Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng: “Tài sản chung của toàn xã hội”

Từ tháng 5/2014, tại Trung tâm Tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW, “Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng” đồng đầu tiên ở Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động.

Từ ý tưởng xây dựng một “mô hình chưa từng có ở Việt Nam”

Cho đến nay, ở nước ta đã có nhiều Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn (MDR) mà ở đó những gia đình có nhu cầu sẽ tự trả chi phí lưu trữ tế bào gốc (TBG) cho đứa con mới ra đời. Đây là một dịch vụ tiên tiến, nên làm nhưng dịch vụ này chưa đến được với phần lớn người dân Việt Nam do chi phí lưu trữ TBG MDR khá cao so với mặt bằng chung ở nước ta; Mặt khác trên thực tế chưa chắc chắn trong cuộc đời cháu bé đó đã cần đến TBG của chính mình hoặc người thân của cháu có nhu cầu sử dụng TBG đang lưu trữ đó nhưng lại không phù hợp về các chỉ số y học. Cho nên việc lưu trữ để sử dụng với “diện hẹp” như vậy rất có thể gây ra sự lãng phí cho xã hội.
Năm 2012 – 2013, Viện đã cử nhiều nhóm cán bộ sang học tập tại Nhật Bản. Sau khi nghe báo cáo thu hoạch của những người được cử đi học tập từ nước bạn trở về, GS.TS. Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng đã dẫn đầu một đoàn chuyên gia của Viện gồm TS. Bạch Quốc Khánh – Phó Viện trưởng, TS. Trần Ngọc Quế – Phó giám đốc Trung tâm TBG sang tận nơi ở Nhật Bản để tham quan và trao đổi kinh nghiệm với những chuyên gia về TBG hàng đầu của bạn, trong đó tập trung 2 nhóm vấn đề chính là: Tổ chức hệ thống TBG ở Nhật Bản và cách xử lý, bảo quản, sử dụng các mẫu MDR để ghép cho các bệnh nhân. Ngay sau khi từ Nhật Bản trở về, GS.TS. Nguyễn Anh Trí đã chỉ đạo Viện và Trung tâm TBG quyết tâm xây dựng “Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng” – là mô hình chưa từng có ở Việt Nam.
Tính “cộng đồng” thể hiện ở chỗ: TBG là do tự nguyện hiến tặng, lưu trữ miễn phí và TBG tại Trung tâm TBG của Viện sẽ được sử dụng cho tất cả mọi người khi có yêu cầu. Viện Huyết học – Truyền máu TW đã liên kết với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để thu thập các mẫu máu dây rốn đạt tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng và số lượng. Các mẫu máu dây rốn này sẽ được xử lý và xét nghiệm HLA với độ phân giải cao. Người bệnh khi có nhu cầu ghép tế bào gốc sẽ được đối chiếu HLA với các mẫu tế bào gốc đang được lưu trữ trong ngân hàng và chỉ phải trả chi phí (theo quy định của Nhà nước) khi tìm được mẫu phù hợp. Trong trường hợp cháu bé đã hiến máu dây rốn vì một lý do nào đó cần sử dụng tế bào gốc thì Viện sẽ sẵn sàng cung cấp tế bào gốc cho cháu miễn phí.
Từng bước tháo gỡ những khó khăn ban đầu
Trong những ngày đầu triển khai Ngân hàng TBG MDR cộng đồng, Viện Huyết học – Truyền máu TW đã phải đối mặt với nhiều khó khăn: Đó là tâm lý lo ngại về tính hiệu quả của ngân hàng, là sức ép về vấn đề kinh phí. Thay vì triển khai Ngân hàng dịch vụ để người có nhu cầu tự trả tiền lưu trữ tế bào gốc (25 triệu đồng/mẫu trong năm đầu tiên, 2,2 triệu đồng/năm trong những năm tiếp theo), Viện phải tự đầu tư toàn bộ kinh phí từ chi phí học tập tại nước ngoài, trang bị các thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế đến các chi phí khác trong quá trình thu thập, xử lý và lưu trữ tế bào gốc ở nhiệt độ khoảng – 196 độ C trong môi trường ni-tơ lỏng trong nhiều năm.
Mặc dù vậy, tập thể Viện Huyết học – Truyền máu TW mà đứng đầu là GS.TS. Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng vẫn quyết tâm tận dụng các nguồn lực của Viện để đầu tư kinh phí, từng bước xây dựng được quy trình thu thập máu cuống rốn thuận lợi từ người hiến, làm chủ tất cả các kỹ thuật xử lý, lưu trữ tế bào gốc tiên tiến, phù hợp nhất:
Về kỹ thuật gạn tách tế bào gốc: Trong ghép tế bào gốc, quan trọng nhất là đủ lượng tế bào gốc, cho dù mẫu tế bào gốc phù hợp mà không đủ lượng thì cũng khó có thể sử dụng được. Vì vậy, Viện đã áp dụng kỹ thuật xử lý bằng phương pháp để máu tự lắng, tách phần tế bào gốc, sau đó lại đưa vào máy li tâm để tiếp tục tách tế bào gốc, nhờ đó mà chắt lọc được tối đa lượng tế bào gốc quý giá. Trước đây ở Việt Nam, tế bào gốc từ máu dây rốn chủ yếu chỉ đủ để ghép cho bệnh nhân nhi còn các mẫu tế bào gốc lưu trữ trong ngân hàng trung bình có đủ lượng để ghép cho người trưởng thành cân nặng khoảng 70 kg.

Về phương thức lưu trữ tế bào gốc: Do tế bào gốc phải luôn được bảo quản trong môi trường ni tơ lỏng để duy trì nhiệt độ khoảng -196 độ C và ni-tơ lỏng cần thay thế theo định kỳ; Viện đã không sử dụng hệ thống (tank) lưu trữ với quy mô lớn (chứa được khoảng 1 vạn mẫu) mà lưu trữ tế bào gốc trong các bình nhỏ (chứa được khoảng 230 mẫu) vừa tiết kiệm được chi phí trong việc bổ sung ni-tơ lỏng, vừa có khả năng điều chỉnh quy mô linh hoạt phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Trải qua rất nhiều bước xử lý, cuối cùng khối Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng được lưu trữ và bảo quản trong ni tơ lỏng ở nhiệt độ âm 196 độ C trước khi đưa ra sử dụng.

Viện cũng đã tổ chức lại Trung tâm TBG thành một Trung tâm hoàn chỉnh, bao gồm Ngân hàng TBG, Labo TBG và ghép, khoa lâm sàng Ghép TBG và bộ phận hành chính của Trung tâm.
Với cách tổ chức Trung tâm và những cải tiến đầy sáng tạo, khoa học như trên, Viện đã chủ động tháo gỡ những khó khăn, đẩy mạnh được các hoạt động của Trung tâm TBG và đã làm cho các hoạt động này trở nên hiệu quả, thiết thực, nhân ái hơn.
Hiện nay, Viện đã xây dựng và hiện đang trình Bộ Y tế phê duyệt Chương trình “Tế bào gốc quốc gia” để thiết lập được cơ sở cung cấp tế bào gốc đồng bộ và tháo gỡ khó khăn về mọi nguồn lực (như nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất…) nhằm đưa các hoạt động TBG ở Việt Nam lên tầm cao mới.

Những thành công bước đầu

Yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại của một Ngân hàng tế bào gốc cộng đồng đó là hiệu suất sử dụng. Sau gần 1 năm triển khai hoạt động, Ngân hàng đã lưu trữ được gần 1.000 mẫu tế bào gốc và có trên 900 mẫu đã làm được xét nghiệm HLA độ phân giải cao. Viện đã tiến hành đọ chéo HLA của 45 bệnh nhân có nhu cầu tìm nguồn tế bào gốc để ghép và có tới 44/45 người tìm được mẫu tế bào gốc phù hợp, như vậy khả năng tìm kiếm thành công đạt tới 97,8%. Một mẫu tế bào gốc máu dây rốn mua tại Mỹ mất khoảng 50 nghìn đô (khoảng 1 tỷ đồng) mà cũng khó có khả năng phù hợp, trong khi đó ở nước ta lần đầu tiên đã có ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của người Việt, chắc chắn tỷ lệ phù hợp của cùng một dân tộc là rất cao.
Có thể nói việc ra đời Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng có ý nghĩa nhân văn rất lớn, ở đó cả cộng đồng cùng chung tay hiến máu dây rốn và cả cộng đồng đều được sử dụng. Máu dây rốn từ một sản phẩm là rác thải y tế nay lại trở thành phương thuốc kỳ diệu cho người bệnh.
Nguồn tế bào gốc được lưu trữ không chỉ được sử dụng để điều trị bệnh máu mà còn có thể sử dụng cho để ghép tế bào gốc điều trị nhiều bệnh khác như: Tiểu đường, parkinson, bệnh lý thần kinh …
Trong hiện tại và tương lai, chắc chắn Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng sẽ cung cấp đáng kể nguồn tế bào gốc để ghép điều trị cho bệnh nhân và trở thành “Tài sản chung của toàn xã hội”.
Con đường đi đã rõ ràng, bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng đã ổn định và ra viện, bệnh nhân thứ 2 đang được ghép và nhiều bệnh nhân khác sẽ tiếp tục được ghép từ nguồn tế bào gốc của Ngân hàng tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng …Thành công đã thấy rõ! Chúng tôi đang mong chờ những quyết định của các cơ quan chức năng để giải quyết một số vấn đề về giá, về bảo hiểm,…và cao hơn nữa là sự phê duyệt một “Chương trình  TBG quốc gia” để mọi hoạt động về TBG của Viện Huyết học – Truyền máu TW và của Việt Nam có thể phát triển rực rỡ hơn, bền vững hơn và có tính hội nhập cao hơn nữa.
Bài Trương Hằng, ảnh Vương Tuấn
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan