Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Thầy giáo Bách khoa tận tụy với phong trào hiến máu

Có một nhà giáo đã gắn bó với giảng đường, gắn bó với sinh viên vài thập kỷ. Không chỉ đào tạo nên những kỹ sư giỏi cho đất nước, thầy còn truyền cảm hứng trong các hoạt động nhân đạo cho sinh viên. Đó chính là PGS.TS Trần Văn Tớp – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Nụ cười rạng rỡ của người thầy trong lần hiến máu vào tháng 11/2020 vừa qua (ảnh: Công Thắng, thiết kế: Trần Chiến).

Nhiều năm được giao trọng trách Trưởng Ban Chỉ đạo hiến máu của Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS. Tớp chia sẻ: “Sự thay đổi lớn nhất của trường khi phát động phong trào hiến máu là đã làm thay đổi nhận thức của sinh viên về ý nghĩa của hoạt động hiến máu”.

Cùng sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, công tác tuyên truyền của Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên, nếu như những năm đầu, trường chỉ vận động được khoảng 400 đơn vị máu thì con số này những năm gần đây đã là 2.000 – 3.000 đơn vị máu.

PGS. TS. Trần Văn Tớp hiến máu cùng nhiều cán bộ, giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội (ảnh tư liệu).

“Bách khoa Hà Nội và cá nhân tôi vô cùng tự hào với số đơn vị máu hiến tặng mỗi năm. Trường đã và đang làm rất tốt phong trào hiến máu, tham gia có hiệu quả nhiều sự kiện với Viện Huyết học – Truyền máu TW, với báo Tiền Phong như ngày Chủ nhật Đỏ, đặc biệt là phát huy tinh thần của chương trình thường niên “Bách khoa – Nghìn giọt hy vọng” suốt hơn 20 năm qua”, PGS. Tớp chia sẻ.

Nhớ lại kỷ niệm về những lần đầu tiên hiến máu, thầy cũng có chung cảm giác lo lắng, hồi hộp, băn khoăn không biết hiến máu có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không. “Cách đây gần 40 năm, khi còn là sinh viên ở Nga, thể trạng gầy gò, tôi hồ hởi đến đăng ký mà bị từ chối ngay”, thầy Tớp kể.

Nhưng sau đó nhờ rèn luyện sức khỏe và tuân theo các hướng dẫn để hiến máu an toàn, tất cả các lần hiến máu của PGS. Tớp đều suôn sẻ, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và có thể trở lại làm việc bình thường ngay sau khi hiến máu.

Với những cống hiến của mình, PGS. Tớp đã được nhận Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân của Bộ Y tế (ảnh tư liệu).

Cho đến nay, thầy đã có 18 lần hiến máu. Nhiều lần trong số đó là những lần cả hai vợ chồng thầy đến Viện Huyết học – Truyền máu TW hiến máu khi tình cờ nghe được các thông tin kêu gọi về tình trạng khan hiếm máu trên truyền hình, trên mạng xã hội. Hai con trai PGS. Tớp cũng noi gương bố mẹ tích cực hiến máu, kể cả khi học tập ở nước ngoài và khi về nước.

Hai vợ chồng PGS. TS. Trần Văn Tớp đến hiến máu tại Viện Huyết học – Truyền máu TW trong thời điểm thiếu máu trầm trọng, ngay sau Tết nguyên đán và dich COVID-19 đầu tháng 2/2020 (ảnh: Công Thắng).

PGS. Tớp hiến máu cùng cháu ruột – cũng đang là sinh viên năm thứ 2 của Đại học Bách khoa Hà Nội (ảnh: Công Thắng).

Đối với người thầy nhiều năm tận tụy với phong trào hiến máu, hoạt động hiến máu có rất nhiều ý nghĩa, đó là lẽ sống “cho đi để nhận lại, cho đi những giọt máu để nhận lại yêu thương”. Nhưng lẽ thường tình ấy với thầy không chỉ là để cứu người, hiến máu còn là cơ hội để giám sát sức khỏe. Chính vì thế, vừa chuẩn bị thật tốt trước ngày hiến máu, thầy vừa tích cực tập luyện, đi xe đạp mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe bởi “chỉ có sức khỏe tốt mới có thể cống hiến được cho xã hội và có thể quay trở lại hiến máu thường xuyên”.

Những chia sẻ về hiến máu của PGS. TS. Trần Văn Tớp và những cảm nhận của đồng nghiệp, sinh viên về người thầy tận tụy (thực hiện: Lâm Tùng, Thanh Hằng).

Bản thân sắp đến tuổi nghỉ hưu, thầy Tớp chỉ mong sao có quy định độ tuổi hiến máu của Việt Nam được điều chỉnh, kéo dài hơn để có thêm nhiều cơ hội hiến máu. Và để tận dụng cơ hội của mình, thầy bảo lần tới sẽ hiến tiểu cầu để hiến được thêm vài lần nữa. “Đợt dịch COVID vừa qua, tôi gặp một bác đã 60 tuổi hồ hởi đi hiến máu lần đầu, nhưng thật tiếc do huyết áp cao nên bác không thể hiến máu, tôi thấy bác có vẻ rất buồn”, thầy Tớp chia sẻ.

Gần 35 năm công tác tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – nơi chứa biết bao kỷ niệm đẹp của thầy với các thế hệ sinh viên, có lẽ chính tình yêu với mái trường này đã trở thành động lực, là cảm hứng để thầy giáo Trần Văn Tớp cống hiến hết sức mình cho các hoạt động chuyên môn cũng như hoạt động phong trào của nhà trường.

Thanh Hằng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan