Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

“Sách là cầu nối”…

…Cầu nối những ước mơ thiện nguyện, cầu nối tri thức, cầu nối việc tử tế của mỗi người dành cho bệnh nhân đang điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, nhất là bệnh nhân bệnh Hemophilia và bệnh nhân Thalassemia.
Một trong những tủ sách được đặt tại Văn phòng Hội Thalassemia
Dự án “Sách là cầu nối” lần đầu tiên đến với bệnh nhân tại Viện do Hội Cựu sinh diễn đàn IATSS tại Việt Nam cùng các đơn vị tài trợ: Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ, Công ty cổ phần 3D MARCOM, Công ty cổ phần Alphabooks phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thực hiện.
BSCKII Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng và anh Phạm Xuân Hoàn – Đại diện dự án ký biên bản bàn giao tủ sách
Dự án được hoàn thành và bàn giao cho Trung tâm Thalassemia và Trung tâm Hemophilia (Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương) vào ngày 05/3/2016. Tham dự buổi lễ bàn giao có ThS. BSCKII Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, ThS. BS Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Thalassemia và thành viên đại diện các đơn vị tham gia dự án.
ThS. BSCKII Phạm Tuấn Dương đánh giá cao sáng kiến và ý tưởng của các thành viên thực hiện dự án: “Dự án sẽ góp phần mang lại niềm vui và tri thức cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, giúp các cháu nhỏ có thêm sự động viên, thậm chí là niềm vui rất lớn khi phải đi viện hay phải nằm viện dài ngày”.
Hơn 1.000 đầu sách hay mang lại tri thức và niềm vui cho trẻ em 
Các hạng mục được bàn giao theo dự án bao gồm: hệ thống tủ sách cao 1,8mx13m(chiều rộng), với 02 bộ sách có tổng số trên 1000 đầu sách khác nhau như: “Hạt giống tâm hồn”, “Mười vạn câu hỏi vì sao”, “Để em luôn ngoan ngoãn”, “Truyện tranh lịch sử Việt Nam”, “Truyện cổ tích Việt Nam hay nhất”, “Thời thơ ấu của các thiên tài”, “Danh nhân thế giới”, “Vui học cùng Tom”, “Tủ sách công chúa Disney”, “Người nhện siêu phàm”, “Cô bé Mác-tin”… và nhiều loại sách tô màu, bút chì màu, sáp tô màu…
Có mặt ngay trong quá trình các thành viên vừa xếp sách lên giá, Đăng Phát (10 tuổi, Thanh Hóa, đang ngồi đọc sách), bị bệnh Hemophilia, em phải điều trị bệnh thường xuyên, định kỳ khoảng 2-3 tháng lại đi viện một lần. Câu bé đã chia sẻ niềm vui sướng khi bước chân đến phòng điều trị ngoại trú, thấy tủ sách đẹp với hàng trăm cuốn sách yêu thích: “Cháu ủng hộ 100% giá sách này!”. Đăng Phát thích thú đọc từng trang sách.
Đăng Phát còn nhanh nhảu, “nhưng để sách không bị mất, không bị hỏng cháu có ý kiến là có các anh, chị đến hướng dẫn mượn, có quy định mỗi lần được mượn 3 cuốn ạ!”. Niềm vui của các em bé đã giúp cho các thành viên dự án được tiếp thêm động lực và thấy việc làm càng trở nên ý nghĩa hơn.
Tại Văn phòng Hội Thalassemia các giá sách cũng được xếp đầy đủ, ngăn nắp các cuốn sách. Các em bé ở đây cũng háo hức không kém, có em lấy sách đọc, có em thích tập tô màu.
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đang điều trị cho khoảng trên 1.000 bệnh nhân nội trú mắc bệnh về máu và các cơ quan tạo máu. Trong đó, bệnh nhân bệnh di truyền, bẩm sinh điều trị nội trú tại Viện chiếm trên 30%, như nhóm bệnh Thalassemia và bệnh Hemophilia. Những người bệnh này, bên cạnh khó khăn về bệnh tật, họ còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như không có điều kiện đến trường, không có việc làm, gia đình khó khăn, thậm chí có những gia đình có nhiều người cùng bị bệnh…
Tại lễ bàn giao, ThS. Phạm Tuấn Dương cho biết thêm: “Bệnh nhân mắc bệnh máu di truyền, cuộc đời họ gắn với bệnh viện. Bên cạnh sự hỗ trợ điều trị của bệnh viện, những người bệnh này thường xuyên cần truyền máu. Khi được điều trị tốt, họ hoàn toàn có thể tham gia vào mọi sinh hoạt, học tập, làm việc được như người bình thường. Nhưng những rào cản về tri thức, về kỹ năng sống … đã khiến họ khó khăn trong việc tìm kiếm công việc, khó khăn tham gia vào các hoạt động … Do vậy, chúng tôi mong muốn rằng, nhiều tổ chức, đơn vị từ thiện sẽ tiếp tục quan tâm và giúp đỡ bệnh nhân hơn nữa, cũng như là cầu nối tuyên truyền tới cộng đồng về căn bệnh Thalassemia và Hemophilia”.
Sách là cầu nối
Những hoạt động hỗ trợ bệnh nhân của các tổ chức, cá nhân, các đơn vị từ thiện mang lại sự động viên, khích lệ tinh thần rất lớn cho người bệnh yên tâm điều trị, góp phần nối dài hơn những việc tử tế trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay những hoạt động từ thiện còn mang tính thời điểm, kỳ cuộc và thường tập trung vào dịp Trung thu, Tết thiếu nhi, Noel, Tết nguyên đán…
Để hoạt động này thực sự mang tính bền vững, hy vọng rằng những thông tin tuyên truyền về bệnh, bệnh nhân sẽ chuyển tải sâu rộng hơn trong cộng đồng. Qua đó, khuyến khích cộng đồng chung tay hỗ trợ người bệnh tìm được công việc thích hợp để họ tự phát huy năng lực của bản thân. Đó cũng là ước mơ của nhiều người bệnh Hemophilia và Thalasemia. Và mong rằng nhiều dự án vì người bệnh sẽ được thực hiện như dự án “Sách là cầu nối”.
Chi Mai
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan