Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Việc huy động máu nhóm hiếm được tiến hành như thế nào?

Nhóm máu hiếm, do có tỷ lệ thấp trong cộng đồng nên khi người bệnh cần máu và các chế phẩm máu, việc đáp ứng kịp thời thường khó hơn so với các nhóm máu khác. Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm với ước tính chỉ khoảng 0,1% dân số (cộng đồng quen gọi là nhóm máu Rh-) là người có nhóm máu hiếm. Vậy trong những tình huống khi có bệnh nhân cần máu nhóm hiếm, các bệnh viện sẽ xử lý thế nào để có được nguồn máu cho người bệnh?

Thực hư lời cầu cứu máu hiếm cho bệnh nhân COVID-19 trên mạng xã hội?

Tối 24/8/2021, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin kêu gọi hiến máu nhóm máu hiếm như sau: Mọi người ơi hiện tại anh em đang cần gấp nhóm máu O Rh- (nhóm máu hiếm). Xin mọi người nếu biết ai có nhóm máu này thì giúp đỡ gia đình em với ạ. Bệnh nhân nam, 26 tuổi, bị COVID-19, có bệnh lý nền, đang bị rối loạn đông máu. Quy trình sẽ là mọi người đi ra Viện Nhiệt đới TW, hiến máu cho ca bệnh”.

Thông tin tương tự cũng được đăng tải trên mạng xã hội sáng 31/8: “Bạn của bạn em công tác hỗ trợ phòng chống dịch tại Hà Nội, không may bị nhiễm Covid 19. Hiện bạn cần nhóm máu O Rh-, do viện không máu vì bạn là bệnh nhân Covid. Có anh chị nào có nhóm máu O Rh- tại Hà Nội có thể hỗ trợ bạn em được không ạ? Em cảm ơn mọi người rất nhiều ạ!”.

Qua liên hệ với cả 2 số điện thoại trong các bài trên vào ngày 24/8 và 31/8 vừa qua, Viện Huyết học – Truyền máu TW được biết chủ nhân số điện thoại đều là bạn thân của người bệnh. Thông tin cho biết bệnh nhân tên P. (tên nhân vật đã được thay đổi), nam, 26 tuổi, đang điều trị COVID-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung, Đông Anh).

Thông tin từ chủ nhân 2 số điện thoại trên cũng cho biết người nhà và bạn bè của bệnh nhân đều rất hoang mang, lo lắng về nguồn máu cho người bệnh nhiều ngày nay: “Máu tìm được rất ít”, “tối qua cũng được truyền bịch máu cuối cùng rồi”, “không được Viện Huyết học cấp máu”…

Tuy nhiên, đại diện Khoa Lưu trữ và Phân phối máu của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết đến thời điểm hiện tại, trong cả tháng 8/2021, khoa không nhận được bất kỳ dự trù máu và các chế phẩm máu nào từ BV Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 với nhóm máu hiếm Rh(D) âm.

Rà soát lại nhu cầu máu của các tỉnh lân cận đang điều trị bệnh nhân COVID-19, chỉ có 1 bệnh nhân tại Bắc Giang cần truyền nhóm máu hiếm B Rh(D) âm nhưng đã được Viện cung cấp máu đủ.

Đại diện khoa Huyết học – Truyền máu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW cơ sở 2 cũng khẳng định: Hiện có bệnh nhân P. đang điều trị COVID-19 nhưng các chỉ số máu ổn định (lượng huyết sắc tố 167 g/l, số lượng tiểu cầu 175 G/l). Do chưa có nhu cầu truyền máu và chế phẩm máu, nên bệnh viện chưa định nhóm máu cho người bệnh.

Việc huy động máu nhóm hiếm được tiến hành như thế nào?

TS. BS. Trần Ngọc Quế, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Ngay khi nhận được dự trù máu hiếm, nếu lượng dự trữ có thể đáp ứng đủ, Viện sẽ đảm bảo cung cấp kịp thời. Trong trường hợp nguồn máu hiếm không có sẵn, Viện sẽ liên hệ mời người hiến máu có nhóm máu hiếm. Việc huy động đảm bảo cho đến khi đủ số lượng, đủ chế phẩm theo từng nhóm máu”.

TS. Trần Ngọc Quế cũng nhấn mạnh thêm: “Không phải khi có người bệnh cần mới huy động, mà kho máu của Viện cũng luôn đảm bảo dự trữ mỗi nhóm máu hiếm vài đơn vị, để khi cần, người bệnh nhóm hiếm không phải chờ đợi máu. Chỉ khi nhiều bệnh nhân cùng cần máu trong thời gian ngắn hoặc cần chế phẩm tiểu cầu thì Viện mới phải mời người hiến máu khẩn cấp”.

Về trường hợp đăng tải trên mạng xã hội về cần máu nhóm O Rh(D) âm cho bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW, TS. Quế khẳng định: “Qua các thông tin xác minh với bệnh viện, chúng tôi được biết không có bệnh nhân nào nhóm máu hiếm đang điều trị. Từ thời điểm dịch bùng phát đầu năm 2020 đến nay, ngay cả lúc khan hiếm máu nhất thì việc cung cấp máu cho bệnh nhân COVID-19 vẫn luôn được Viện ưu tiên hàng đầu và đáp ứng đủ theo dự trù”.

Nếu nhận được điện thoại mời từ Viện, người hiến máu nhóm máu hiếm sẽ đến tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu tại Viện hoặc các điểm hiến máu thuận tiện do Viện tiếp nhận. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW không tham gia tiếp nhận máu và hiện tại xã Kim Chung cũng đang bị phong tỏa, người dân bên ngoài cũng không thể di chuyển tới.

Nhiều trường hợp khác do quá lo lắng về nhóm máu hiếm, nên dù người bệnh chưa cần truyền máu, nhưng người nhà hoặc bạn bè cũng đăng sẵn thông tin lên mạng xã hội.

TS. Quế cũng thông tin thêm: “Khi thật sự cần máu mà bệnh viện điều trị thông báo hết nhóm máu hiếm thì người bệnh hoặc người nhà cần liên hệ với Viện Huyết học – Truyền máu TW. Nếu ngay cả dự trữ của Viện cũng không đáp ứng, Viện sẽ hỗ trợ huy động người hiến máu phù hợp đúng số lượng chế phẩm mà người bệnh cần. Chúng tôi không khuyến khích người dân đăng tải thông tin lên mạng xã hội vì khó nhắm đích tới người hiến máu nhóm hiếm, lại gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng”.

Năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên nhóm máu khác nhau; trong đó, hai hệ nhóm máu ABO và Rh là quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu.

Kháng nguyên nhóm máu có tỷ lệ rất khác nhau tùy thuộc vào chủng tộc, quốc gia và các vùng địa lý.

Hệ nhóm máu Rh có hệ kháng nguyên đa dạng và phức tạp nhất với hơn 50 kháng nguyên, trong đó kháng nguyên D là phổ biến nhất.

Theo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm.

Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm, ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm.

Thảo Nguyên, ảnh: Công Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan