Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Chuyện kể từ tâm dịch: “Mất mát, đau thương vừa qua là quá đủ!”

Giữa tháng 8/2021, khi TP. Hồ Chí Minh bước vào những ngày phong tỏa nghiêm ngặt nhất, khi không khí hoang mang, sợ hãi bao trùm toàn thành phố thì các y bác sĩ của Viện Huyết học – Truyền máu TW cùng hàng vạn cán bộ y tế miền Bắc ngược gió tiến vào tâm bão Covid.

Tại đây, điều dưỡng Tống Quang Mạnh (Trung tâm Thalassemia) làm việc tại Khoa ICU 2A, Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh cơ sở 2. Đây là khoa điều trị bệnh nhân Covid nặng nhất, nguy kịch nhất với cường độ làm việc cao và vô cùng căng thẳng.

Điều dưỡng Mạnh chia sẻ: “Có những khi cả kíp trực nỗ lực suốt đêm để cấp cứu, mong bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Một tiếng, hai tiếng, rồi ba tiếng, bệnh nhân đã có những tín hiệu tốt trở lại nhưng cuối cùng đến gần sáng thì bệnh nhân trở nặng và không qua khỏi. Khi đó, ai cũng cảm thấy buồn và bất lực. Buồn hơn khi phải chứng kiến bệnh nhân ra đi khi không có người thân bên cạnh”.

Gần 2 tháng trong tâm dịch đã trở thành những ký ức không thể nào quên đối với người điều dưỡng trẻ: “Cuộc chiến với Covid đầy khốc liệt, tuy không có tiếng súng, tiếng bom nhưng sự tàn khốc sẽ còn ám ảnh cho đến mãi về sau. Mọi giới hạn chịu đựng của bản thân đều được phá vỡ, mọi đau thương đều phải chứng kiến hàng ngày, trong mỗi ca làm việc. Mồ hôi và nước mắt quyện vào nhau mặn chát. Nhiều khi tôi cảm giác như không thể cố hơn được nữa, không khí trở nên ngột ngạt, khó thở. Nhưng với sự quyết tâm cao hơn cả những nỗi đau, mất mát, chúng tôi đã chiến đấu không biết mệt mỏi để giờ đây dịch bệnh đã được đẩy lùi và khống chế”.

Dù ở nơi khốc liệt, tang thương nhất của cuộc chiến chống Covid nhưng vẫn có những niềm vui, những tia hy vọng. Điều dưỡng Tống Quang Mạnh nhớ mãi hình ảnh của một cụ bà sinh năm 1935: “Cụ nằm điều trị tại khoa khá lâu, phải thở máy liên tục. Sau 1 thời gian dài chiến đấu, cụ dần hồi phục và cai được thở máy. Cụ khỏe lại, có thể ngồi dậy ăn hoa quả và cứ vẫy tay mời các bác sĩ, điều dưỡng ăn cùng.

Chúng tôi vui lắm vì cụ tuy tuổi cao nhưng vẫn kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Bao mệt nhọc của chúng tôi cũng như được bù đắp phần nào khi được nhìn thấy nụ cười của cụ ngày ra viện”.

Ánh mắt điều dưỡng Tống Quang Mạnh lấp lánh niềm hạnh phúc khi kể về một kỷ niệm trước khi rời TP. Hồ Chí Minh: “Khi chuẩn bị ra sân bay, chúng tôi tập trung dưới sảnh khách sạn để chờ xe. Một người phụ nữ đi xe máy ngang qua, tuy không quen biết nhưng cô ấy vẫn vẫy tay chào và nói: “Các bạn về mạnh khoẻ nhé, xin cảm ơn rất nhiều!”. Lúc đó, chúng tôi cảm thấy ấm áp vô cùng”.

TP. Hồ Chí Minh đang dần hồi phục, điều dưỡng Tống Quang Mạnh và nhiều y bác sĩ chi viện miền Nam đã được trở về Hà Nội, nơi có những người thân yêu đang ngóng chờ. Điều dưỡng Tống Quang Mạnh nhắn nhủ: “Tình hình dịch bệnh tuy đã kiểm soát nhưng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt các biến chủng mới luôn xuất hiện. Mong người dân hãy tuân thủ mọi nguyên tắc phòng chống dịch để cuộc sống trở lại bình thường như trước kia, để không còn cảnh gia đình phải mất đi người thân yêu. Những mất mát trong thời gian qua đã quá đủ đau thương rồi!

Thời gian tham gia chống dịch tuy vất vả, khổ cực, có cả mồ hôi và nước mắt nhưng tôi rất vui vì được góp 1 phần nhỏ bé vào cuộc chiến chống dịch vô cùng ác liệt, cam go tại TP. Hồ Chí Minh. Đó là khoảng thời gian không thể nào quên trong quãng đời làm ngành y của tôi. Và nếu được lựa chọn lại tôi vẫn xung phong lên tuyến đầu như đã làm”.

Trương Hằng – Thiết kế: Công Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan