Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Ngày cuối năm ở nơi “nước mắt giấu vào trong”

Những đứa trẻ mắc ung thư máu vẫn lặng lẽ với những trò chơi xếp hình, tập vẽ… sau mỗi buổi điều trị…

 

Bệnh nhi chơi lắp ráp hình lego

“Nếu con khỏe, con được ăn Tết ở nhà”

Xòe bàn tay, cô bé có cái tên rất đẹp Lê Phạm Quỳnh Anh (10 tuổi, trú tại Thọ Lộc, Thọ Xuân, Thanh Hóa) lẩm nhẩm tính xem mình có kịp về ăn Tết hay không: “Con thích về trước vài ngày, để được bố mua thêm cho chiếc váy đẹp diện Tết”.

Phát hiện bệnh từ khi còn nhỏ xíu, Quỳnh Anh được bố mẹ đưa về Viện Huyết học – Truyền máu TW điều trị với chẩn đoán ung thư máu. Sau 5 năm điều trị, số bạn cùng lứa nhập viện với Quỳnh Anh giảm đi đáng kể vì không thể trụ lại được với diễn tiến bất thường của căn bệnh quái ác ung thư máu.

“Cấy ghép tế bào gốc được coi là phương án ưu việt điều trị chữa khỏi bệnh, tuy nhiên chỉ định theo từng thể bệnh, có cân nhắc và lựa chọn bệnh nhân ghép tế bào gốc, phải đạt nhiều tiêu chuẩn từ nguồn ghép phù hợp. Trước ghép bệnh nhân phải đạt lui bệnh sau điều trị tốt thì ghép mới hiệu quả. Điều trị lựa chọn hàng đầu vẫn là hóa chất, lui bệnh tốt mới tính đến ghép tế bào gốc”.

BS. Nguyễn Thị Hồng
Viện Huyết học – Truyền máu T.Ư

Chị Phạm Thị Thịnh (mẹ bé Quỳnh Anh) chia sẻ: “Ở đây mãi rồi nước mắt phải giấu vào trong, phải vững tâm, kiên cường cùng con chống trọi với bệnh tật”. Những ngày đầu vào viện, cả cha và mẹ đều bỏ công, bỏ việc ở bên Quỳnh Anh. Tuy nhiên, căn bệnh ác tính đòi hỏi quá trình điều trị lâu dài, với chi phí thuốc thang, đi lại thăm khám rồi ăn uống gần như liên tục, khiến cha Quỳnh Anh dứt áo vào tận Bình Dương làm kiếm tiền, mỗi năm 1 lần Tết mới về bên con. Nên chỉ có mẹ luôn sát cánh bên bé trong mỗi lần nằm viện.

Quá quen với mỗi lần đánh hóa chất điều trị, bé Quỳnh Anh bảo: “Cũng bình thường thôi ạ. Con chỉ sợ nhất mỗi lần phải truyền tiểu cầu, truyền máu, buốt lên tận cổ. Lần nào sau truyền con cũng “nằm bẹp như con gián” suốt 2 tuần lễ. May đợt này con khỏe nên không phải truyền nữa…”. Vừa dứt lời cô bé có đôi mắt biết cười Quỳnh Anh lại chân sáo chạy dọc hành lang.

Nhắc đến căn bệnh ung thư máu của con trai Đỗ Tiến Son (ở Đông Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội), đôi mắt anh Đỗ Tiến Nghị lại se sắt. Giọng anh chia sẻ nhỏ trầm, chỉ đủ để người bên cạnh nghe thấy: “Phương thức điều trị cho con là liên tục đánh hóa chất. Sau lần đầu tiên phải chịu tác dụng phụ nặng nề của hóa chất mồm miệng con lở không ăn uống được, chỉ tiếp nước thì những đợt sau cũng đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Con kiên cường chưa lần nào khóc cả, vì thế mình không cho phép bản thân rơi nước mắt trước mặt con dù xót xa lắm”.

Sau đôi lợn xề cuối cùng bán tháo góp tiền đưa Son đi viện từ đợt đánh hóa chất lần 3, đến giờ khoản nợ gia đình anh Nghị đã lên đến 200 triệu đồng. Đôi mắt anh thoáng buồn khi nhìn cậu con trai một tay vẫn cắm truyền thuốc tay còn lại lắp ráp hình lego: “Đáng ra lần này chỉ vào viện 2 ngày, nhưng men gan cao bất thường nên bác sĩ giữ con lại để truyền thuốc. Tết này cũng chỉ mong con khỏe mạnh để đoàn viên cùng gia đình”, anh Nghị cho hay.

Mới nhập viện từ tháng 9/2018, cô bé Trịnh Thị Tuyết (14 tuổi, Yên Mỹ, Hưng Yên) đã bước vào đợt đánh hóa chất lần 3 để điều trị ung thư máu. Mái tóc dài quá lưng giờ không còn nữa, thay vào đó là lún phún những ngọn tóc mới mọc. Chị Vũ Thị Huế (mẹ Tuyết) rơm rớm nước mắt cho hay: “Ban đầu thấy con có bảo chảy máu chân răng, thì chỉ nghĩ thay cho bàn chải mềm. Ai dè ngày càng xanh rớt rồi sốt. Đi khám ra mắc ung thư máu, thiếu nặng tiểu cầu, hồng cầu. Ngày các bạn đến trường thì con bé buộc phải chuyển về đây điều trị cấp rồi”.

Bé Quỳnh Anh sau những giờ điều trị

Khó phòng bệnh và dễ tái phát

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Thị Hồng, Phó trưởng Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là trẻ thường trong tình trạng thiếu máu, da xanh, xuất huyết với các vết bầm trên da, sốt không tìm được nguyên nhân hoặc điều trị không đỡ, nổi hạch; có trẻ lại có dấu hiệu đau xương, thậm chí không đi lại, hạn chế vận động. Xét nghiệm mới ra bệnh. Vì đây là bệnh cấp tính nên chỉ diễn biến rất nhanh trong vài tuần lễ, bệnh nhân đi khám thường muộn”.

BS. Hồng cho biết thêm, với ung thư máu dòng lêxơmi cấp, khi tế bào ung thư xuất hiện trong tủy xương sẽ lấn át các dòng tế bào máu khác tạo ra thiếu hồng cầu, tiểu cầu, bạch cầu… và dấu hiệu thâm nhiễm của ung thư như gây đau xương, đau đầu, thậm chí gây liệt, lồi mắt ở bệnh nhân. Tuổi từ 1-5 luôn chiếm tỷ lệ cao nhất gần 50% ở ung thư máu. Với ung thư máu thường không chia giai đoạn bệnh và diễn biến rất cấp tính. Nên chủ yếu chia theo thể tủy hay thể lympo và theo nhóm nguy cơ cao hay thấp để điều trị.

“Dù chưa rõ hoàn toàn nguyên nhân và cơ chế gây bệnh nhưng có những thống kê về nhóm yếu tố nguy cơ như tiếp xúc với hóa chất, tia xạ, benzen, ung thư máu thứ phát từ 1 ung thư khác, hoặc nhiễm một số loại virus có tiến triển gây nên ung thư máu… nên khó có giải pháp phòng bệnh. Bệnh không mang yếu tố di truyền”, BS. Hồng cho hay.

Theo chia sẻ của BS. Hồng, tỷ lệ khỏi hẳn với ung thư máu là không tính được. Với ung thư vượt qua 5 năm đã gọi là điều trị được và với ung thư máu sẽ có xét nghiệm đánh giá tồn dư tối thiểu của bệnh ở mức dưới ngưỡng 0,0001% tế bào. Điều này đồng nghĩa bệnh có nguy cơ tái phát nhưng bao nhiêu năm tùy thuộc từng nhóm nguy cơ, cũng như đáp ứng của bệnh nhân, do vậy cần thăm khám định kỳ. Có những trường hợp lui bệnh rất tốt nhưng sau đó tái phát sớm. Trong điều trị ung thư, nhiều bệnh nhân và gia đình sốc nặng khi bệnh nhân tái phát bệnh bởi nhiều trẻ lui bệnh, trở lại sinh hoạt bình thường; có những trường hợp kéo dài thêm 5-7 năm rồi tái phát.

Theo Báo Giao thông
Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan