Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Cuộc hội ngộ của người hiến máu và người được nhận máu cùng có nhóm máu hiếm

Hội nghị Gặp mặt Câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc hằng năm đã trở thành dịp để các thành viên trong “gia đình máu hiếm” được gặp gỡ, chia sẻ, nói lời cảm ơn và dành cho nhau những tình cảm chân thành.

Có những thành viên đã quen biết nhau cả chục năm, cũng có những thành viên mới của CLB nhóm máu hiếm (ảnh: Công Thắng)

Những em bé cũng được mẹ “nhóm máu hiếm” đưa tới gặp các bác, các cô chú (ảnh: Công Thắng)

Khen thưởng các thành viên nhóm máu hiếm hiến máu nhiều lần trong năm 2019 (ảnh: Công Thắng)

Câu chuyện của chàng trai nhóm máu A Rh(D) âm Nguyễn Thanh Sơn (23 tuổi, quê Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã khiến những người tham dự rất xúc động. Sơn gặp tai nạn khi đang đánh cá trên biển vào 14h ngày 5/8/2018. Sau 2 giờ lênh đênh, Sơn được tàu cá đưa vào cấp cứu tại bệnh viện ở Nghệ An. Khi đó, cả gia đình mới biết Sơn thuộc nhóm máu hiếm Rh(D)-.

Hàng trăm người đân ở Nghệ An đã đến để xét nghiệm nhóm máu nhưng không ai trùng nhóm máu. Với sự kêu gọi của CLB người có nhóm máu hiếm, đã có 2 chị cùng nhóm máu A Rh(D)- đến hiến máu lúc 22h. Sau gần nửa ngày từ khi bị nạn, Sơn mới được truyền 2 đơn vị máu. Ngày hôm sau, Sơn được chuyển ra BV Việt Đức để thực hiện phẫu thuật và tiếp tục nhận được sự trợ giúp của CLB người có nhóm máu hiếm.

Được nhận 11 đơn vị máu sau tai nạn đó và giờ vẫn có thể ra khơi bám biển, Sơn chia sẻ: “Cảm ơn tất cả gia đình nhóm máu hiếm, nhờ có sự giúp đỡ của mọi người mà em mới chia sẻ được câu chuyện của mình hôm nay. Em chỉ mong chúng ta có nhóm máu hơi đặc biệt nên cần giữ sức khỏe, đi ra đường cũng nên đi chậm để an toàn hơn, đừng để lãng phí một giọt máu, một đơn vị máu nào. Và đến lúc nào đó ai đó cần, chúng ta có thể đủ sức khỏe để hiến máu”.

Nguyễn Thanh Sơn xúc động bày tỏ lời cảm ơn tới các thành viên “gia đình máu hiếm” (ảnh: Công Thắng)

Tham dự buổi gặp mặt diễn ra sáng nay 24/11, chàng trai đồng hương của Sơn là Vũ Hoàng Long (Bá Thước, Thanh Hóa) cũng tranh thủ hiến tiểu cầu cho bệnh nhân nhóm máu hiếm A Rh(D) âm khi được biết có bệnh nhân cần tiểu cầu.

Vũ Hoàng Long hiến tiểu cầu vào sáng nay 24/11

Hai anh em sinh đôi Nguyễn Quang Đức (áo xanh) và Nguyễn Hồng Phúc tình cờ biết mình có nhóm máu hiếm O Rh(D) âm trong một lần tham gia hiến máu khi đang là sinh viên năm thứ 4 tại Đại học Y dược Hải Phòng. Ngày 26/4/2019 vừa qua, người đang trong tua trực, người đang ở xa – thời tiết mưa gió, nhưng hai anh em sinh đôi Quang Đức và Hồng Phúc đã đến hiến máu giúp bệnh nhân đa chấn thương do tai nạn đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực Ngoại, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp. Hiện tại cả hai anh em đã tốt nghiệp và đang công tác tại Khoa Chẩn đoán hình ảnh của BV Việt Tiệp.

Hai anh em sinh đôi Quang Đức và Hồng Phúc tham gia hiến máu hiếm cứu người bệnh (ảnh: Hữu Quang)

… và tại Hội nghị (ảnh: Công Thắng)

Cái tên được Sơn và các thành viên nhắc đến nhiều nhất tại Hội nghị là “Kiên mắt to” – trưởng nhóm A Rh(D) âm của CLB người có nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc. Nick-name “Kiên mắt to” chính là “thương hiệu” của Kiên trên mạng xã hội với vai trò quản trị các nhóm, huy động các thành viên hiến máu khi cần.

Chia sẻ về những ngày đầu chập chững đến với phong trào hiến máu tình nguyện, chàng trai sinh năm 1991 chia sẻ rất hồn nhiên: “Sau khi tham gia hiến máu lần đầu tiên em đã được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thông báo em thuộc nhóm máu hiếm (ARh-). “Khi nhận thông tin này em thấy thật bất ngờ và cảm thấy sướng vì thấy mình đặc biệt hơn người khác. Sau đó thì em cũng hơi lo lắng, nếu mình như thế khi xảy ra chuyện thì làm sao. Ngay từ khi đó em đã tham gia vào CLB nhóm máu hiếm và kêu gọi, tập hợp thêm nhiều thành viên tham gia.

Sau quá trình hoạt động 3 năm, em đã được mọi người ghi nhận bầu em làm trưởng nhóm A Rh(D) âm. Ở đây, chúng em sinh hoạt như người thân trong ngôi nhà thứ 2. Tất cả mọi người đều quan niệm hiến máu là để giúp cho người thân và giúp cho chính mình”.

Sáng nay 24/11/2019, Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức Hội nghị Gặp mặt CLB người có nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc. Tham dự hội nghị có BS. Lê Gia Tiến – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN; BSCKII. Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia; TS. Ngô Mạnh Quân – Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia; lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ các tỉnh/thành phố: Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội; đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hưng Yên và các thành viên CLB người có nhóm máu hiếm (trong đó nhiều thành viên đến từ rất xa như Điện Biên, Yên Bái, Quảng Ninh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng…)
—–

Năm 1901, nhà bác học vĩ đại Karl Landsteiner đã phát hiện ra hệ nhóm máu ABO, mở ra kỷ nguyên mới trong thực hành truyền máu. Những năm sau đó, nhiều hệ nhóm máu hồng cầu khác đã được phát hiện như hệ nhóm máu Rh, Kell, Kidd, Duffy, Lewis, MNS…

Năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên nhóm máu khác nhau; trong đó, hai hệ nhóm máu ABO và Rh là quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu.

Mỗi hệ nhóm máu lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó. Hệ nhóm máu Rh có hệ kháng nguyên đa dạng và phức tạp nhất với hơn 50 kháng nguyên, trong đó kháng nguyên D là phổ biến nhất.

Kháng nguyên nhóm máu có tỷ lệ rất khác nhau tùy thuộc vào chủng tộc, quốc gia và các vùng địa lý. Theo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm.

Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm.

Trong khi đó, ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc… tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15% – 40% dân số.

Nhóm máu hiếm Rh(D) âm như các nhóm máu khác; người có nhóm máu hiếm có cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động như tất cả những người mang nhóm máu Rh(D) dương (trên 99% người Việt Nam).

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan