Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Khóc cười chuyện vận động sinh viên hiến máu tình nguyện cách đây 1/4 thế kỷ

GiadinhNet – “Nếu thiếu tiền thì bố mẹ sẽ gửi thêm cho con, tuyệt đối không được đi bán máu” – đó là lời dặn dò bố mẹ anh Nguyễn Đức Thuận gửi gắm cậu con trai sinh viên ngành y khi biết con mình đi hiến máu tình nguyện…

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, anh sinh viên Nguyễn Đức Thuận khi đó vẫn miệt mài với lịch học và thi liên tục ở Trường Đại học Y Hà Nội. Bấy giờ, khái niệm “phong trào tình nguyện” hay “hiến máu nhân đạo” đều không có.

“Lúc ấy, tình trạng thiếu máu vô cùng trầm trọng. Khoảng trước những năm 1994, trên cả nước chỉ thu được khoảng hơn 120.000 đơn vị máu/năm – rất ít ỏi. Đúng khoảng thời gian đó, căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS hoành hành, đặt vấn đề về nguy cơ an toàn truyền máu vô cùng căng thẳng” – vị chủ tịch đầu tiên của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội chia sẻ.

TS Trần Ngọc Quế (trái) và anh Nguyễn Đức Thuận - hai trong số ít những người đầu tiên tham gia Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Ảnh: Minh Trang

TS Trần Ngọc Quế (trái) và anh Nguyễn Đức Thuận – 2 trong số ít những người đầu tiên tham gia Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội. Ảnh: Minh Trang

Những cậu sinh viên y như anh Thuận dù biết về lý thuyết là hiến máu không ảnh hưởng đến sức khoẻ nếu làm đúng theo hướng dẫn nhưng vẫn chưa … dám hiến máu. Lúc đó, còn rất nhiều tiêu cực trong truyền máu do thiếu người hiến máu.

Chứng kiến nhiều bệnh nhân tử vong vì không có máu và không thể sử dụng được các phương pháp điều trị hiện đại khi cần máu nên anh Thuận cùng các bạn đồng môn đã có suy nghĩ về vận động hiến máu.

“Lần đầu hiến máu xong, tôi ngạc nhiên lắm. Sức khoẻ hoàn toàn bình thường” – anh Thuận kể lại.

Từ đó, 1 nhóm 13 sinh viên trường Y đầu tiên đi vận động hiến máu ra đời. Nhưng vô vàn khó khăn ập đến, cũng do thông tin quá thiếu. “Không chỉ nghĩ đi hiến máu là bán máu, thậm chí khi chúng tôi đi vận động hiến máu mọi người còn hỏi rằng “chuẩn bị đi hút máu à?”” – anh Thuận kể.

Đông đảo thanh niên tham gia ngày hội hiến máu Ánh mai hồng” được tổ chức sáng 12/1. Ảnh: Bùi Hải

Đông đảo thanh niên tham gia ngày hội hiến máu “Ánh mai hồng” được tổ chức sáng 12/1. Ảnh: Bùi Hải

Vị Chủ tịch Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội có thâm niên 16 năm “tại vị” (từ 1994 – 2010) này cũng chia sẻ, ngay bản thân gia đình anh, dù 2 tháng sau diễn ra ngày Hiến máu nhân đạo đầu tiên 24/1/1994, bố mẹ anh đã rất lo lắng, bảo anh: “Nếu thiếu tiền thì bố mẹ sẽ gửi thêm cho con chứ tuyệt đối không được đi bán máu”.

Chia sẻ tại lễ Kỷ niệm 25 năm phát động phong trào hiến máu trong thanh niên, sinh viên, thành lập Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội (24/1), được tổ chức ngày 12/1, TS.BS Trần Ngọc Quế (Phó Giám đốc Trung tâm máu Quốc gia, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương) – một trong số ít người tham gia Hội ngay từ ngày đầu tiên, chia sẻ, thời đó, nhiều người cho rằng hiến máu gây hại cho sức khỏe.

Ngay từ tên câu lạc bộ chúng tôi cũng không dám đặt là vận động hiến máu mà phải là “sinh viên hoạt động nhân đạo” – TS Quế nhớ lại.

Từ các buổi nói chuyện với sinh viên về HIV/AIDS, các buổi sinh hoạt tập thể của sinh viên các trường đến các ngày lễ 8/3, sinh nhật bạn bè… BS Quế cùng các bạn “lân la” giới thiệu cho mọi người biết về hoạt động của CLB Sinh viên hoạt động nhân đạo và rủ nhau tham gia, sau đó mới “dám” vận động hiến máu.

Thậm chí chúng tôi phải thực hiện hiến máu trước mặt các bạn để được họ tin tưởng sau đó mới làm theo” – TS Quế kể.

Với thời gian đầu đi vận động hiến máu, không ít những gian nan, thậm chí nguy hiểm nhưng cũng đầy kỷ niệm vui.

Đó là những lần hiến máu xong, cả nhóm đã bị phụ huynh của một bạn sinh viên mắng, cầm que đuổi đánh vì không đồng ý cho con hiến máu. Rồi những khi vận động được ai đồng ý hiến máu là mừng rỡ vô cùng và không quản ngại công sức tự mình đạp xe chở họ đến thẳng Viện Huyết học – Truyền máu (khi đó ở Bệnh viện Bạch Mai) để hiến máu ngay…

Đánh giá về mô hình, anh Nguyễn Đức Thuận cho rằng điểm đặc biệt là cách mô hình tiếp cận từ giới sinh viên (ban đầu là sinh viên trường y, khối trường sư phạm…) rồi lan rộng ra cộng đồng xã hội, cùng sự ủng hộ của rất nhiều tổ chức, cá nhân, do đó sức lan toả rất nhanh, mạnh mẽ.

Đến nay, phong trào hiến máu tình nguyện đã tạo thương hiệu, thành ngày hội lớn. Có thể kể đến đó là việc xác lập kỷ lục về lượng máu tiếp nhận trong 1 sự kiện tại Lễ hội Xuân Hồng, xếp hình Giọt Máu với số người tham gia lớn nhất, Hành trình Đỏ vận động hiến máu xuyên Việt, Chủ nhật Đỏ hiến máu dịp Tết Nguyên Đán; tổ chức các ngày hội hiến máu với hàng ngàn đơn vị máu mỗi ngày như: Trái Tim Tình Nguyện, Giọt Hồng Tri Ân, Youthday…

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhấn mạnh, các mô hình trên hầu hết được sáng tạo và tổ chức thành công tại Thủ đô Hà Nội và được nhân rộng thực hiện tốt ở nhiều nơi trên cả nước.

Nếu năm 1994, năm đầu tiên diễn ra hoạt động vận động hiến máu tình nguyện, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội thu được 138.000 đơn vị máu; 15% trong số đó là từ người hiến máu tình nguyện; thì đến năm 2018, cả nước đã tiếp nhận 1,4 triệu đơn vị máu và 98% trong số đó là người hiến máu tình nguyện, đáp ứng được trên 70% nhu cầu máu cho điều trị.

Một phần tư thế kỷ trôi qua, Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội đã đồng hành và phát triển mạnh mẽ với hoạt động hiến máu tình nguyện. Hội đã vận động và tiếp nhận được gần 500.000 đơn vị máu, hầu hết các chiến dịch vận động hiến máu đều tập trung vào các thời điểm khan hiếm nguồn máu.

Ghi nhận những cống hiến của các thế hệ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, Chủ tịch Nước đã ký quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Hội Thanh niên Vận động hiến máu Hà Nội.

Minh Trang – Bùi Hải

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan