Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

MÙA HOA PHONG BA

Chiếc tàu kiểm ngư KN490 vượt qua hàng trăm hải lý đưa chúng tôi đến với quần đảo Trường Sa thân thương, nơi mà từ trước đến nay tôi chỉ được nghe qua sách vở, ti vi, đài báo, internet, mà giờ đây đảo nổi, đảo chìm cứ hiển hiện trước mắt tôi như là một câu chuyện cổ tích có thật.
Tàu Kiểm Ngư KN490 và xuồng cao tốc đưa đoàn công tác vào đảo
Dưới cái nắng chang chang và hơi gió mặn mòi của biển cả, các chiến sỹ, sỹ quan của đảo đứng xếp hàng nghiêm trang chào đón đoàn công tác từ đất liền ra thăm, sóng cũng vỗ dồn dập hơn, cây lá như tươi xanh mướt hơn để thể hiện sự mến khách của biển cả với những con người vừa lạ, vừa quen từ đất liền đến với đảo. Nhưng có lẽ ấn tượng không thể quên với tôi là những bông hoa phong ba xinh đẹp và trắng muốt e ấp trong những vòm lá, nom như những cô gái e ấp sau cánh cửa buồng khi nhà có khách. Tôi đã nghe ai đó nói, phong ba nở hoa vào tháng 5, tháng 6 gì đó, thế mà bây giờ tháng 4, phong ba ở Trường Sa đã nở rộ, như là để kịp đón đoàn khách ra với đảo thân thương. Hoa phong ba khi nở chỉ xòe một nửa hình tròn của một loại hoa bình thường khác, màu trắng muốt, nhìn bông hoa là lạ này, tôi như liên tưởng đến những anh lính tuổi đôi mươi, khoác trên mình chiếc áo trắng tinh của người lính hải quân đang hiên ngang trước sóng biển và trước kẻ thù. Cây phong ba cũng vậy, nó vốn dĩ sinh ra là để chống chọi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất, mà có lẽ ở Trường Sa không có nơi nào khắc nghiệt bằng. 
Hoa Phong Ba trên đảo Trường Sa
Đoàn công tác số 6 của chúng tôi gồm nhiều đơn vị khác nhau, chủ yếu là nữ giới (do chủ chốt là đoàn của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam), không biết có phải như thế không mà dường như những nụ cười, ánh mắt trên các gương mặt của các chiến sỹ, sỹ quan trên đảo thêm rạng rỡ hơn, tiếng hát, điệu múa như mềm mại hơn, họ đã trao nhau những tình cảm mặn nồng của đất liền với biển đảo xa xôi, những tình cảm đồng chí, đồng đội, đồng bào thiêng liêng lắm. Các chiến sỹ hải quân ai cũng đen sạm vì nắng gió, vì biển mặn, nhưng nụ cười dường như vì thế lại sáng lên hơn khi gặp gỡ, khi giao lưu, khi được đoàn đến hỏi thăm, động viên, chia sẻ.
Chiến sỹ trên đào Cô lin
Trường Sa hôm nay đã có nhiều đổi thay, đẹp hơn, xanh hơn. Những âu tàu hiện đại được xây dựng để ngư dân tránh bão; dịch vụ nghề cá được thành lập và duy trì để hỗ trợ bà con đánh bắt xa bờ; rau xanh luôn tươi tốt không chỉ ở các đảo nổi mà còn ở các đảo đá, đảo chìm; nước ngọt đã được dự trữ bằng những chiếc bể lớn hơn; điều kiện sống của người dân trên đảo được đảm bảo tương đối đầy đủ từ ti vi, tủ lạnh, vườn rau xanh, có cả những ngôi chùa để thờ phụng, gửi gắm tâm linh của mình vào nơi cửa Phật, có trường học, bệnh xá, …
 
 
Gia đình người dân trên đảo Nam Yết
Điều làm tôi ấn tượng nhất đó là tình quân dân luôn thắm thiết trên đảo đúng như khẩu hiệu “quân với dân như cá với nước”, họ thân nhau như anh em một nhà, giúp đỡ, chia sẻ với nhau khi mùa bão đến, khi khan hiếm nước ngọt, khi ốm đau. Điều đó còn thể hiện tinh thần sẵn sàng hiến máu khẩn cấp khi người bệnh cần của các chiến sỹ khi Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương thực hiện chương trình “Ngân hàng máu sống – thêm an toàn nơi biển đảo”. Những nụ cười tươi sáng, những cánh tay chắc nịch sẵn sàng hiến máu vì đồng đội, vì nhân dân đã làm sáng lên hơn nữa hình ảnh đẹp về người chiến sỹ hôm nay, người chiến sỹ hải quân như những bông hoa phong ba trắng muốt giữa trùng khơi.
Khám tuyển cho các chiến sỹ đăng ký hiến máu dự bị
Nguyễn Văn Nhữ 
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!