Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Ghép tế bào gốc – cuộc chiến “sinh tử” với nhiều người bệnh

22 tuổi, cô gái quê Hà Tĩnh chỉ có một sự lựa chọn duy nhất để sống đó là ghép tế bào gốc. Nếu thành công cô sẽ sống khỏe mạnh, nếu cơ thể không phù hợp ghép sẽ tử vong.

Câu chuyện trên là trường hợp của chị Dương Thị Chiến (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) cách đây 6 năm. Chia sẻ tại buổi thành lập Câu lạc bộ Ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương (Hà Nội) chiều 29/12, chị không khỏi xúc động khi nhớ lại quãng thời gian 7 năm chiến đấu bệnh tật.

Sau 13 năm bị ung thư máu, chị Dương Thị Chiến vẫn tràn đầy sức sống sau khi được ghép tế bào gốc cách đây 6 năm

Cách đây 13 năm, chị phát hiện có khối u to ở bụng, sưng nách, đi khám thì được chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu khi mới 15 tuổi. Cũng từ đó cuộc sống của cô thiếu nữ bắt đầu gắn liền với bệnh viện, với thuốc. Đến năm 2014, sau 7 năm ròng rã dùng thuốc, bệnh của chị ngày càng nghiêm trọng, suốt ngày chỉ nôn, không ăn uống được khiến cô gái trẻ trở nên gầy xác xơ.

Sau ghép, chị nôn ra máu, cơ thể suy kiệt. 4 tháng đầu, gen bệnh vẫn dương tính. Lúc đó, chị nghĩ chắc mình không còn duyên với cuộc đời nữa.

“Tôi bị sụp đổ hoàn toàn. Nhưng nghĩ đến số tiền cả nhà phải đi vay nợ cứu sống mình, tôi lại cố gắng từng ngày”, chị Chiến kể lại. Đến tháng thứ 5, các chỉ số của chị vô cùng tốt và chị đã có cuộc đời mới khỏe mạnh 6 năm qua.

Chị Dương Thị Chiến và BSCKII. Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, người trực tiếp tham gia vào ca ghép đã “thay đổi cuộc đời” chị

Đây là một trường hợp đặc biệt trong số các ca được ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Ca ghép tế bào gốc đầu tiên được thực hiện tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vào năm 2006. Trải qua 14 năm, đến tháng 11, Viện đã thực hiện được 445 ca ghép tế bào gốc, trong đó có 234 ca ghép tự thân, 211 ca ghép đồng loài.

Riêng về ghép đồng loài, Viện đã nghiên cứu và triển khai được nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau như: ghép tế bào gốc máu dây rốn (cùng huyết thống và không cùng huyết thống), ghép nửa hòa hợp (ghép haplotype), ghép nửa hòa hợp kết hợp với tế bào gốc máu dây rốn… Năm 2014, Viện cũng là đơn vị đầu tiên thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng (không cùng huyết thống).

Lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương. Ảnh: Công Thắng.

BSCKII.Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, trong quá trình ghép tế bào gốc, bệnh nhân phải trải qua một khoảng thời gian dài (1-3 tháng) trong phòng cách ly. Họ phải vượt qua quá trình điều trị hóa chất liều cao, có tác dụng mạnh hơn, giúp tiêu diệt tế bào ác tính, tế bào miễn dịch tồn dư trong cơ thể, tạo “điều kiện” tốt để khi tế bào gốc vào cơ thể có thể phát triển ổn định. Hóa chất liều cao đồng thời cũng tiêu diệt các tế bào lành tính, dẫn đến tình trạng thiếu máu, nhiễm trùng, xuất huyết, viêm loét…

“Đối với người bệnh, quá trình ghép tế bào gốc là một hành trình đầy khó khăn và thử thách cả về tinh thần và thể chất. Đã có nhiều người bệnh gọi đó là một cuộc chiến ‘sinh tử’, ‘như được sinh ra lần thứ 2′”, BS Bình nói.

Bệnh nhân thực sự rất cần có thêm kiến thức từ các chuyên gia/bác sĩ để có biện pháp chăm sóc, duy trì sức khỏe. Đồng thời, họ cũng cần sự chia sẻ, động viên, cần được truyền thêm hy vọng và động lực từ những người bệnh đã ghép tế bào gốc để vượt qua cuộc chiến cam go bệnh tật.

Do vậy, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương  thành lập Câu lạc bộ Bệnh nhân ghép tế bào gốc nhằm hỗ trợ người bệnh nói chung và người bệnh có nhu cầu/cơ hội ghép tế bào gốc thêm thông tin, kiến thức về ghép tế bào gốc. Đồng thời, hỗ trợ bệnh nhân ghép được cập nhật kiến thức chăm sóc trước, trong và sau quá trình ghép, và tập hợp những người bệnh ghép thành công để tạo thêm động lực và minh chứng cho hiệu quả của việc ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh máu…

Theo Dân trí

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan