Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Được huy động máu cho người bệnh “máu chọn”, nhiều người tình nguyện đến ngay

Trung bình mỗi tuần Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phải huy động hàng chục đơn vị “máu chọn” – chỉ đơn vị máu của một số người hiến mới phù hợp hoàn toàn với người bệnh đó. Có những lúc gọi hàng chục cuộc cho những người phù hợp mới có một người đủ điều kiện hiến máu. Và thật may là dù ở xa, dù bận rộn, người hiến đều cố gắng sắp xếp thời gian vì người bệnh.

Khó khăn khi cần truyền máu hòa hợp kháng nguyên nhóm máu hệ hồng cầu (phenotype)

Ngày 1/3/2022, bệnh nhân Mẫn M. K (9 tuổi) đang điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Viện được chỉ định truyền máu nhóm O Rh(D) dương. Theo TS. Hoàng Thanh Nga, phó trưởng Khoa Huyết thanh học nhóm máu của Viện, mặc dù đây là nhóm máu phổ biến nhất ở Việt Nam; tuy nhiên, do phải thường xuyên truyền máu, máu của bé có kháng thể bất thường gồm: kháng thể chống c và chống E của hệ Rh, kháng thể chống Mia của hệ MNS, kháng thể chống Jka của hệ Kidd.

Thông thường để tìm được máu cho bé, các ngân hàng máu có thể phải xét nghiệm sự phù hợp các kháng nguyên này trong số những đơn vị máu có sẵn, nhưng cũng chưa chắc chọn được máu phù hợp. Nhiều người bệnh sống phụ thuộc vào truyền máu đều gặp khó khăn cần “máu chọn” như bé K.

Việc truyền máu hòa hợp kháng nguyên nhóm máu hệ hồng cầu giữa người hiến máu và người bệnh sẽ giúp hạn chế đến mức thấp nhất các tai biến truyền máu do bất đồng nhóm máu, đảm bảo an toàn truyền máu. Với người bệnh tan máu bẩm sinh thì điều này còn giúp hạn chế số lần vào viện, hạn chế việc điều trị thải sắt.

Trong nhiều năm qua, nhờ hiệu quả của dự án khoa học cấp Nhà nước, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã xây dựng được và tiếp tục mở rộng ngân hàng hiến máu dự bị bằng cách xác định các kháng nguyên ngoài hệ ABO và Rh(D) cho một số người hiến máu tình nguyện thường xuyên. Do vậy đã tìm được trong dữ liệu của Viện một số người hiến máu có nhóm máu phù hợp với bé K.

Người hiến máu phenotype, được huy động là đến ngay

Ngày 01/3/2022, thông qua kết nối của Câu lạc bộ Phản ứng nhanh hiến máu tình nguyện (Đoàn Thanh niên Công an TP Hà Nội), Trung úy Trần Trọng Nam, Trung đoàn 31, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã có mặt hiến máu sau khi nhận được điện thoại khẩn cấp.

“Thật thú vị là tôi có sinh nhật trùng với Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Không là bác sĩ để chữa bệnh thì được hiến máu cứu sự sống của một bệnh nhi và những người cần máu khác, tôi cũng rất hạnh phúc”, Trung úy Nam chia sẻ.

Đồng đội khác của Trung úy Nam là Thượng úy Vũ Văn Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cũng ngay lập tức đồng ý đến hiến tiểu cầu nhóm O sau khi nhận được đề nghị từ Câu lạc bộ.

Nhiều lần tham gia hiến máu cùng các đồng nghiệp tại Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, anh Trần Minh Thành có chút háo hức khi biết máu của mình đang rất cần cho một bệnh nhi, nên đã tranh thủ sau giờ làm sắp xếp tới Viện hiến máu vào tối 1/3.

Còn chàng trai 24 tuổi Hồ Văn Mậu dù đang chuẩn bị về quê nhưng trước lời khẩn thiết của Viện, lại vội vã sắp xếp đến Viện hiến một đơn vị máu 450ml. Hiện tại, bệnh nhân P. (đang điều trị tại khoa Bệnh máu lành tính, máu có kháng thể bất thường gồm: kháng thể chống c và chống E của hệ Rh, kháng thể chống Mia của hệ MNS, kháng thể chống Jkb của hệ Kidd) cần đến 05 đơn vị máu nhưng mới chỉ có Mậu có máu phù hợp và đã đến hiến máu.

Giữa tháng 12/2021 vừa qua, ca sĩ Việt Tú – người đồng hành với các sự kiện hiến máu và thường xuyên hiến máu vào những lúc khan hiếm máu, rất bất ngờ khi nhận được điện thoại tương tự như anh Nam, anh Mậu.

Việt Tú chia sẻ: “Lần hiến máu này Việt Tú có những điều khác so với những lần trước. Trước đây, sau hiến máu khoảng 1 tuần thì Tú có thể biết đơn vị máu của mình đã đi đến đâu, được truyền cho bệnh nhân ở đâu. Lần này thì Việt Tú được Viện gọi điện và chia sẻ rằng có một bệnh nhân đang cần truyền máu và máu của mình phù hợp.”

Mỗi nhóm máu mang những đặc trưng riêng biệt, được quy định bởi các các kháng nguyên trên mặt các tế bào hồng cầu.

Năm 1901, nhà bác học Karl Landsteiner đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO. Điều này đã mở ra kỷ nguyên mới trong thực hành truyền máu. Nhờ có truyền máu an toàn mà đã mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Năm 1907, Reuben Ottenberg đã đề xuất sơ đồ truyền máu hòa hợp nhóm máu hệ ABO.

Những năm sau đó, nhiều hệ nhóm máu hồng cầu khác đã được phát hiện như: Rh, Kell, Kidd, Duffy, Lewis, MNS…

Năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên nhóm máu khác nhau. Hai hệ nhóm máu ABO và Rh là quan trọng nhất trong truyền máu, cũng là phổ biến nhất với cộng đồng.

Mỗi hệ nhóm máu lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó.

Kháng nguyên nhóm máu có tỷ lệ rất khác nhau, tùy thuộc vào chủng tộc, quốc gia và các vùng địa lý.

Hệ nhóm máu Rh có hệ kháng nguyên đa dạng và phức tạp nhất với 52 kháng nguyên, tiếp đến là hệ nhóm máu MNS với 46 kháng nguyên. Kháng nguyên D của hệ Rh là phổ biến nhất.

Thảo Nguyên, ảnh: nhân vật cung cấp

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan