Hai con, một mất, một bại não, mẹ mới biết nguyên nhân vì bất đồng nhóm máu
Một cháu mất, một cháu bại não. Nỗi sợ hãi đeo bám chị N và gia đình. Đến khi mang thai lần thứ 4, chị quyết tâm đi khám thai. Đến lúc này, chị mới biết mình mang nhóm máu hiếm Rh(D) âm và các con chị bị như thế là có thể vì bất đồng nhóm máu mẹ – con.
Nỗi đau nối tiếp…
Chuyện đã xảy ra 16 năm, nhưng chị Vũ Thị N vẫn nhớ như in, bởi năm đó, đứa con thứ 2 của chị “không hiểu vì sao mà mất” ngay khi vừa chào đời.
Chị N quê Thường Tín, Hà Nội. Khi con trai đầu lòng được 2 tuổi, chị mang bầu bé thứ 2. 48 giờ sau sinh, cháu vàng da, bỏ bú, chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị, nhưng không may, trên đường di chuyển, cháu mất.
Một năm sau, chị tiếp tục mang bầu. Lặp lại kịch bản năm trước, 48 giờ sau sinh, con trai chị vàng da, bỏ bú, chuyển ngay lên Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị, được chẩn đoán: Vàng da tan huyết do bất đồng nhóm máu mẹ con. Dù được thay máu, nhưng cháu bị vàng da nhân. 15 năm nay, cậu bé bại não chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải được phục vụ.
Một cháu mất, một cháu bại não. Nỗi sợ hãi đeo bám chị N và gia đình. Năm 2018, chị mang thai lần thứ 4. Lần này, chị quyết tâm đi khám ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khi ở tuần thứ 12. Lúc này, xét nghiệm tại đây chị mới biết mình mang nhóm máu hiếm Rh(D) âm.
“Tôi không hiểu nhóm máu hiếm là gì, không hiểu vì sao mình lại bị. Tôi chỉ biết lơ mơ chuyện các con tôi trước đó bị thế là vì bất đồng nhóm máu mẹ – con”, chị N chia sẻ bên lề cuộc gặp gỡ câu lạc bộ người nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, ngày cuối năm 2020.
Vợ chồng chị N và con trai út trò chuyện với BS Thanh Nga khi đến “gia nhập” CLB nhóm máu hiếm ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Chị N cũng đã tham gia hiến máu. Ảnh: Công Thắng
Ngay khi phát hiện tình trạng sức khoẻ, chị N được chuyển sang Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Các bác sĩ tại đây đã tiến hành xét nghiệm và liên tục làm hiệu giá kháng thể miễn dịch chống D để theo dõi quản lý thai phụ. Theo đó, trong 4 lần đầu (từ 20 tuần đến 32 tuần), chỉ số này của chị N là 32. Tuy nhiên, đến tuần thứ 35, con số này tăng vọt lên 128 – rất cao.
“Điều này có nguy cơ phá huỷ các tế bào hồng cầu của con” – ThS. BS. Hoàng Thị Thanh Nga, Phó trưởng khoa Huyết thanh học nhóm máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cho biết. Ngay lập tức, các bác sĩ ở đây liên hệ ngược lại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để đánh giá tình trạng phát triển thai nhi.
Vậy là không chờ thai nhi đủ ngày đủ tháng, ngay khi sản phụ N có dấu hiệu suy thai, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai. Bé trai 2,8kg chào đời, dù vẫn bị vàng da, nhưng do được quản lý từ tuần thứ 12 thai kỳ nên không để lại hậu quả.
Ngay sau sinh, bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi Trung ương, điều trị chiếu đèn, dùng IVIG và không phải thay máu. Sau 3 ngày, bé ra viện. Đến nay, cậu bé đã được gần 3 tuổi, thông minh, nhanh nhẹn…
“Trường hợp chị N là người mang nhóm máu hiếm Rh(D) âm, trong khi chồng và con là Rh(D) dương. Trong 3 lần mang thai và sinh đẻ trước đó, chị không hề được xét nghiệm để biết nhóm máu. Cùng đó, không được tiêm phòng anti-D ngay sau khi sinh” – ThS Thanh Nga cho hay.
Theo nữ bác sĩ, bất đồng nhóm máu mẹ con là sự không phù hợp kháng nguyên hồng cầu giữa mẹ và con, dẫn đến cơ thể người mẹ sinh ra kháng thể chống lại hồng cầu của con, hậu quả là các tế bào hồng cầu của con bị phá hủy do kháng thể của mẹ, ví dụ: mẹ có nhóm máu Rh(D) âm, con có nhóm máu Rh(D) dương. Nếu nặng, có thể gây phù thai, thai lưu. Nếu nhẹ có thể khiến con bị bệnh vàng da tan huyết sau sinh.
Các trường hợp trẻ sơ sinh bị vàng da tan huyết do bất đồng nhóm máu mẹ con nếu không được điều trị kịp thời, sản phẩm phá huỷ của hemoglobin là billirubin tăng cao quá mức cho phép trong máu, nó sẽ tích tụ trong tổ chức thần kinh giàu lipid. Điều này sẽ gây ra chậm phát triển trí tuệ hoặc tử vong trẻ sơ sinh.
Chị N tham gia hiến máu (ảnh: Công Thắng)
Cơ chế nào gây nên tình trạng bất đồng nhóm máu mẹ con?
ThS. Thanh Nga cho hay: Mẹ và con có bất đồng kháng nguyên hồng cầu, tức là trên bề mặt hồng cầu của mẹ vắng mặt kháng nguyên nhóm máu mà trên bề mặt hồng cầu của con lại có mặt kháng nguyên nhóm máu này. Nếu hồng cầu của người con lọt vào hệ tuần hoàn của người mẹ (thông qua chuyển dạ đẻ, các sang chấn sản khoa hoặc các thủ thuật làm lưu thông máu mẹ và con như chọc ối, sinh thiết gai rau …), cơ thể mẹ sẽ nhận kháng nguyên hồng cầu của con là “lạ” và sinh ra kháng thể miễn dịch chống lại kháng nguyên hồng cầu của con.
Kháng thể miễn dịch này của mẹ dễ dàng đi qua hàng rào rau thai vào cơ thể con, gắn lên bề mặt hồng cầu của con và gây vỡ hồng cầu của con. Thông thường em bé ở lần mang thai đầu tiên ít có nguy cơ bị bệnh vàng da tan huyết do bất đồng nhóm máu mẹ con so với những em bé ở những lần mang thai tiếp theo.
Theo ThS Hoàng Thị Thanh Nga, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời giúp cứu sống và không để lại di chứng cho những bệnh nhi bị bệnh vàng da tan huyết ở trẻ sơ sinh do bất đồng nhóm máu mẹ con. Hiện nay, chỉ duy nhất bất đồng kháng nguyên Rh(D) là có thuốc dự phòng còn bất đồng các kháng nguyên nhóm máu khác hiện chưa có. Cùng đó, xét nghiệm trước sinh hay sau sinh cũng có thể dự đoán bệnh vàng da tan huyết ở trẻ sơ sinh do bất đồng nhóm máu mẹ – con.
Nhóm máu hiếmTheo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm. Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm. CLB nhóm máu hiếm khu vực phía Bắc được thành lập từ năm 2007 chỉ với hơn 20 thành viên. Đến nay có hơn 500 thành viên với hơn 200 người hoạt động thường xuyên, tích cực tham gia hiến máu khẩn cấp và các hoạt động đóng góp cho sự phát triển của CLB. Trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 đơn vị máu, chế phẩm máu được hiến tặng từ các thành viên trong CLB. |
Theo báo Gia đình và Xã hội
Bài viết liên quan
4 cán bộ, nhân viên Viện hiến máu hiếm cứu người bệnh
10 Tháng Một, 2020Đầu tháng 11/2019, bà Trần Thị Cạn (72 tuổi, Hà Nội – một bệnh nhân ung thư máu) phải nhập viện gấp trong tình trạng mệt mỏi, thiếu máu nặng.…
Chàng trai trở thành ngân hàng máu sống vì mang nhóm máu hiếm
08 Tháng Sáu, 2018“Bác sĩ nói tiểu cầu của tôi rất tốt. Nên trung bình mỗi năm, tôi đi hiến máu 7 lần”, anh Long chia sẻ. Tại Viện Huyết học – Truyền…
Cứu sống trẻ sơ sinh bất đồng nhóm máu mẹ con hiếm gặp
04 Tháng Một, 2020Bé Nguyễn Thị N. vừa mới chào đời chưa đầy 1 ngày tuổi đã bị vàng da, tan máu mức độ nặng. Ngay lập tức, bé được chuyển lên Bệnh viện…