Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Xét nghiệm chẩn đoán biến chứng huyết khối do tiêm vắc-xin COVID-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cũng như chương trình tiêm chủng vắc-xin được mở rộng trong cả nước thì việc chẩn đoán và điều trị kịp thời những biến chứng do tiêm vắc-xin COVID-19 (mặc dù hiếm gặp) càng trở nên cấp bách. Khoa Đông máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã triển khai thành công xét nghiệm chẩn đoán biến chứng huyết khối do tiêm vắc-xin COVID (xét nghiệm kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu) bằng phương pháp ELISA. Viện cũng là đơn vị đầu tiên tại miền Bắc thực hiện xét nghiệm này.

biến chứng do tiêm vắc-xin COVID-19

Biến chứng huyết khối do tiêm vắc-xin COVID-19

Biến chứng giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do tiêm vắc-xin COVID-19 (vaccine Induced Immune Thrombotic Thrombocytopenia: VITT) đã được ghi nhận trong các báo cáo của các Cơ quan quản lý dược và tổ chức giám sát an toàn vắc-xin tại nhiều quốc gia. Giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch sau tiêm vắc-xin là biến cố nặng hiếm gặp với biểu hiện giảm tiểu cầu, huyết khối. Các nghiên cứu cho thấy sau tiêm vắc-xin COVID-19, cơ thể có thể sinh kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu (platelet factor-PF4) giống như kháng thể HIT. Phức hợp kháng nguyên kháng thể đó hoạt hoá tiểu cầu quá mức dẫn đến giảm tiểu cầu, gây huyết khối và có thể chảy máu.

Các tổ chức trên thế giới và Bộ Y tế đã đưa ra các hướng dẫn chẩn đoán giảm tiểu cầu huyết khối miễn dịch do tiêm vắc-xin dựa vào các biểu hiện lâm sàng và xét nghiệm như: chẩn đoán huyết khối, số lượng tiểu cầu, d-dimer, fibrinogen trong đó xét nghiệm kháng thể kháng yếu tố 4 tiểu cầu (PF4) bằng phương pháp ELISA là công cụ quan trọng trong chẩn đoán biến chứng này.

Biến chứng huyết khối do tiêm vắc-xin COVID-19 có biểu hiện như thế nào?

Theo Bộ Y tế, biểu hiện lâm sàng của hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối thường xuất hiện trong vòng 4-28 ngày sau tiêm vắc xin COVID-19 với các biểu hiện: đau đầu dai dẳng, dữ dội, các triệu chứng thần kinh khu trú; co giật (gợi ý đột quỵ); khó thở hoặc đau ngực (gợi ý thuyên tắc phổi hoặc hội chứng vành cấp); đau bụng (gợi ý huyết khối tĩnh mạch cửa); đau, phù chi dưới (gợi ý huyết khối tĩnh mạch sâu). Đặc biệt, bệnh nhân ít khi biểu hiện chảy máu, xuất huyết da hoặc xuất huyết nội tạng.

TS. Trần Thị Kiều My, Trưởng khoa Đông máu, Viện Huyết học – Truyền máu TW cập nhật kiến thức về Biến chứng huyết khối giảm tiểu cầu sau khi tiêm Vắc-xin Covid-19

Thông tin cơ bản về xét nghiệm chẩn đoán biến chứng huyết khối do tiêm vắc-xin COVID-19:

Tên xét nghiệm: Xét nghiệm HIT (heparin induced thrombocytopenia) IgG.

Xét nghiệm hiện đã được Bảo hiểm Y tế thanh toán.

Phương pháp xét nghiệm:

  • Phương pháp ELISA đặc hiệu với VITT
  • Phương pháp miễn dịch hóa phát quang: đặc hiệu với HIT

Mẫu bệnh phẩm

  • Mẫu bệnh phẩm là mẫu máu toàn phần được đựng trong ống chứa chất chống đông natri citrate 3.2% hoặc mẫu đựng trong ống không có chất chống đông.
  • Mẫu dùng cho xét nghiệm có thể bảo quản 24 giờ ở nhiệt độ 15 – 25 °C hoặc 6 tháng ở -20oC khi đã tách huyết tương (rã đông ở 37oC, chờ tới khi rã đông hoàn toàn)

Ý nghĩa xét nghiệm: dương tính trong các trường hợp như:

  • Giảm tiểu cầu huyết khối do tiêm vắc xin (VITT)
  • Giảm tiểu cầu do heparin (HIT: heparin induced thrombocytopenia)
Thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Khoa Đông máu, Viện Huyết học – Truyền máu TW; Điện thoại: 024 3872 1895 số máy lẻ 525 (trong giờ hành chính)

Khoa Đông máu, Viện Huyết học – Truyền máu TW

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan