Ghép tế bào gốc – Hồi sinh những cuộc đời
Gia đình anh Phạm Nam Trung vỡ òa hạnh phúc khi tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn của đứa con thứ 3 đã “chữa” lành bệnh cho chị gái mình mắc căn bệnh tan máu bẩm sinh nhờ kỹ thuật ghép tế bào gốc…
“Không bỏ cuộc”
Trú tại Chi Lăng, Lạng Sơn như bao cặp gia đình khác, sau “thành gia, lập thất”, vợ chồng anh Phạm Nam Trung và chị Hoàng Thị Hương sinh liền 2 con, 1 bé trai (Hoàng Anh) và 1 bé gái (Hoàng Minh) vào năm 2007, 2009. Cuộc sống chồng là công nhân, vợ là giáo viên càng thêm vất vả vì sau khi sinh bé thứ 2 thì cả hai con đều định kỳ sốt mà không rõ nguyên nhân.
Ôm con đi thăm khám ở bệnh viện huyện, thì được chẩn đoán viêm họng và cho thuốc kháng sinh. “Cứ sau mỗi đợt kháng sinh, lại thấy các con thêm mệt mỏi, rồi tiếp tục sốt vào tháng sau. Gia đình đành đưa con lên thẳng tuyến tỉnh. Ở đây các bác sĩ cho xét nghiệm máu, với kết quả nghi ngờ các con mắc bệnh máu nên đã cho chuyển lên bệnh viện trung ương”, anh Trung chia sẻ lại.
Sau cùng anh đưa con lên Viện Huyết học – Truyền máu trung ương, tại đây nguyên nhân khiến các con anh thường xuyên sốt được bật mở, cả hai bé đều mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Cả hai vợ chồng anh Trung cùng ngã ngửa khi biết trong cơ thể mình đều mang gene bệnh sau khi các bác sĩ yêu cầu làm xét nghiệm máu. Cũng từ đó, đều đặn hàng tháng, anh Trung cùng hai con định kỳ về Viện Huyết học điều trị, truyền máu và uống thải sắt để duy trì sức khỏe.
Năm 2014, vợ anh “lỡ” có bầu, lo con lại mang bệnh giống anh chị mình, vợ chồng anh Trung tìm đến các bác sĩ tư vấn. “Bác sĩ khuyên nên sàng lọc trước sinh nếu thai nhi mang bệnh thì đành bỏ, còn khỏe mạnh thì để sinh và còn có cơ hội lấy tế bào gốc từ máu cuống rốn để ghép chữa lành bệnh cho anh chị. Vợ chồng lại thấp thỏm hi vọng từ giây phút đó. Và rất may mắn thai bình thường dù có mang gene bệnh”, anh Trung nhớ lại.
TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW về thăm gia đình cháu Phạm Hoàng Minh (đứng giứa). 5 năm qua, cháu Phạm Hoàng Minh không phải truyền máu nhờ được ghép tế bào gốc từ máu dây rốn của em gái Kim Ngân.
Sau 5 tháng sinh bé thứ 3, vợ chồng anh vỡ òa hạnh phúc khi nhận tin tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn phù hợp mọi chỉ số với bé Minh, hoàn toàn có thể tiến hành ghép. Thế nhưng “cuộc vui ngắn chẳng tày gay” bởi kinh phí cho cuộc ghép khoảng 700 triệu nằm ngoài sự lo liệu của gia đình. “Hai vợ chồng tính đến phương án cuối cùng là bán đi ngôi nhà, được khoảng hơn 300 triệu, đi vay mượn thêm, nhưng cũng không đủ. Lúc đó gia đình thực sự bất lực muốn bỏ cuộc, dù biết cơ hội chữa bệnh cho con đang cận kề”, anh Trung trầm giọng chia sẻ.
Hiểu rõ khó khăn của gia đình bệnh nhân, các y bác sĩ Viện Huyết học đã vận động, kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ. Anh Trung cho biết: “Một phần vì kinh tế quá khó khăn, một phần vì lúc đó ghép tế bào gốc chưa cho tan máu bẩm sinh là rất mới, tôi vẫn nhớ mãi, bác sĩ Bình (BSCKII. Võ Thị Thanh Bình – Trưởng khoa Ghép tế bào gốc và bác sĩ Hà (TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Thalassemia) có gọi lên nói, nếu gia đình quyết tâm, bệnh viện sẽ giúp. Làm cha mẹ có con mắc bệnh này mới hiểu nỗi khát khao cho con được khỏi bệnh lớn đến chừng nào”.
Và ca ghép đã diễn ra vào khoảng tháng 8/2015. Sau gần chục ngày chờ đợi kết quả mảnh ghép mọc, bé Minh trở thành 1 trong những ca bệnh nhân tan máu bẩm sinh đầu tiên được ghép thành công. “Minh đã có gần 5 năm sống không phụ thuộc thuốc, mạnh khỏe như bao đứa trẻ khác đó là điều mà trước đây gia đình không dám nghĩ đến. Chúng tôi vẫn tiếp tục chờ đợi cơ hội ghép cho Hoàng Anh”, vợ chồng anh Trung hi vọng.
Mắc một bệnh máu khác, đó là ung thư máu, với cậu bé Phạm Nguyên Hà cơ hội kéo dài sự sống chỉ có lựa chọn ghép tế bào gốc. Tuy nhiên, đã có lúc hi vọng của bé Hà tưởng tắt sau 2 lần ghép bất thành. Lần thứ nhất, bé Hà được ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn cộng đồng nhưng thất bại. Lần tiếp theo lại không thành khi Hà được ghép từ bố. Lần thứ 3, Hà được ghép tế bào gốc từ mẹ, đến lúc này may mắn đã mỉm cười, khi mảnh ghép mọc trong cơ thể Hà từ tế bào gốc của bố. “Gia đình tôi như vỡ òa vì hạnh phúc, vì con đã có hy vọng khỏe mạnh trở lại” chị Cúc, mẹ cháu Nguyên Hà chia sẻ.
Chia sẻ về những bệnh nhân tìm lại được cơ hội sống nhờ ghép tế bào gốc, BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu TW cho biết: “Từ khi triển khai được ca ghép tự thân từ năm 2004, viện đã thực hiện được 445 ca ghép tế bào gốc với nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau. Với bệnh nhân tan máu bẩm sinh việc tiến hành ghép rất khó, nguy cơ thải ghép cao, tuy nhiên, đến giờ đã có nhiều bệnh nhân ghép thành công”.
Mạnh khỏe sau 12 năm ghép tế bào gốc
Mới đây, trở lại Viện Huyết học để chia sẻ thêm kinh nghiệm cho các bệnh nhân khác, anh Lâm Tiến Bình (Lạng Sơn) vui vẻ cho hay: “Năm 2008, tôi mắc căn bệnh ung thư máu. Với những người mắc bệnh nan y thì việc biết tin mắc bệnh thôi cũng là điều không phải ai cũng vượt qua được. Bởi đồng nghĩa với nó là việc phải đối đầu với cuộc chiến vô cùng khó khăn, khốc liệt cả về thể chất, tinh thần lẫn kinh tế và cơ hội để chữa trị thành công là điều không tưởng.
Tuy nhiên, lúc đó ghép tế bào gốc đồng loài là cơ hội duy nhất có thể níu kéo tôi ở lại với cuộc đời này. Không gì may mắn hơn khi ca ghép thành công. Từ sau khi kết thúc ca ghép tế bào gốc tại viện, tôi chỉ phải dùng thuốc thêm sau tháng theo chỉ định của bác sĩ. Và từ đó đến nay đã 12 năm, tôi có cuộc sống của riêng mình, mạnh khỏe và hạnh phúc bên gia đình. Nếu không có ca ghép đó, không có tôi của ngày hôm nay.
Mặc dù bị bệnh ung thư máu, anh Lâm Tiến Bình vẫn khỏe mạnh sau 12 năm ghép tế bào gốc
Anh Bình là ca ghép đầu tiên với nguồn tế bào gốc được lấy từ người anh ruột. Nhắc lại ca ghép này, BS. Bình cho hay: “Ê-kíp bác sĩ vô cùng cân não trước ca ghép đầu tiên này bởi nguy cơ thải ghép rất cao. Thật may mắn, chúng tôi đã thành công. Nếu không, có lẽ chúng tôi không đủ tự tin để triển khai thêm một ca nào nữa”.
BSCKII. Võ Thị Thanh Bình cho biết: “Trong quá trình ghép tế bào gốc, người bệnh phải trải qua một khoảng thời gian dài (từ 1 – 3 tháng) trong phòng cách ly, phải vượt qua quá trình điều trị hóa chất liều cao, có tác dụng mạnh hơn, giúp tiêu diệt tế bào ác tính, tế bào miễn dịch tồn dư trong cơ thể, tạo “điều kiện” tốt để khi tế bào gốc vào cơ thể có thể phát triển ổn định. Hóa chất liều cao đồng thời cũng tiêu diệt các tế bào lành tính, dẫn đến tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết, viêm loét… Đối với người bệnh, quá trình ghép tế bào gốc là một hành trình đầy khó khăn và thử thách cả về tinh thần và thể chất. Đã có nhiều người bệnh gọi đó là một cuộc chiến “sinh tử””.
Theo Báo Giao thông
Bài viết liên quan
Các phương pháp ghép tế bào gốc tạo máu
06 Tháng Một, 2021Ghép tế bào gốc tạo máu có thể ứng dụng điều trị cho nhiều bệnh máu, bao gồm cả bệnh máu ác tính và lành tính. Phương pháp ghép tế…
Cháu bé trong gia đình có 3 người bị ung thư máu bước đầu ghép tế bào gốc thành công
10 Tháng Ba, 2020Gia đình cậu bé Trường có 4 người thì 3 bố con bị ung thư máu, một bé đã qua đời. Trường là người duy nhất trong gia đình có…
“Viện đã cho tôi sự sống mới, tình yêu thương và sự sẻ chia”
24 Tháng Mười Hai, 2019“Với tôi, Viện Huyết học – Truyền máu TW không đơn thuần chỉ là bệnh viện mà đây còn là nơi cho tôi cảm giác của một gia đình. Nơi…