Bệnh nhân Thalassemia đủ máu không muốn về nhà
Bệnh nhân đến viện không muốn về – đó là điều ngược đời diễn ra như cơm bữa tại Trung tâm Thalassemia (Viện Huyết học – Truyền máu TW). Dòng trạng thái (status) của một người mẹ bệnh nhân thalassemia trên facebook đã khơi gợi mạnh mẽ sự tò mò của chúng tôi.
Chúng tôi đến thăm Trung tâm Thalassemia, hình ảnh đầu tiên ập vào mắt chúng tôi là hàng trăm bệnh nhân Thalassemia với nước da xanh lét hoặc vàng khè, hoặc đen thui vì thiếu máu và ứ sắt, có hơn một nửa số đó là trẻ em.
Hầu hết họ đều đến từ những tỉnh thành rất xa. Họ đến đây điều trị trong tình trạng thiếu máu rất nặng “mới chịu” đi viện.
Quan sát, chúng tôi thấy có khoảng hơn 30 cháu bé trong một phòng bệnh, trên đôi tay bé nào cũng có chiếc kim lưu còn đọng máu tươi hoặc đang được truyền thuốc nằm im lìm trên giường. Hình ảnh đó cứ ám ảnh chúng tôi cùng bao xót xa. Không quên mục đích ban đầu của mình, chúng tôi tìm gặp người có nickname Facebook đã đăng dòng status lạ.
Chị P.B.T (nhân vật xin giấu tên) – mẹ của một bệnh nhi hồ hởi chào chúng tôi trong một phòng bệnh nhỏ. Con trai chị bị bệnh Thalassemia và năm nay cháu đã lên 6 tuổi, cũng là 6 năm gia đình chị sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà.
Chị cho biết cháu được phát hiện bị bệnh khi mới 2 tháng tuổi. Chỉ có ai làm mẹ mới thấu hiểu và cảm thông cho tấm lòng của một người mẹ chăm con bị bệnh. Chị T chia sẻ: “Gia đình rất muốn đưa con đi viện đúng hẹn của bác sĩ, nhưng mỗi tháng phải đi một lần nên có nhiều khi tôi đành nhắm mắt để con ở nhà vì chưa xoay được tiền. Đến khi thấy con xanh xao quá, tôi vội vàng đưa cháu đi viện. Cháu hào hứng đi viện lắm, cháu bảo đi viện còn sướng hơn ở nhà, có điều hòa, có trò chơi điện tử, có quà vặt đầy cả phòng … Lúc vào viện thì xanh như tàu lá, được truyền đủ máu lại tươi tỉnh và chạy nhanh hơn sóc”.
Phóng viên (PV): Viện cho các cháu chơi điện tử ạ?
Chị Thu: Cũng không hẳn thế, ở đây có một phòng học đặc biệt dạy đánh vần và học đếm nhưng gần giống như chơi điện tử, thế là con mình vừa học vừa chơi mà không chán. Hơn nữa đến đây có bạn cùng trang lứa chơi cùng, chứ ở nhà đến hàng xóm nhà tôi còn không cho con cái họ chơi cùng cháu vì sợ bị lây bệnh. Nhìn cháu lủi thủi một mình, tôi khổ tâm lắm nhưng đành bất lực.
Vâng, có lẽ họ chưa hiểu về bệnh này. Nghe nói chị đưa con đi nhiều nơi chữa bệnh rồi, chị nghĩ sao về cách chăm sóc bệnh nhân ở Viện này ạ ?
Có bệnh thì vái tứ phương, cứ ai nói ở đâu có thầy hay là gia đình tôi đưa cháu đi nhưng không ăn thua. Khi đến đây, tôi nghĩ mình có thể trường kỳ đưa con đến viện mà không băn khoăn gì, cả chuyên môn lẫn thái độ của nhân viên y tế.
Và đây có phải là nguyên do chị đăng status ” … con trai đi viện vui chẳng muốn về nhà, mẹ thì xót xa nhưng chỉ cần con vui là mẹ hạnh phúc.” ?
Cháu về nhà còn hào hứng kể cho cháu bé hàng xóm về mỗi lần đi viện. Cháu nhà hàng xóm còn bảo: “ước gì anh cũng bị bệnh để được đến viện chơi trò chơi và ăn kẹo như em”. (cười) Đúng là trẻ con …
Xin cảm ơn chị, chúc chị và cháu mạnh khỏe và có nhiều niềm vui hơn nữa.
Cuộc trò chuyện tạm khép lại khi cháu bé chạy ùa vào phòng cùng các cháu bệnh nhân nhi khác. Máu đối với bệnh nhi Thalassemia như là cơm với chúng ta, đủ máu thì các cháu sẽ mạnh khỏe nô đùa như bao đứa trẻ bình thường khác. Và đó cũng là điều được ưu tiên hàng đầu ở Viện Huyết học – Truyền máu TW. Chúng tôi chợt nghĩ về câu: ” Trẻ em hôm nay – thế giới ngày mai”.
Có lẽ, chúng ta cần nhiều hơn nữa những bệnh viện tiến hành song song cả điều trị bệnh lý đi đôi với tác động tâm lý mà ở đó người bác sĩ – điều dưỡng đóng vai trò then chốt. Bên cạnh đó, sự quan tâm và ủng hộ thực tế của các nhà quản lý cũng là chìa khóa của những bệnh viện nơi mà bệnh nhân đến không muốn về.
Thùy Linh ( Theo Báo Gia đình và Xã hội)