Bác sĩ mang nhóm AB và 99 lần “trao sự sống”
“Lại đi hiến đấy à?”, câu nói của đồng nghiệp khi nhìn thấy bác sĩ Hoàng Chí Cương có mặt ở phòng hiến máu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Anh đã ở đây 99 lần và vẫn chưa có ý định dừng lại hành động “trao đi sự sống”.
“Một giọt máu trao đi – Một cuộc đời ở lại” – thông điệp quen thuộc ở các chương trình vận động hiến máu đã trở thành động lực để ngày càng nhiều người dân tham gia vào hoạt động thiện nguyện này.
Tiếp xúc và làm việc thường xuyên với những người bệnh “thiếu máu là chết”, bác sĩ Hoàng Chí Cương, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, càng thấm thía hơn ai hết ý nghĩa của việc trao giọt máu hồng.
Mang nhóm máu AB, nhóm máu có tỷ lệ thấp trong dân số, bác sĩ Cương đã trở thành “ngân hàng máu sống” với 99 lần hiến.
Bác sĩ mang danh “ngân hàng máu sống”
Gặp bác sĩ Hoàng Chí Cương đúng vào ngày anh đi hiến máu lần thứ 99. Anh mong lần thứ 100 sẽ vào đúng ngày sinh nhật nhưng không thành công bởi “không phải cứ thích hiến máu là làm được”.
Anh là một trong số ít người ở Việt Nam có thể hiến tiểu cầu. Trong những lần hiến máu tình nguyện, bác sĩ Cương có 3 lần hiến máu toàn phần, còn lại là hiến tiểu cầu.
Nhớ lại thời điểm năm 2009, khi đó lượng người đến hiến tiểu cầu ở nước ta rất thấp. Chính vì thế, tiểu cầu tiếp nhận được từ người hiến rất quý giá cho công tác điều trị và cấp cứu người bệnh.
Biết được mình có lượng tiểu cầu cao, bác sĩ Cương không ngần ngại đăng ký đi hiến ngay. Kể từ đó, anh ghi tên mình vào danh sách “ngân hàng máu sống” của viện để khi nào tiểu cầu trong kho cạn kiệt, bác sĩ chỉ cần nhấc điện thoại là anh lập tức có mặt.
“Những người hiến máu toàn phần phải đợi 12 tuần mới được tiếp tục, còn tôi chỉ cần 3 tuần. Tôi lại ở viện nên một bước là có mặt ở phòng hiến máu, không ai nhanh bằng tôi”, bác sĩ Cương vui vẻ nói.
Ở Việt Nam, nhóm máu AB chỉ chiếm khoảng 5% dân số. Vì vậy, khi có tình huống khẩn cấp, nhiều bệnh nhân mang nhóm máu hiếm nhập viện, những “ngân hàng máu sống” như bác sĩ Cương sẽ được gọi bất kể ngày đêm.
“Viện Huyết học chúng tôi đã duy trì được một nếp văn hóa chung từ nhiều năm nay, đó là hiến máu vào dịp Tết và đầu năm mới. Tôi cũng không ngoại lệ, Tết năm nào tôi cũng đăng ký hiến tiểu cầu, năm vừa rồi cũng khai xuân như thế”, bác sĩ Cương chia sẻ.
Trung bình mỗi ngày, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cần khoảng 50 đơn vị tiểu cầu. Hôm nay, bác sĩ Cương là người duy nhất hiến tiểu cầu nhóm AB. Nếu người hiến máu toàn phần, thời gian lấy chỉ khoảng vài phút, nhưng với tiểu cầu, bác sĩ Cương phải mất 60 phút cho một đơn vị máu (250 ml).
Trong quá trình hiến, máu được đưa trực tiếp vào máy chiết tách tế bào. Chiếc máy hiện đại này sẽ ly tâm, tách và giữ lại thành phần tiểu cầu, sau đó truyền trả lại những thành phần khác như hồng cầu, bạch cầu, huyết tương cho người hiến. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học – công nghệ, việc gạn tách tiểu cầu đã có nhiều tiến bộ, đảm bảo an toàn và thuận lợi cho người hiến.
“Trước đây, máy móc để lấy tiểu cầu đều cũ, chất chống đông vào người nhiều nên mỗi lần hiến xong cơ thể rất mệt mỏi. Hiện nay, việc hiến tiểu cầu được thực hiện bằng máy tách tự động – thiết bị hiện đại nhất – nên điều này đã được khắc phục”, bác sĩ Cương cho biết.
“Tôi tự vận động mình hiến máu”
Bác sĩ Hoàng Chí Cương đang đảm nhiệm vai trò Phó trưởng khoa Miễn dịch, Phó bí thư Đoàn thanh niên Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Công việc hàng ngày của anh là cùng đồng nghiệp phân tích và nhận định các kết quả xét nghiệm cho bệnh nhân bị bệnh máu ác tính, lành tính. Công việc này đòi hỏi bác sĩ phải có kiến thức chuyên sâu về bệnh để có lập luận chính xác, hỗ trợ cho bác sĩ lâm sàng trong quá trình điều trị.
Bác sĩ Cương vẫn nhớ lần đầu tiên hiến máu là cho chính người bạn học mắc ung thư. Thấu hiểu nỗi đau của bạn khi phải chiến đấu với bệnh tật, anh càng trân trọng hơn việc hiến máu cứu người. Chính vì thế, ngay sau khi ra trường, trở thành bác sĩ, anh đã bền bỉ nuôi dưỡng ước nguyện trở thành “ngân hàng máu sống”.
Từng là bác sĩ tại khoa Điều trị Ung thư máu, trực tiếp chữa trị cho nhiều bệnh nhân nan y, hơn ai hết, anh lại càng đồng cảm sâu sắc với họ. Nhiều người phải truyền máu cả đời vì mang căn bệnh máu khó đông, tan máu bẩm sinh, suy tủy xương.
“Là bác sĩ tiếp xúc hàng ngày với bệnh nhân sống được là nhờ máu, tôi tự vận động bản thân mình khi có điều kiện và thời gian là sắp xếp đi hiến ngay”, anh nói.
“Hiến máu như tập thể dục”
Khi còn nhỏ, cậu bé Hoàng Chí Cương vừa thấp vừa còi. Học hết lớp 12, chàng trai cũng chỉ nặng 43 kg. Thậm chí, anh còn được miễn giảm học thể dục sau chấn thương vùng lưng từ năm lớp 8. Hiện tại, bác sĩ Cương cao 1,72 m, cân nặng 61 kg.
“Sau nhiều năm hạn chế vận động, tập thể dục, lên đại học, tôi quay lại tập và thấy không còn đau. Từ đó, tôi chẳng từ một bộ môn nào”, anh nói.
Từ tennis, bơi lội, bóng đá, chạy bộ,… anh đều tham gia tích cực, thậm chí đem về huy chương. Anh cho biết đó là cách giữ gìn sức khỏe và tinh thần.
“Người ta nói hiến máu hại sức khỏe là sai lầm. Việc hiến máu với tôi cũng như tập thể dục vậy. Đó là thói quen, không thể bỏ”, anh nói.
Tối muộn, khi có thời gian, anh cùng vợ là chị Chu Thị Thùy Linh (sinh năm 1986, bác sĩ Bệnh viện Bưu Điện) chạy bộ.
Không chỉ là đồng nghiệp, chị Linh còn cùng chồng tham gia hiến máu. Sau lần đầu tiên cách đây 10 năm, đến nay chị đã đều đặn hiến máu 13 lần. Người phụ nữ này luôn ủng hộ việc làm của chồng. Chị cũng chính là hậu phương vững chắc để bác sĩ Cương tiếp tục đam mê của mình.
Kỷ niệm không thể quên với hai vợ chồng đó là khi chị chuyển dạ, chuẩn bị sinh con gái đầu lòng, đúng ngày 30 Tết, sớm hơn dự kiến 4 tuần. Khi đó, bác sĩ Cương đang hiến tiểu cầu. Nhận được điện thoại thông báo vợ chuyển dạ chờ sinh, kết thúc ca trực, anh nhanh chóng đến bệnh viện túc trực suốt đêm giao thừa. Ngày đầu năm mới, cả gia đình hạnh phúc trọn vẹn vì đón thêm thành viên nhí. Đến nay, con gái đã hơn 5 tuổi, anh chị còn có thêm một bé trai 18 tháng.
Bác sĩ Cương không chỉ vận động vợ mà anh còn mong trong tương lai hai con sẵn sàng hiến máu cứu người và trở thành tuyên truyền viên tích cực cho hành động thiện nguyện này.
“Hiến máu là niềm vui bé nhỏ suốt cuộc đời của tôi. Bởi vậy, tôi sẽ hiến đến khi nào bệnh nhân không còn cần nữa mới thôi”, anh nói với nụ cười hiền lành.