Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử mở ra kỷ nguyên mới về đảm bảo an toàn truyền máu

Ngày 19/12/2014, lần đầu tiên ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và cũng là ở Việt Nam, xét nghiệm sinh học phân tử (Nucleic acid test – NAT) được đưa vào sử dụng để sàng lọc các bệnh nguy hiểm lây qua đường truyền máu bao gồm viêm gan B, C và HIV. Việc triển khai kỹ thuật NAT là một bước đột phá, mở ra một kỷ nguyên mới về xét nghiệm sàng lọc đảm bảo an toàn truyền máu.

Nỗi ám ảnh về “Giai đoạn cửa sổ”

Cho đến hiện nay, việc phát hiện các virus lây qua đường truyền máu được thực hiện bằng các xét nghiệm huyết thanh học gián tiếp thông qua sự có mặt của bản thân virus hoặc kháng thể của cơ thể phản ứng với virus. Tuy nhiên, ở người mới nhiễm, lượng virus còn quá ít và cơ thể chưa tạo ra kháng thể thì các kỹ thuật xét nghiệm huyết thanh học chưa thể phát hiện ra. Quãng thời gian này được gọi là giai đoạn cửa sổ.

Tuy tỷ lệ đơn vị máu chưa phát hiện được bệnh rất thấp vì với kỹ thuật xét nghiệm gián tiếp mới nhất là điện hóa phát quang thì thời gian cửa sổ đã được rút ngắn hơn trước rất nhiều. Nhưng nguy cơ người nhận máu bị lây nhiễm một trong các bệnh lây qua đường truyền máu vẫn còn đó.

Chính vì thế, các cán bộ y tế luôn coi “giai đoạn cửa sổ” như một nỗi ám ảnh. Riêng tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, làm sao để rút ngắn “giai đoạn cửa sổ”, làm sao để phát hiện sớm nhất các bệnh lây qua đường truyền máu luôn là câu hỏi lớn, là nỗi trăn trở thường trực mỗi ngày.

Tính đột phá của xét nghiệm sinh học phân tử (NAT)

NAT là kỹ thuật sinh học phân tử dựa trên nguyên lý phản ứng khuyếch đại nhân lên gấp bội các vật liệu di truyền có nguồn gốc từ các virus gây bệnh và tăng khả năng phát hiện khi lượng virus này quá ít trong máu. Việc áp dụng NAT đã góp phần ngăn ngừa hữu hiệu nguy cơ lây truyền virus do người hiến máu nhiễm tác nhân gây bệnh ở giai đoạn cửa sổ.

Hệ thống xét nghiệm NAT tại Viện Huyết học – Truyền máu TW

Kỹ thuật này cho phép rút ngắn thời gian cửa sổ từ 90 ngày xuống còn từ 30 đến 40 ngày đối với viêm gan C, từ 60 ngày xuống còn 20 đến 30 ngày đối với viêm gan B. Đặc biệt, NAT có thể phát hiện HIV chỉ 11 ngày sau khi nhiễm bệnh, trong khi với xét nghiệm điện hóa phát quang phải cần tới 20 ngày.

Bên cạnh đó, kỹ thuật NAT còn có thể phát hiện những trường hợp nhiễm virus thể ẩn, tức là những người đã nhiễm bệnh một thời gian dài, nhưng virus chỉ tồn tại tiềm tàng trong các tế bào và cơ thể người nhiễm không sản sinh ra kháng thể, do đó không thể phát hiện được bằng các xét nghiệm gián tiếp.

Việc triển khai kỹ thuật NAT còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề chi phí. Nhưng với mục tiêu đảm bảo an toàn truyền máu, an toàn cho người bệnh là trên hết, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vẫn quyết tâm đầu tư trang thiết bị máy móc và đào tạo nguồn nhân lực để thực hiện NAT tại Viện và tư vấn với Bộ Y tế các bước triển khai xét nghiệm này trên toàn quốc.

Hiệu quả thực tế của kỹ thuật NAT

Từ tháng 12/2014, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã bắt đầu triển khai đồng thời nhiều loại kỹ thuật xét nghiệm phát hiện virus. Đầu tiên xét nghiệm sàng lọc với kỹ thuật huyết thanh học 100% đơn vị máu, sau đó toàn bộ những đơn vị máu âm tính sẽ được tiếp tục sàng lọc bằng kỹ thuật NAT. Đến ngày 15/12/2015, riêng tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã phát hiện thêm 257 trường hợp nhiễm 1 trong 3 loại virus HIV, HCV, HBV, trên tổng số trên 250 nghìn đơn vị máu được thực hiện xét nghiệm sàng lọc máu.

Đây là tỷ lệ khá cao so với một số nước trong khu vực và trên thế giới, phần lớn là nhiễm viêm gan B do số người nhiễm bệnh này trong cộng đồng ở nước ta khá nhiều. Mặc dù ngành truyền máu đã có rất nhiều biện pháp khác hỗ trợ để đảm bảo an toàn truyền máu, như tư vấn người hiến máu trước khi lấy máu, làm xét nghiệm viêm gan B nhanh đối với người hiến máu lần đầu, tăng tỷ lệ người hiến máu nhắc lại… nhưng tỷ lệ nhiễm mới, tái nhiễm và nhiễm HBV thể ẩn trong cộng đồng vẫn còn rất cao, do vậy việc thực hiện NAT là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.

Như vậy, với việc triển khai NAT tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, chỉ trong vòng một năm qua đã giúp ngăn ngừa hàng trăm trường hợp lây nhiễm các bệnh qua đường truyền máu. Nếu tính chung trên bình diện tất cả các trung tâm truyền máu lớn ở nước ta (bắt đầu triển khai kỹ thuật NAT từ ngày 01/01/2015) thì chắc chắn con số này còn lớn hơn gấp nhiều lần.

“Giai đoạn cửa sổ” tuy chỉ là một kẽ hở nhỏ, nhưng nếu có thêm dù chỉ một người vô tình nhiễm phải các bệnh lây qua đường truyền máu thì đó không chỉ là nỗi đau của người bệnh, gia đình người bệnh mà cũng là nỗi đau của người làm công tác y tế. Với kỹ thuật NAT, nguy cơ về nỗi đau này đã bị hạn chế tới mức thấp nhất, nỗi ám ảnh về “giai đoạn cửa sổ” dần bị xóa nhòa và một kỷ nguyên mới về sàng lọc và an toàn truyền máu đã được mở ra.

Trương Hằng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan