Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Cảnh giác với dịch sốt xuất huyết trong mùa mưa

Sốt xuất huyết là bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát mạnh từ tháng 9 đến tháng 11 hằng năm do đây là thời điểm mùa mưa, cộng thêm nỗi lo từ dịch Covid-19. Người dân không được chủ quan, lơ là trong việc diệt muỗi, lăng quăng để phòng bệnh.

Tưởng mắc Covid-19 nhưng bị sốt xuất huyết

Đầu tháng 9, anh H.Q.Đ. (45 tuổi, ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) có triệu chứng đau đầu, sốt cao từ 39 đến 39,5 độ C. Nghi ngờ mình mắc Covid-19 ngay lập tức liên hệ với Trạm y tế phường Yên Hòa để khai báo y tế và được lấy mẫu xét nghiệm. 

Kết quả xét nghiệm cho thấy anh H.Q.Đ. âm tính với vi rút SARS-CoV-2, nhưng lại mắc sốt xuất huyết. Rất may anh nhập viện kịp thời và được điều trị tích cực và đã khỏi bệnh sau 7 ngày điều trị. 

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho rằng, sốt xuất huyết và Covid-19 đều có các biểu hiện ban đầu giống nhau, dễ gây nhầm lẫn. 

Tuy nhiên, Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền bệnh. Ngoài ra, sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc.

Sốt xuất huyết ở người lớn đang tăng nhanh trong mùa mưa. Ảnh: VTV

Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết phải nhập viện, trong đó một số trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như: Phụ nữ có thai, bệnh nhân suy tim, suy thận, bệnh phổi mạn tính…

“Lo lắng trước sự lây nhiễm của Covid-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết đã không dám đến bệnh viện để thăm khám và điều trị. Đây là một trong những sai lầm thường gặp. Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày.

…Tuy nhiên, có khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị tử vong”, PGS.TS Đỗ Duy Cường cảnh báo.

Phòng, chống sốt xuất huyết song hành với phòng Covid-19

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 8 tháng của năm 2021, cả nước ghi nhận 43.952 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc sốt xuất huyết giảm 9,35% nhưng số ca tử vong lại tăng 10 trường hợp.

Phun khử khuẩn tại những nơi nhiều bụi rậm, cây cỏ để phòng tránh sốt xuất huyết

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 724 ca mắc sốt xuất huyết phân bố tại 27/30 quận, huyện, thị xã. Số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng tăng từ tuần 34 với 42 ổ dịch được phát hiện. So với cùng kỳ năm 2020, số mắc giảm 46%.

Tuy nhiên, nếu như trong tháng 6 và 7 chỉ ghi nhận 30-40 ca/tuần thì từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, số ca mắc đã tăng lên 60-70 ca/tuần. Có 7 quận, huyện nhiều ca mắc, trong đó Đống Đa cao nhất với 158 ca, Hoài Đức 97 ca, Hai Bà Trưng 75 ca, Hoàng Mai 38 ca…

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho rằng, so với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố giảm mạnh. Tuy nhiên, hiện đang vào mùa mưa, nguy cơ mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng, nhất là vào tháng 10, tháng 11. 

Người dân tham gia diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy quanh khu vực mình sinh sống.

Do đó, cùng với các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương phải tăng cường triển khai chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết. Nếu để bùng phát sốt xuất huyết sẽ rất nguy hiểm.

Theo báo Hà Nội mới

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan