Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

“Lời trái tim muốn nói” của những người lái đò mang bệnh máu

Nghề giáo vốn được tôn vinh là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý bởi những cống hiến to lớn, sự hy sinh vô điều kiện của những người thầy, người cô đang từng ngày đào tạo nên các thế hệ tương lai. Và trong số những nhà giáo đang ngày đêm tận tụy ấy, có những người thầy dù mang trong mình căn bệnh máu quái ác, vẫn từng ngày kiên cường chống đỡ bệnh tật để tiếp tục thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình.

“Lời trái tim muốn nói” là cuộc thi do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức nhằm tri ân các thầy giáo, cô giáo đang điều trị tại Viện. Cuộc thi là nơi những nhà giáo – bệnh nhân viết nên những dòng tâm sự về bản thân, về nghị lực kiên cường của họ để chống trọi với những căn bệnh máu.

Những dòng tâm thư của người bệnh đã đưa người đọc trở về những tháng năm tuổi trẻ với đầy mơ ước và khát vọng. Họ đều từng là những cô cậu học trò luôn tràn đầy hy vọng vào tương lai với khát khao trở thành nhà giáo, với giấc mơ bảng đen phấn trắng.

Cô giáo Kiều Thị Thu Phương (Thạch Thất, Hà Nội) đã tâm sự trong bức thư của mình: “Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường tôi luôn có một ước mơ giản dị là trở thành cô giáo mầm non để chăm sóc dạy dỗ những mầm non tương lai của đất nước.”

Còn với thầy giáo Đ.T.Đ, giảng đường Sư phạm là kết quả cho quãng thời gian cố gắng không ngừng nghỉ: “Tôi đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời để thi đỗ vào khoa Ngoại Ngữ – trường Đại học Sư phạm.”

Những dòng tâm sự của một nhà giáo…

Con đường đến với bục giảng của mỗi người khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung là sự nỗ lực, phấn đấu để trở thành nhà giáo với một tình yêu nghề, yêu học trò tha thiết.

Cuộc sống sẽ tươi đẹp biết bao khi những người thầy, người cô ấy sẽ mãi bình yên với bục giảng, với các thế hệ học trò từng lớp trưởng thành và sẽ cống hiến cả cuộc đời vì sự nghiệp giáo dục. Nhưng rồi biến cố đã xảy đến trong cuộc đời họ khi căn bệnh máu xuất hiện. Cuộc sống bị đảo lộn, hoang mang, tuyệt vọng, có những nhà giáo tưởng chừng đã gục ngã…

Cô giáo tiểu học T.T.N kể lại những tháng ngày đen tối của mình: “Cuộc sống phải kết thúc ở đây sao? Tôi vẫn còn nhiều việc chưa làm mà. Các con tôi vẫn còn nhỏ, nghĩ đến chồng, các con và bố mẹ già vẫn còn đó, lòng tôi đau thắt lại.”

Thầy giáo Hoàng Văn Hải (Ba Vì, Hà Nội) – một người thầy giỏi và tận tụy, cũng đã có lúc tưởng chừng phải rời bỏ ngành giáo dục vì bị gãy xương đùi phải và một chân cứ ngắn dần đi do căn bệnh Hemophilia. Thầy giáo Đ.T.Đ cũng viết trong thư rằng: “Tôi vẫn không thể nào quên được những lần chảy máu cấp vì căn bệnh Hemophilia A mà tôi mắc phải. Thật sự đau đớn. Thật sự mệt mỏi và sợ hãi.”

Chặng đường chiến đấu với bệnh máu là một chặng đường gian nan có vô vàn chướng ngại. Nhưng khó khăn gian khổ đến đâu cũng không thể làm gục ngã những nhà giáo yêu nghề ấy. Có người từng ôm nỗi tự ti bệnh tật mà không dám chạm tay vào hạnh phúc, có người từng tuyệt vọng khi cuộc hôn nhân tan vỡ vì bệnh tật, nhưng họ đều đã vượt qua và cho đến hiện tại, họ đã có những niềm hạnh phúc rất riêng của mình, là những động lực giúp họ vừa kiên cường chống lại bệnh tật, vừa vững tay chèo đưa thêm nhiều chuyến đò tri thức được cập bến.

Những dòng tâm sự cuối thư của các nhà giáo – bệnh nhân đang điều trị tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã thể hiện tinh thần quyết tâm, lòng yêu nghề tha thiết và khát khao được đứng trên bục giảng không bao giờ lụi tắt.

22 năm công tác trong ngành giáo dục, 24 năm điều trị Hemophilia, thầy giáo Hoàng Văn Hải vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ trên bục giảng và được nhận nhiều bằng khen, giải thưởng vì những đóng góp của thầy cho sự nghiệp giáo dục.

“Tôi được các bác sỹ ở Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương động viên mỗi ngày. Được nghe bác sỹ nói, tôi hiểu thêm về căn bệnh của mình và ngay lập tức tự đặt ra những mục tiêu….Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân tôi phải kể đến công sức của các y bác sỹ ở đây chăm sóc cho bệnh nhân. Mỗi ngày các bác sĩ đều đến thăm, khám bệnh với những lời hỏi han, quan tâm động viên bệnh nhân, những cử chỉ ân cần đó như tiếp thêm năng lượng cho tôi và các bệnh nhân khác.” – cô giáo T.T.N (Hà Nội).

“Tuy gặp nhiều biến cố trong cuộc sống, tôi vẫn cố gắng đối mặt để đến trường hàng ngày, cùng đồng nghiệp của mình chăm sóc và giáo dục những mầm non thân yêu…. Đến Viện, tôi được đón nhận những bịch máu của các anh chị đã hiến tặng và sự chăm sóc tận tình của các y bác sĩ. Đến nay tôi đã kiên trì chữa bệnh được 7 năm.” – cô giáo Kiều Thị Thu Phương (trường mầm non Phùng Xá, Thạch Thất, Hà Nội).

“Trải qua 4 lần phẫu thuật, cuối cùng tôi đã có thể tự đi bằng đôi chân của mình và hàng ngày vẫn đến trường để tiếp tục dìu dắt và đưa các chuyến đò tri thức qua sông.” – thầy giáo Hoàng Văn Hải (trường THCS Vân Hòa, Ba Vì, Hà Nội)

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020, kính chúc các thầy, cô giáo luôn có nhiều sức khỏe để tiếp tục đóng góp thêm cho xã hội nhiều thế hệ học trò thành công!

Thùy Trang

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan