Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Chuyện gia đình Công an lập kỷ lục về hiến máu

Ngoài cán bộ chiến sỹ (CBCS) nhiệt tình hiến máu, phong trào hiến máu tình nguyện trong CAND còn xuất hiện những gương mặt tiêu biểu vận động đồng đội, người thân tham gia hiến máu. Cũng chính những hoạt động đầy nhân văn này đã giúp các CBCS đồng điệu về tâm hồn nên duyên vợ chồng...

Ngoài cán bộ chiến sỹ (CBCS) nhiệt tình hiến máu, phong trào hiến máu tình nguyện trong CAND còn xuất hiện những gương mặt tiêu biểu vận động đồng đội, người thân tham gia hiến máu. Cũng chính những hoạt động đầy nhân văn này đã giúp các CBCS đồng điệu về tâm hồn nên duyên vợ chồng. Đó là câu chuyện tình yêu của Thượng úy Nguyễn Văn Nguyên, cán bộ Khoa Quản lý nhà nước về an ninh quốc gia, Học viện An ninh nhân dân (ANND) và Đại úy Bùi Hoàng Ly Ly, cán bộ Phòng Công tác chính trị Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) trong một lần dự ngày hội hiến máu.

Vợ chồng Thượng úy Nguyễn Văn Nguyên

Hai vợ chồng hơn 70 lần hiến máu

Cách đây 13 năm, việc hiến máu tình nguyện chưa phổ biến trong cộng đồng. Tình cờ một hôm, sinh viên năm nhất Học viện ANND Nguyễn Văn Nguyên nhìn thấy xe hiến máu lưu động của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương đỗ tại khu vực Gò Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) khi anh đang trên xe bus tham quan Thủ đô. Anh đã quyết định xuống xe đăng ký hiến máu.

Từ đó đến nay, thầy giáo này đã hiến máu 53 lần (cả hiến máu toàn phần và hiến tiểu cầu), chủ yếu ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Việt Đức, ngoài ra thêm một số bệnh viện như: 19-8, Nhi Trung ương, Quân y 103…

Hiến máu tình nguyện thì thường xuyên, còn lần đầu anh hiến máu cứu người là năm 2012, khi mới tốt nghiệp, ở lại công tác tại Học viện ANND. “Khoảng 18h, đang chuẩn bị đi công tác ở Hải Phòng thì tôi nhận được điện thoại của cán bộ trong trường nói có người nhà cấp cứu ở bệnh viện đang cần máu. Sau khi xin ý kiến lãnh đạo khoa, tôi đến viện luôn”, Thượng úy Nguyễn Văn Nguyên kể. Ra đến nơi mới biết, bệnh nhân chuẩn bị mổ và đang thiếu tiểu cầu.

Vợ chồng Thượng úy Nguyễn Văn Nguyên và con trai tham gia hiến máu tại Hành trình đỏ năm 2018.

Hiến tiểu cầu khác với hiến máu, chỉ số rất khắt khe và kén người, cũng như thời gian bảo quản ngắn. Có người có thể hiến được máu nhưng chưa chắc đã hiến được tiểu cầu. Hôm đó, nhiều người nhà của bệnh nhân có cùng nhóm máu nhưng không đủ tiêu chí hiến được tiểu cầu vì thể trạng kém. Sau khi biết Thượng úy Nguyên thường xuyên hiến máu, các bác sĩ test nhanh đạt kết quả nên đã đồng ý để anh truyền máu lọc tiểu cầu hiến cho bệnh nhân.

Lần khác, trong thời gian đi thực tế tại Cục An ninh kinh tế, anh nhận được cuộc gọi từ các bác sỹ ở Bệnh viện Việt Đức (do anh nằm trong “ngân hàng máu sống” của bệnh viện) và đã kịp thời đến bệnh viện hiến tiểu cầu cấp cứu cho một đồng chí công tác tại Công an tỉnh Bắc Giang bị tai nạn. Các bác sỹ ở đây hầu hết đều đã “nhẵn mặt” anh do hiến máu quá nhiều lần.

Vợ chồng Thượng uý Nguyễn Văn Nguyên

Tuy nhiên người nhà bệnh nhân thì khác, có những người đã hiểu lầm anh là người bán máu. Lần đó, anh nhận được điện thoại của một cô giáo ở Lạng Sơn (là phụ huynh của sinh viên trong trường) về việc đồng nghiệp của cô đang cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức, cần truyền gấp tiểu cầu. Anh sang ngay bệnh viện gặp người nhà làm thủ tục. Vì thường xuyên hiến máu cấp cứu ở bệnh viện này nên anh không phải làm một số công đoạn xét nghiệm ban đầu.

“Người hiến tiểu cầu ở Bệnh viện Việt Đức vẫn nhận được khoảng 350 ngàn đồng tiêu chuẩn hỗ trợ dành cho người hiến theo quy định của Bộ Y tế, nên khi hiến xong, ngồi nghỉ, tôi được bác sỹ gửi tiền tiêu chuẩn. Lúc đó người nhà chứng kiến đã thay đổi thái độ với tôi, lạnh nhạt, không hỏi han như lúc đầu…”, anh nhớ lại. Cũng nhiều lần khác anh mang danh “bán máu chuyên nghiệp” do hiến máu nhiệt tình quá, thế nhưng anh không bận tâm. Điều quan trọng nhất là máu của anh đã đến kịp ca cấp cứu, giúp người dân qua cơn nguy kịch.

Kể về người vợ, người đồng đội của mình, Thượng úy Nguyễn Văn Nguyên cho rằng, chính hoạt động hiến máu tình nguyện đã kéo hai anh chị từ xa lạ xích lại gần nhau. “Ngày 27-7-2013, chương trình “Hành trình đỏ” kêu gọi hiến máu đầu tiên được tổ chức trong cả nước diễn ra tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Thượng uý Nguyễn Văn Nguyên trong một lần tham gia hiến máu

Một ngày mưa tầm tã, tôi cùng các sinh viên Học viện ANND đến tham gia hiến máu thì gặp Ly đưa các sinh viên Học viện CSND đến hiến máu”, anh hồi tưởng. Hoạt động nhận được sự quan tâm của báo chí truyền thông và vô tình hai người cùng được lên báo. Nhìn bức ảnh về Ly, một cán bộ xinh đẹp, rạng ngời trong hoạt động thiện nguyện đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho anh. Cũng từ đó tình yêu nảy sinh và thành quả ngọt, hiện gia đình nhỏ của anh chị có thêm 2 thành viên, một bé 5 tuổi, một bé 3 tuổi.

Lan tỏa ra thành viên khác trong gia đình

Phải nói thêm rằng, Đại úy Bùi Hoàng Ly Ly, vợ của Thượng úy Nguyên cũng là tấm gương sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện khi từng hiến máu 20 lần, lọt top 100 thanh niên hiến máu tiêu biểu và được Chủ tịch nước tặng Kỷ niệm chương năm 2012.

Chị khá nổi tiếng tại Học viện CSND khi trực tiếp làm công tác tuyên truyền về hiến máu, vận động được rất nhiều cán bộ, học viên tham gia hiến máu tình nguyện, góp phần thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện của học viện phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những đơn vị đứng đầu về thành tích hiến máu của Bộ Công an.

Trung uý Bùi Hoàng Cẩm Ly, cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Đống Đa

Sự nhiệt tình với công tác hiến máu tình nguyện của hai vợ chồng cũng đã “cảm hóa” thêm một thành viên khác trong gia đình là Trung úy Bùi Hoàng Cẩm Ly, cán bộ Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Đống Đa (Hà Nội), em ruột đồng chí Bùi Hoàng Ly Ly. Hiện nữ cán bộ này đã 15 lần hiến máu và đang đợi đến cuối tháng 6-2020 đủ điều kiện để tiếp tục hiến máu.

Sau khi sinh con trai thứ hai, chính vợ chồng Thượng úy Nguyễn Văn Nguyên cũng đã quyết định hiến cuống rốn của con ở Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, bổ sung vào ngân hàng tế bào gốc thế giới để giúp cộng đồng hỗ trợ chữa bệnh về máu, tế bào…

Theo TS Ngô Mạnh Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, lực lượng CAND có truyền thống vận động CBCS tham gia hiến máu từ nhiều năm nay, đã thành lập Ban Chỉ đạo hiến máu của Bộ Công an hoạt động rất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện Công an, phục vụ điều trị cho CBCS và chia sẻ nguồn máu cho các bệnh viện dân sự trên toàn quốc. Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên tình trạng máu rất khan hiếm, đặc biệt trong khoảng thời gian từ ngày 8-3 đến 7-4 không đơn vị nào tổ chức hiến máu được vì tập trung phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội…

“Tuy nhiên, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Tô Lâm cũng đã kêu gọi toàn lực lượng CAND tham gia hiến máu. Từ quyết định của Bộ trưởng, CBCS vừa tham gia chống dịch, vừa hiến máu cứu người.

Công an các đơn vị, địa phương đều thực hiện, từ tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp, ở vị trí chỉ huy chống dịch cho đến cán bộ, hạ sỹ quan, học viên CAND đều hiến máu, tạo hình ảnh đẹp, lan tỏa phong trào để giúp thu về một lượng máu lớn trong tháng 4 này”, TS Ngô Mạnh Quân đánh giá.

Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia cho rằng, quan trọng hơn, hoạt động hiến máu tình nguyện dịp này sẽ lan tỏa trong toàn lực lượng CAND, đặc biệt đối với những CBCS trẻ – những người sẽ tiếp tục hiến máu nhắc lại, hiến máu thường xuyên trong tương lai; đồng thời lan tỏa trong cộng đồng, tác động thay đổi nhận thức đối với nhiều cấp, ngành chưa thực sự quyết liệt, chưa mạnh mẽ trong phong trào này.

Ngoài câu chuyện đặc biệt của gia đình Thượng úy Nguyễn Văn Nguyên, nhiều cặp vợ chồng khác trong lực lượng CAND cũng cùng chung thói quen tham gia hiến máu. Như Đại úy Bùi Thanh Diệp, cán bộ Phòng Ngoại tuyến Công an tỉnh Sóc Trăng và vợ là cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Sóc Trăng. Anh Diệp từng 40 lần hiến máu, lọt top 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2019, là Chủ nhiệm CLB hiến máu Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Sóc Trăng và từng vận động 700 người hiến máu. Hay cặp vợ chồng trẻ Trung úy Bùi Đức Cảnh (SN 1992), Công an phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng và Trung úy Nguyễn Thị Huyền Trang (SN 1994), Công an phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Theo báo CAND

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan