắc typ huyết thanh Den2… SXHD là một bệnh do virus lây truyền cho người bởi muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) và Aedes albopictus (muỗi hổ châu Á). Virus Dengue lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua vết đốt của muỗi Aedes do bản thân con muỗi đó có mang virus Dengue ở tuyến nước bọt của nó. Những con muỗi này thường đẻ trứng vào nước ngọt sạch (bể, lu, chum, vại chứa nước ngọt, các ao hồ, lốp xe hỏng, chai, lọ chứa nước mưa…). Muỗi Aedes hoạt động cả ban ngày, cả ban đêm, nhất là sáng sớm, chiều tối và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh SXH.

Nhận biết bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD)

Đặc điểm của SXHD có đặc trưng là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương dẫn tới sốc do cô đặc máu, tụt huyết áp bởi giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn đông máu thứ phát sau sốc kéo dài, nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời rất có thể dẫn đến tử vong.

Thời kỳ ủ bệnh từ 3 – 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày, sau đó xuất hiện đột ngột sốt cao (kéo dài từ 2-7 ngày), người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hố mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), có thể kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy. Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Sốt sẽ giảm vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 và kèm theo có xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi hoặc cả 2). Trường hợp nặng có thể xuất huyết nội tạng (chảy máu tiêu hóa, thận), kinh nguyệt kéo dài, rong kinh (phụ nữ) và có thể bị sốc. Xuất huyết ở da dạng ban, dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. SXHD thể nhẹ, trung bình không bị sốc hoặc bị sốc nhưng được điều trị thoát sốc tốt, bệnh nhân nhanh chóng hồi phục. Tuy vậy, có một số trường hợp bệnh nặng có thể dẫn đến một số biến chứng.

Biến chứng có thể gặp ở bệnh SXHD, ngoài sốc, có thể làm cho lách to, gan to và đau, đây là biểu hiện xấu. Ngoài ra, có thể biến chứng tràn dịch màng phổi, giảm protein máu hoặc dấu hiệu màng não.

Nên làm gì để phòng bệnh sốt xuất huyết?

Muốn phòng bệnh SXHD có hiệu quả ngành y tế cần thiết tuyên truyền rộng rãi cho toàn dân biết tác hại của bệnh, nguyên nhân làm bệnh lây lan. Vì vậy, cần thông báo rộng rãi đến tận các tổ dân phố, các hộ gia đình, các trường học, các cơ quan đóng trên địa bàn các biện pháp phòng bệnh SXHD. Nếu có điều kiện cần phát tờ rơi cho mọi người, đặc biệt là các trường học, chợ, cơ quan, nơi đông dân qua lại để nhiều người biết càng tốt. Cần tập trung diệt muỗi và bọ gậy bằng mọi biện pháp từ dân gian đến các chất hóa học, đặc biệt ở các địa phương đang có SXHD xảy ra.

Đối với diệt muỗi, ngoài các biện pháp dân gian như xua, bẫy, vợt, dùng hương muỗi… để bắt, diệt muỗi, phun hóa chất diệt muỗi là một biện pháp rất có hữu hiệu. Để có hiệu quả cao về biện pháp phun hóa chất diệt muỗi, cần làm thế nào để mọi người dân trong từng gia đình, tổ dân phố, xóm, làng, thôn, bản hưởng ứng, ủng hộ và cùng tham gia tích cực như hiện nay toàn dân đang phòng chống dịch Covid-19, nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ y tế địa phương thực thi nhiệm vụ. Bởi vì, phun thuốc diệt muỗi để đạt hiệu quả diệt muỗi tốt nhất là không để một gia đình nào không được phun; trong mỗi gia đình không để phòng nào, vị trí nào không được phun thuốc. Có làm được như vậy thì muỗi không còn chỗ để trốn tránh và sẽ bị tiêu diệt ngay tức khắc.

Để tránh muỗi đốt, phải nằm màn (cả lúc ngủ ban ngày lẫn ban đêm). Ở công sở, trường học, mọi người tránh muỗi đốt nên đi dày, có bít tất và mặc quần dài ống để tránh hở da vùng chân. Để tiêu diệt bọ gây (loăng quăng) cần phải thau rửa chum, vại, lu, các vật dụng dùng đựng nước sinh hoạt và phải có nắp nậy kín để không cho muỗi vào đẻ trứng. Nếu gia đình, công sở, trường học có dùng lọ cắm hoa, cần thay nước hàng ngày. Đối với các dụng cụ chứa nước sinh hoạt, ngoài nắp đậy, có thể nuôi các loài cá có khả năng ăn được nhiều bọ gậy. Ngoài ra, cần vệ sinh môi trường tốt và khơi thông cống rảnh, ao, hồ…để tiêu diệt trứng muỗi và bọ gậy.

Theo Sức khỏe & Đời sống
ĐỊA ĐIỂM XÉT NGHIỆM SỐT XUẤT HUYẾT:

? Viện Huyết học – Truyền máu TW (phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội): Từ 6h30 – 17h các ngày thứ 2 đến thứ 6 (khám theo bảo hiểm y tế, khám thu phí và khám theo yêu cầu); 7h30 – 17h thứ 7 (khám theo yêu cầu).

? Các điểm hiến máu và xét nghiệm ngoại Viện: 8h – 12h và 13h30 – 17h từ thứ 2 đến thứ 7.

  • Số 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Số 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội
  • Số 10, ngõ 122 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan