Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Hiến máu với tâm thế sẵn sàng chi viện của người lính

Đối với ông Trần Văn Toan (Mê Linh, Hà Nội), con đường đi hiến máu gần 20km từ nhà đến Viện vẫn chưa là gì so với con đường hành quân hàng trăm cây số của ông và đồng đội ngày trước.

Ông Trần Văn Toan cùng vợ và con trai tại chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021 (Ảnh: Công Thắng)

Ông Trần Văn Toan là bộ đội đã nghỉ hưu. Trong mấy chục năm công tác với vai trò của một người lính trực tiếp bảo vệ tổ quốc, ông Toan đã đặt dấu chân mình trên nhiều vùng đất của Tổ Quốc từ Lào Cai, Hà Tiên và đặc biệt là nhiều năm công tác tại quần đảo Trường Sa.

Người lính Trần Văn Toan đã có hơn 30 năm trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc (Thiết kế: Gia Thắng)

Trở về nghỉ ngơi bên gia đình, ông Toan vẫn sống với tinh thần người lính – sẵn sàng cống hiến bất cứ khi nào nhân dân cần. Lần đầu tiên đi hiến máu tại địa phương, người cựu chiến binh biết rằng mình chỉ còn 4,5 năm nữa là hết tuổi hiến máu, ông đã đặt quyết tâm sẽ đi hiến máu thật nhiều cho đến năm 60 tuổi.

Ban đầu, vợ ông Toan cũng lo lắng cho sức khỏe chồng mình khi đã lớn tuổi mà vẫn đi hiến máu, người chiến sĩ rất tự tin trấn an vợ: “Quân đội đã rèn luyện cho anh có sức khỏe, có ý chí quyết tâm nên em yên tâm là anh vẫn hiến máu được và khỏe mạnh. Hơn nữa bác sĩ cũng đã nói dưới 60 tuổi vẫn được cho phép hiến máu.” Sau đó, người vợ – người hậu phương vững chắc suốt 30 năm nay lại trở thành người đồng hành cùng ông trên chặng đường hiến máu.

Bà Vương Thị Hòa – vợ ông Toan vừa là hậu phương vững chắc cho chồng, vừa là người bạn đồng hành thường xuyên đi hiến máu cùng ông. (Ảnh: Công Thắng)

Ông Toan chia sẻ, ở địa phương nơi ông sinh sống, mỗi năm chỉ tổ chức hiến máu 1-2 lần, cho tới khi con gái ông đang theo học tại Trường Đại học Sư Phạm 2 ngỏ ý muốn bố đưa đi hiến máu tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, ông mới biết có thể đến hiến máu thường xuyên tại Viện.

“Con gái thấy tôi đi hiến máu thì rất vui, nhân ngày nghỉ cháu nói muốn bố chở xuống Viện Huyết học ở Hà Nội để hiến máu. Đưa con đến đây thì tôi thấy Viện chỉ cách nhà tôi khoảng 18km, không là gì so với quãng đường ngày trước chúng tôi đã hành quân bộ hàng trăm cây số. Đến đây tôi mới biết hiến tiểu cầu có thể hiến đều mỗi tháng, từ đó tới giờ cứ đủ ngày là tôi đi hiến tiểu cầu, từ năm 2019 đến nay tôi đã hiến được 24 lần.” – ông Toan chia sẻ.

Gần 30 năm rèn luyện trong quân ngũ đã tạo nên một người chiến sĩ Trần Văn Toan nhân ái, cao thượng, đầy trách nhiệm với cộng đồng. Ông Toan tâm sự về động lực để mình hiến tiểu cầu thường xuyên: “Tôi thường đọc tin tức, xem truyền hình và thấy những người bệnh có hoàn cảnh khó khăn mà cần phải truyền máu, đặc biệt là những cháu nhỏ. Tôi thấy mình may mắn khi biết được những thông tin này để có thể góp 1 phần nhỏ giúp đỡ các cháu. Năm vừa rồi tôi còn nghe Viện kêu gọi hiến máu chi viện cho miền Nam, tôi nhớ lại trước đây tôi và đồng đội từ đất liền đã lên đường chi viện Trường Sa, trực tiếp chiến đấu bảo vệ quần đảo. Bây giờ miền Nam cần chi viện máu, tôi vẫn là một người lính và tinh thần ấy vẫn luôn sẵn sàng.”

Về nghỉ hưu, ông Toan tập trung chăm sóc gia đình sau nhiều năm đi công tác và tiếp tục cống hiến cho xã hội bằng việc tham gia hiến máu thường xuyên. (Thiết kế: Gia Thắng)

Trực tiếp hy sinh hạnh phúc gia đình, hy sinh tình cảm cá nhân để bảo vệ Tổ quốc, ông Toan đã chứng kiến nhiều trận đánh khốc liệt, nhiều lần đồng đội của ông gặp nguy hiểm vì mất máu, nhiều lần ông và đồng đội phải đối mặt với những điều kiện y tế khó khăn, thiếu thốn.

Chứng kiến đất nước đổi mới, hệ thống thông tin truyền thông ngày càng thuận tiện, người lính già không giấu nổi hạnh phúc: “Thế hệ chúng tôi ở chiến trường ngày xưa vô cùng thiếu thốn, có người đồng đội của tôi nhà có người mất, nhưng gửi thư báo thì 6 tháng sau thư mới đến nơi. Bây giờ khi người bệnh cần máu tôi lên mạng cũng có thể biết được, thấy xã hội ngày một hiện đại, tôi vừa vui vừa tự hào.”

Năm 2021, ông Trần Văn Toan được tôn vinh là một trong những người hiến tiểu cầu tiêu biểu của năm với 16 lần hiến tiểu cầu trong năm. Ông tâm sự rằng sẽ cố gắng hiến máu và tiểu cầu đến khi hết độ tuổi quy định và sẽ cổ vũ, động viên người nhà cùng tham gia với mình.

“Con trai tôi năm nay 18 tuổi cũng bắt đầu cùng bố mẹ tham gia hiến máu. Tôi hy vọng những người lính trẻ ở thế hệ sau sẽ nối tiếp và phát huy tinh thần của thế hệ chúng tôi, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh.” – ông Trần Văn Toan chia sẻ về niềm hy vọng vào thế hệ trẻ.

Thùy Trang – Ảnh: Công Thắng, Gia Thắng, Clip: Lâm Tùng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan