Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Gia đình người bệnh điêu đứng vì khan hiếm máu

Trong những ngày hè thời tiết khắc nghiệt nhất, 3 tuần liền anh Hà Văn Biên (Nghĩa Lộ, Yên bái) đưa con đi bệnh viện gần nhà thì cả 3 lần đều nhận được thông báo: “Bệnh viện không có máu”.

Từ khi mới 8 tháng tuổi, cháu Hà Bảo Ngọc, con trai anh Biên tháng nào cũng phải truyền máu vì bệnh tan máu bẩm sinh. Đợt này do khan hiếm máu mà gần 2 tháng Ngọc chưa được truyền máu. Con ngày càng mệt hơn, ở nhà con chỉ nằm mê mệt, không cười đùa, chạy nhảy, ăn cũng không được bao nhiêu.

Anh Biên không giấu nổi sự lo lắng: “Nếu không có máu, chắc tôi cũng không nhìn thấy con nữa”. Đưa con đi viện hơn 10 năm nay, có lẽ anh Biên hiểu rõ nếu con không được truyền máu kịp thời sẽ dẫn đến rất nhiều biến chứng, trong đó nguy hiểm nhất là suy tim.

Mặc dù dịch bệnh đang rình rập khắp nơi nhưng sợ con không thể chịu đựng hơn được nữa, anh Biên vội bắt xe đi gần 300 km lên Hà Nội, đưa con đến Viện Huyết học – Truyền máu TW với hy vọng ở đây sẽ có máu.

BS. Lê Thị Thanh Tâm, bác sĩ điều trị cho cháu Hà Bảo Ngọc tại Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu TW chia sẻ: “Khi con nhập viện, lượng huyết sắc tố chỉ còn 34 g/l, chỉ bằng ¼ chỉ số bình thường. Con mệt lại đi xa từ Yên Bái về đây khiến chúng tôi rất xót xa”.

Cũng như tất cả các y bác sĩ khác, BS. Lê Thị Thanh Tâm rất lo lắng trước tình hình thiếu máu phục vụ điều trị

BS. Tâm cho biết thêm: “Những ngày này, rất nhiều người bệnh vượt dịch lên Viện Huyết học – Truyền máu TW. Xe khách không có, có gia đình đi xe máy hàng trăm km giữa thời tiết khi thì nóng oi ả, khi thì mưa rất to. Có những gia đình cố gắng ghép xe để đưa con xuống viện. Hầu hết gia đình người bệnh đều kể: Tỉnh hết máu rồi bác ạ, nhà cháu cứ lên bệnh viện tỉnh các bác lại hẹn về, mấy ngày sau lên vẫn chưa có máu, đi đi về về mấy đợt thế này rồi. Các bác sĩ chúng tôi rất mong tình trạng thiếu máu sớm được khắc phục để gia đình người bệnh bớt nỗi vất vả, gian nan khi đi điều trị”.

Cùng điều trị bệnh tan máu bẩm sinh ở Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang, hai cháu Ma Thanh Tùng và Mai Anh Nhật cũng phải đợi máu suốt hơn 1 tuần nay. Anh Mai Thanh Bình, bố cháu Mai Anh Nhật chia sẻ: “Gần hai năm nay, từ khi Viện Huyết học – Truyền máu TW về huyện Chiêm Hóa tập huấn, tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh nhân đã được điều trị ngay ở Trung tâm Y tế huyện rất thuận tiện. Nhưng cứ mỗi đợt thiếu máu, các gia đình có con bị bệnh như chúng tôi lại lo lắng trăm bề. Chúng tôi lo con yếu mệt, lo phải đưa con lên Hà Nội, đường xá xa xôi vừa tốn kém, vừa dễ bị lây bệnh và lại còn phải nghỉ học, nghỉ làm nhiều hơn”.

Từ tháng 5/2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn máu phục vụ điều trị ngày càng khan hiếm trên khắp cả nước. Tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, lượng máu tiếp nhận chỉ bằng 50% so với kế hoạch. Đã có gần 70 lịch hiến máu với dự kiến tiếp nhận 25.000 đơn vị máu bị hoãn, hủy. Trong khi Viện là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp máu cho 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc với diện bao phủ là 40 triệu dân.

Tình trạng khan hiếm máu đã khiến sức khỏe người bệnh bị đe dọa nghiêm trọng, cả gia đình người bệnh cũng điêu đứng theo. Bước sang tháng 6, tháng của Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6, chúng tôi tha thiết kêu gọi cộng đồng hãy giang cánh tay hiến máu để cùng “Giữ nhịp đập trái tim” người bệnh và san sẻ bớt nỗi gian nan của những gia đình có người thân bị bệnh cần truyền máu.

Trương Hằng, ảnh: Công Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan