Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Những người âm thầm giữ cho Viện Máu an toàn, sạch đẹp

Đó là đội ngũ cán bộ nhân viên của khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK), Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Tuy không trực tiếp điều trị cho người bệnh nhưng công việc bảo đảm an toàn vệ sinh, sạch đẹp cho bệnh viện của những con người ở đây không kém phần vất vả. 

Lao vào chỗ bẩn để làm cho nó sạch sẽ trở lại!

Ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, thật lạ lùng khi nhân viên khoa KSNK đến bệnh viện để quản lý chất thải y tế, không đi vào cửa trước mà chủ yếu làm việc ở khu vực thang vận chuyển hàng, không làm việc với bệnh nhân mà chỉ có nhiệm vụ làm cho bệnh viện sạch sẽ, an toàn, không cầm ống nghe, mặc áo blouse mà chỉ đeo găng cao su làm bạn với chất tẩy rửa. 

Các CBNV khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đang phải làm sạch hàng trăm bộ dụng cụ y tế.

“Các bác sĩ làm việc với bệnh nhân, còn chúng tôi làm việc với chất thải, cứ ở đâu có chất bẩn là chúng tôi sẽ lao vào chỗ đó để làm nó sạch trở lại” – Thạc sỹ Nguyễn Huy Hùng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chia sẻ.

Ths. Nguyễn Huy Hùng – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương

Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ trong bệnh viện là một trong những yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi điều trị. Các kỹ thuật viên KSNK ở đây là tấm lá chắn đầu tiên để ngăn chặn dịch bệnh, bệnh truyền nhiễm phát tán trong buồng bệnh. Tuy việc làm thầm lặng, ít được mọi người để ý đến, nhưng không thể thiếu, dù chỉ một ngày. 

Những bộ quần áo của bệnh nhân sau khi xử lý lại trắng thơm như mới. Anh Bùi Việt Dũng, khoa KSNK đang tất bật với 1 núi quần áo.

“Yêu cầu của bệnh viện là phải luôn giữ môi trường sạch sẽ, khu vực nào càng đông bệnh nhân càng phải được dọn dẹp kỹ nhất. Đặc biệt trong dịch bệnh Covid-19, việc này càng phải đặt lên hàng đầu” – Anh Hùng khẳng định. 

Quen mùi hóa chất như hơi thở của chính mình!

Để đảm bảo môi trường của Viện luôn sạch khuẩn, an toàn, kể cả những dịp lễ, tết. Mỗi nhân viên khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn phải đảm bảo 5 đầu việc trong ngày gồm: vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn, xử lý đồ vải, dụng cụ y tế và thu gom chất thải bệnh nhân, cứ tuần tự từ sáng tới tối và hầu như không thấy lúc nào các anh chị ở đây được ngơi tay.

kiem-soat-nhiem-khuan-3

Bàn tay của chị Vũ Hồng Hà – Khoa KSNK khi đang xử lý han gỉ trên kéo y tế…

Gắn bó với công việc hơn 10 năm nay, với Chị Vũ Hồng Hà – Khoa KSNK, việc ngày nào cũng tiếp xúc với chất tẩy rửa, javen, Cloramin B, oxi già… đã trở thành thói quen, đến nỗi, chị coi nó như hơi thở của chính mình. 

kiem-soat-nhiem-khuan-4

…Sau đó cọ lại dụng cụ bằng nước sạch

Đều đặn hằng ngày, chị Hà và đồng nghiệp đi tới các khoa phòng bệnh viện để thu nhận dụng cụ y tế, đồ vải của bệnh nhân để ngâm sơ bộ qua các dung dịch hóa chất khác nhau. Sau đó đem về phòng dụng cụ để cọ rửa, xử lý han gỉ sao cho sạch và hấp tiệt khuẩn được vô trùng tuyệt đối. 

Những loại hóa chất khử khuẩn được sử dụng thường xuyên 

Trong quá trình cọ rửa phải dùng đến những loại hóa chất khác nhau, nhân viên ở đây phải mang đầy đủ bảo hộ như đeo găng cao su, khẩu trang, mũ và ủng để ngăn cho các chất này không văng lên quần áo hay cơ thể. 

kiem-soat-nhiem-khuan-6

Anh Nguyễn Trung Hiếu – Khoa KSNK phụ trách công đoạn tiệt khuẩn và đóng gói dụng cụ y tế và bàn giao lại cho các khoa phòng bệnh.

Mặc dù làm việc cả ngày trong phòng dụng cụ, ngửi mùi hóa chất nhưng để mang lại phòng bệnh thoáng mát, tạo cảm giác thân thiện, an tâm, tin tưởng cho người bệnh, họ cũng thấy xứng đáng với công sức bỏ ra: “Dù công việc có vất vả nhưng chúng tôi đã đem đến sự sạch sẽ, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho bệnh nhân cũng như đội ngũ y, bác sĩ, vậy là mừng lắm rồi!” – Chị Hà chia sẻ.

Luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từ chất thải, máu và dịch của bệnh nhân

Đối mặt với hóa chất chỉ là một phần khó khăn, nguy hiểm hơn là nguy cơ lây nhiễm từ chính chất thải của bệnh nhân, thậm chí bị phơi nhiễm bệnh khi lỡ tiếp xúc với máu của người bệnh. Nguy hiểm hơn là những dụng cụ bị phơi nhiễm như ống thủy tinh, kim tiêm rất nguy hiểm nếu chẳng may bị đâm, cứa vào tay hoặc dẫm phải.

kiem-soat-nhiem-khuan-7

Chị Nguyễn Thị Thúy – nhân viên phòng giặt cùng các đồng nghiệp khoa KSNK phải đảm nhận khoảng chục cái máy giặt khác nhau mỗi ngày. 

Chị Nguyễn Thị Thúy, nhân viên phòng giặt, khoa KSNK nhớ lại: “Có những lần khi dọn dẹp phòng bệnh để mang đồ vải đi giặt có phát hiện những chiếc kim tiêm lấy máu của bệnh nhân, họ cho vào túi áo, túi quần quên chưa kịp vứt đi. Chúng tôi nhiều lần thấy kim tiêm quá trình xử lý bốc đồ vải vào máy giặt, đã có trường hợp bị đâm phải nhưng may sao chưa có ai chưa phơi nhiễm. Nhiều lúc giặt đồ xong và trơ cái kim ra, nhân viên nhà giặt đều chỉ thở phào vì phát hiện ra kịp thời. 

Nhân viên khoa KSNK luôn phải đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm từ rác thải y tế.

Không những vậy, quần áo, ga giường của người bệnh cũng là nơi chứa nhiều chất thải, vi khuẩn. Ban ngày y tá, hộ lý có thể đổi cho từng bộ một. Tuy nhiên ban đêm không có ai phụ trách, đôi khi bệnh nhân thải ra hết, gói lại và cho vào giỏ quần áo bệnh nhân, khi nhân viên phòng giặt dọn dẹp thu gom quần áo cho vào máy giặt, khi lôi ra vẫn còn nguyên … bọc đựng chất thải, chỉ còn cách xử lý lại từ đầu. Có người sẽ hỏi: tại sao không xử lý ngay từ đầu, bởi vì xử lý từng bộ quần áo một sẽ có nguy cơ phát tán vi khuẩn từ bệnh nhân ra môi trường, khả năng lây nhiễm sẽ càng cao hơn.

 

Chị Thúy cẩn thận gấp từng bộ quần áo một cách phẳng phiu.

Còn những trường hợp bệnh nhân bị lao phổi ho ra máu bám vào quần áo, nhân viên tiếp xúc phải  trong quá trình chưa phát hiện ra sẽ có khả năng bị nhiễm lao và cũng sẽ mang bệnh. 

Không những làm sạch quần áo bệnh nhân, mà quần áo của nhân viên y tế tại Viện Máu cũng được khoa KSNK đảm nhận.

Khử khuẩn từng ngõ ngách trong bệnh viện

Ngoài công việc vệ sinh phòng bệnh, xử lý dụng cụ, đồ vải, còn nhiệm vụ quan trọng nữa là phun khử khuẩn tại những khu vực có nguy cơ mắc Covid-19. Trong đội Kiểm soát nhiễm khuẩn, có 4 anh em đều là nam giới phụ trách chính. Anh Lưu Văn Đoàn mô tả công việc của mình: “Khi có điện thoại hay yêu cầu từ các khoa phòng xuất hiện F0, 4 anh em chúng tôi chia nhau nhận, mặc sẵn đồ bảo hộ, không quan tâm thời gian. Thậm chí có ngày tới 11h đêm vẫn nhận vào phun khử khuẩn”…

Anh Đoàn đang pha 5 lít dung dịch Cloramin B vào trong máy phun khử khuẩn để khử trùng khu vực có người bệnh F0.

“…Việc đầu tiên là kiểm tra máy móc, kiểm tra đồ bảo hộ, chuẩn bị sẵn 5 lít chất Cloramin B khử trùng, sau đó kiểm tra lại đồ bảo hộ lần cuối để chắc chắn không để cho hóa chất tiếp xúc vào cơ thể. Từ lúc mặc đến lúc cởi ra đồ bảo hộ ra đều có quy trình nghiêm ngặt, cho vào túi vàng, thùng vàng để hủy riêng.” – Anh Đoàn chia sẻ.

Anh Đoàn phun khử khuẩn tại Viện Máu lúc 10h đêm, anh cho biết: mỗi lần phun sẽ mất khoảng 30 phút, nhưng có khi tới 5-6 tiếng khi phải chờ đợi di chuyển bệnh nhân f0 ra phòng khác điều trị. 

Những ngày dịch Covid lan rộng, khó khăn không có người làm việc nhưng anh em trong khoa KSNK vẫn hỏi han nhau xem hôm nay ai đi được thì vào Viện nhận nhiệm vụ phun khử khuẩn. Có những ngày tăng cường đến 10h đêm, dù trời nắng mưa “chỉ cần có thông báo là ngay lập tức chúng tôi mặc đồ bảo hộ và lên đường. Không quản ngày, đêm, mưa gió, mỗi người một nhiệm vụ…” – Anh Đoàn trải lòng. 

Trong cuộc sống gia đình, anh Lưu Văn Đoàn cũng tâm sự bản thân vừa mới làm việc, gia đình còn ít nhiều khó khăn. Tuy vậy, hoàn cảnh của anh Đoàn luôn được lãnh đạo khoa KSNK và anh em đồng nghiệp quan tâm, trợ giúp. Mỗi người một chút, vừa là vật chất vừa là giá trị tinh thần, không những giúp anh Đoàn có thêm khả năng trang trải mà còn khiến anh tràn đầy động lực, tình yêu và trách nhiệm để hoàn thành tốt công việc của mình.

Anh, chị, em ở khoa KSNK luôn giúp đỡ nhau để hoàn thành tốt công việc (ảnh: Công Thắng)

Khi được hỏi làm việc trong môi trường áp lực này có thấy căng thẳng và mệt mỏi không? anh chị em chỉ mỉm cười: Nếu mang lại sự an toàn cho bệnh viện, cho người bệnh, cho y bác sĩ và góp phần đẩy lùi dịch bệnh, chúng tôi có mệt đến đâu vẫn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Đó cũng là niềm vui, niềm tự hào của tinh thần Viện Máu trong suốt nhiều năm qua. 

Niềm vui cuối ngày của chị Nguyễn Hoàng Lan cùng anh chị đồng nghiệp sau khi sắp xếp một núi đồ vải gọn gàng, thơm tho (Ảnh: Công Thắng)

Âm thầm lặng lẽ – chính là phẩm chất của nhân viên khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn đảm bảo điều kiện vệ sinh trong bệnh viện được an toàn, sạch đẹp. Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác vệ sinh luôn  rất cần sự quan tâm, động viên, chia sẻ từ ban lãnh đạo Viện để luôn được nâng cao năng suất làm việc, đảm bảo tốt hơn nữa khả năng kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện. 

 Vào ngày này 18 năm trước (ngày 08/3/2004), Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương chính thức được tách ra hoạt động độc lập, trực thuộc Bộ Y tế (theo Quyết định số 31/2004/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Đây là dấu mốc quan trọng để Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thể hiện rõ vị trí, vai trò của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, xứng đáng là Viện chuyên khoa đầu ngành, ngang tầm với khu vực và quốc tế.

Gia Thắng

 

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan