Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Lan tỏa phong trào hiến máu tình nguyện

Từng chứng kiến hàng trăm cuộc hiến máu tình nguyện quy mô lớn nhỏ khác nhau song điều phóng viên nhận ra ở đây đó là nụ cười, là niềm hạnh phúc của những người hiến máu tình nguyện khi giọt máu của họ sẽ cứu giúp nhiều mảnh đời bất hạnh, giúp họ vượt qua bạo bệnh.

WHO đã lấy ngày 14/6 hằng năm là Ngày Hiến máu thế giới nhằm nâng cao nhận thức và tôn vinh hành động nhân văn của những người hiến máu tình nguyện. Trong ảnh: Cán bộ công chức cơ quan Tổng cục Hải quan tham gia ngày hội hiến máu Ảnh: H.Nụ

“Hạnh phúc là cho đi”

Nếu nói tới phong trào cộng đồng có tính nhân văn, lan tỏa sâu rộng trong xã hội không thể không nhắc tới phong trào hiến máu tình nguyện. Từ nhiều năm gần đây, phong trào đã thu hút đông đảo người dân, từ trẻ tới già, từ miền xuôi tới miền ngược, đồng bằng và miền núi nhiệt tình tham gia.

Đã nhiều năm theo dõi mảng y tế, phóng viên may mắn chứng kiến rất nhiều cuộc hiến máu tình nguyện được tổ chức, dù trong tiết trời nắng như đổ lửa giữa mùa hè oi ả hay những ngày đông giá lạnh, mọi người đều phấn khởi tham gia, không chút ngại ngần. Nhiều bạn sinh viên các trường Đại học (ĐH), Cao đẳng (CĐ) trên địa bàn Hà Nội khi được hỏi đều vui vẻ cho biết, khi nghĩ tới việc những giọt máu của mình cứu giúp được người khác trong cơn hoạn nạn là trong lòng lại cảm thấy yên tâm đến lạ.

Bạn Dương Thị Huyền Trang, sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền cho biết, lúc đầu nghĩ về hiến máu, cô gái trẻ lại ngại ngần nghĩ rằng hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, từ khi được giải thích rõ, hiểu hơn về việc hiến máu tình nguyện, Trang nhận ra rằng hiến máu không những tốt cho sức khỏe mà còn là nghĩa cử cao đẹp, mỗi giọt máu cho đi một cuộc đời sẽ ở lại. “Trong khi bản thân khỏe mạnh lại chưa giúp được gì cho cộng đồng nên em đăng ký hiến máu và vận động bạn bè mình cùng tham gia”, Trang chia sẻ.

Nhiều trong số những người hiến máu tình nguyện đã tham gia lần một sẽ thấy rất hào hứng tham gia các lần tiếp theo. Cũng vì thế mà rất nhiều người đã có thâm niên hiến máu lên tới vài chục năm với số lần hiến máu lên tới vài chục lần, thậm chí hàng trăm lần. Và hoạt động vinh danh 100 người hiến máu tình nguyện tiêu biểu được tổ chức hàng năm là nhằm tôn vinh những tấm gương hiến máu tiêu biểu, lan tỏa phong trào sâu rộng hơn trong người dân.

Chị Trần Thị Mai, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Phường Cam Nghĩa, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; anh Nguyễn Bá Học, TPHCM hay chị Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Deloitte Việt Nam- nằm trong số 100 người hiến máu tiêu biểu đều có những động lực rất giản dị để hiến máu lần đầu tiên nhưng lại trở thành cảm hứng cho nhiều người khác cùng hiến máu.

Từng chứng kiến một hoàn cảnh khó khăn không có đủ máu để truyền, chị Trần Thị Mai suy nghĩ rằng tại sao mình có sức khỏe mà lại không làm gì để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. “95 lần hiến máu sẽ chưa phải là điểm dừng, tôi mong có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục hiến máu nhiều lần hơn”, chị Trần Thị Mai chia sẻ.

Anh Nguyễn Bá Học cũng khởi đầu cho 70 lần hiến máu tiếp theo của mình khi thấy người em của mình bị tai nạn và không may mất trên đường đi cấp cứu. Anh Học mong muốn mọi người dân khỏe mạnh trong xã hội hãy tích cực hiến máu bởi “mỗi lần hiến máu vừa được kiểm tra sức khỏe định kỳ miễn phí cho bản thân và cơ hội để tiếp sức cho người bệnh”.

Đến với hiến máu cũng rất giản dị, chị Hà Thị Thu Thanh đã trở thành “thủ lĩnh” cho hàng trăm cán bộ, nhân viên Công ty Deloitte cùng hiến máu từ hơn 10 năm nay. Theo lời chị Thanh, năm 1997, chị gặp biến cố phải nằm viện và truyền rất nhiều máu, khi tỉnh lại mới biết rằng anh em gia đình hiến máu không đủ, bệnh viện cũng phải vất vả vận động máu từ rất nhiều người khác. Vì thế chị Thanh mong có thể sẽ hiến máu thường xuyên để trả ơn cuộc đời.

Từ năm 2013 đến nay, anh Nguyễn Hồng Ninh (sinh năm 1995, phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) đã có thâm niên 38 lần tham gia hiến máu tình nguyện. Qua lời kể của Ninh, anh tham gia hiến máu lần đầu khi mới 18 tuổi. Khi đó, anh vừa tốt nghiệp THPT, tham gia sinh hoạt Đoàn thanh niên tại khu dân cư.

Theo lời chàng trai trẻ, trong quá trình tham gia hiến máu, anh có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Theo đó, khoảng 20h một ngày tháng 6/2019, khi anh vừa đi làm về đến nhà, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh gọi điện thông tin có một bệnh nhân cấp cứu cần tiểu cầu gấp. Không chần chừ, anh đi xe máy gần 30km đến Bệnh viện hiến tiểu cầu cho bệnh nhân, hiến xong về tới nhà đã 24h.

Hôm sau, anh được bác sỹ thông tin, bệnh nhân đã được cứu sống, đang trong quá trình hồi phục. “Lúc đó, tôi thấy cuộc sống ý nghĩa hơn, người bệnh được cứu sống từ giọt máu của mình, đúng là hiến giọt máu đào, trao nhau sự sống”, anh Ninh nói.

Không chỉ trực tiếp tham gia hiến máu, anh Ninh còn tuyên truyền, vận động khoảng 200 người tham gia hiến máu tình nguyện.

Lan tỏa sâu rộng

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 250 triệu người cần truyền máu khẩn cấp, tương đương hơn 130 triệu đơn vị máu. Nhu cầu máu an toàn và các chế phẩm máu ngày càng tăng trên toàn cầu, nhất là trong bối cảnh thế giới đang hứng chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh, dân số già hóa… bởi máu quan trọng cho cả phương pháp điều trị và can thiệp khẩn cấp.

Máu có thể giúp bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch kéo dài sự sống và hỗ trợ các thủ tục y tế cũng như các ca phẫu thuật cần nhiều kỹ thuật y học phức tạp như ghép tạng, ghép tủy được triển khai thành công.

Tại Việt Nam, theo Ban Chỉ đạo Vận động Hiến máu tình nguyện, năm 2019, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu. Trong đó, 99% lượng máu tiếp nhận là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương gần 1,5% dân số tham gia hiến máu, tỷ lệ hiến máu nhắc lại đạt 45,2%, tỷ lệ đơn vị máu thể tích từ 350ml trở lên đạt trên 44%.

Bình quân hàng năm đã có hàng trăm nghìn người tình nguyện tham gia trong các chiến dịch, sự kiện hiến máu tình nguyện do Ban chỉ đạo quốc gia và các địa phương, đơn vị triển khai. Lượng máu thu được từ các hoạt động này đã từng bước góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Điển hình như Chiến dịch “Những giọt máu hồng” được Ban chỉ đạo quốc gia phát động lần đầu tiên năm 2009 nhân Ngày quốc tế Chữ thập đỏ (8/5). Đến năm 2013, Chiến dịch “Những giọt máu hồng” đã được triển khai thành công tại 46 tỉnh, thành phố trên cả nước hay Ngày hội Chủ nhật Đỏ do Báo Tiền Phong phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương tổ chức đã nhận được rất nhiều hưởng ứng của thanh niên, học sinh, sinh viên các trường ĐH, CĐ trên cả nước.

Theo chia sẻ của TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học, Truyền máu Trung ương, những người hiến máu tiêu biểu được tôn vinh hàng năm chính là tấm gương sống động để vận động gia đình, cơ quan, khu dân phố cùng hiến máu. “Việc vận động người dân, các đối tượng tham gia hiến máu cứu người, hiến máu thường xuyên, hiến máu nhắc lại là vô cùng quan trọng để đảm bảo an ninh nguồn máu, hướng tới đạt 2% dân số tham gia hiến máu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới”, TS. Khánh nêu.

Theo Báo Hải quan

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan