Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Rối loạn chảy máu ở phụ nữ

Các vấn đề rối loạn chảy máu có thể gặp ở cả nam và nữ. Ngoài các vấn đề chung giống như nam giới, ở phụ nữ, rối loạn chảy máu còn ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác như: kinh nguyệt, thai sản, việc làm đẹp (xăm mình, xỏ khuyên tai…) và tác động khá lớn đến cuộc sống cá nhân…

TS.BS. Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học – Truyền máu TW tư vấn về các rối loạn chảy máu ở phụ nữ

Các thể bệnh rối loạn chảy máu thường gặp

Bệnh Hemophilia

Hemophilia A (thiếu yếu tố VIII) và hemophilia B (thiếu yếu tố IX) chủ yếu gặp ở nam giới, nhưng cũng có thể gặp ở nữ giới dù rất hiếm. Hemophilia được phân ở 3 mức độ:

  • Mức độ nhẹ (nồng độ yếu tố đông máu từ 5% đến 40%),
  • Mức độ trung bình (nồng độ yếu tố đông máu từ 1% đến 5%)
  • Mức độ nặng (nồng độ yếu tố đông máu dưới 1%)

Hemophilia là một rối loạn di truyền liên kết với nhiễm sắc thể giới tính, phụ nữ thường là người mang gen bệnh. Hai phần ba trong số những người mang gen có mức độ yếu tố đông máu bình thường và không có bất kì vấn đề chảy máu nào. Tuy nhiên, một phần ba số người mang gen có nồng độ yếu tố đông máu giảm, ít hơn 40%, và có thể có một số triệu chứng chảy máu như chu kì kinh nguyệt kéo dài hoặc chảy máu sau khi phẫu thuật.

Bệnh von Willebrand

Bệnh von Willebrand (viết tắt vWD) là rối loạn chảy máu phổ biến nhất ở phụ nữ, tỉ lệ gặp khoảng 1 trong 100 người. Có nhiều thể khác nhau của bệnh và tất cả đều do thiếu một yếu tố của quá trình đông máu tên là von Willebrand (viết tắt là vWF).

Yếu tố von Willebrand có 2 chức năng:

  • Thứ nhất, nó giúp tiểu cầu dính vào thành mạch máu bị tổn thương.
  • Thứ 2, nó mang yếu tố VIII (một loại protein quan trọng trong quá trình đông máu) trong máu. Yếu tố VIII gắn với vWF ở trạng thái không hoạt động, sau đó được tách ra nhờ thrombin và tham gia vào quá trình đông máu. Khi tách khỏi vWF, yếu tố VIII bán hủy rất nhanh. Khi không có đủ vWF trong máu, hoặc khi chức năng của nó có vấn đề, cục máu đông sẽ mất nhiều thời gian hơn để hình thành.

Có 3 thể bệnh vWF.

  • Thể 1 là phổ biến nhất. Với loại này, người bệnh có ít vWF trong máu hơn bình thường.
  • Thể 2 phổ biến thứ 2 và bao gồm một số dưới thể. Trong thể 2, vWF không hoạt động đúng.
  • Thể 3 là hiếm nhất, và là thể nặng nhất. Những người mắc thể 3 vWD hầu như không có vWF. Vì vWF vận chuyển yếu tố VIII trong máu nên những người mắc vWD thể 3 có nồng độ VIII trong máu rất thấp.

Rối loạn chức năng tiểu cầu

Các rối loạn chức năng tiểu cầu có thể ảnh hưởng đến 1 trong 100 phụ nữ. Đa số những rối loạn này thường nhẹ và nhiều phụ nữ không được chẩn đoán. Tuy nhiên, cũng có một số loại rối loạn chức năng tiểu cầu nặng hơn, chẳng hạn như bệnh Glanzmann.

Các rối loạn đông máu hiếm gặp khác

Có rất nhiều loại rối loạn đông máu khác, bao gồm thiếu các yếu tố đông máu I, II, V, VII, X, XI, XIII… hay thiếu tiểu cầu. Tỉ lệ bị bệnh của cả 2 giới là như nhau.

Triệu chứng rối loạn chảy máu ở phụ nữ

Kinh nguyệt thường là chuyện nói nhỏ giữa mẹ và con gái hay giữa các chị em gái với nhau. Cường kinh (kinh nguyệt số lượng nhiều) là một vấn đề rất khó chẩn đoán, nhất là trong trường hợp trong gia đình có tiền sử cường kinh, họ sẽ thấy đó là bình thường vì nó tương tự các thành viên khác.

Ngoài các triệu chứng chảy máu giống như ở nam giới như: xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu lâu cầm khi bị đứt tay, phẫu thuật…, phụ nữ bị rối loạn chảy máu thường có thêm các dấu hiệu khác bao gồm:

  • Cường kinh;
  • Hay bầm tím;
  • Thiếu máu;
  • Chảy máu sau khi quan hệ tình dục;
  • Chảy máu cam;
  • Chảy máu kéo dài từ vết đứt tay,đứt chân;
  • Chảy máu kéo dài sau can thiệp nha khoa;
  • Tiền sử chảy máu khớp hoặc cơ tự nhiên
  • Đi ngoài phân lẫn máu.

Nếu bạn có bất kì dấu hiệu được liệt kê ở trên, hãy đến khám tại trung tâm y tế để được chuẩn đoán đúng, được chăm sóc và hỗ trợ đầy đủ.

Chu kỳ kinh nguyệt

Người ta ước tính rằng trung bình một cô gái mất từ 30ml đến 45ml máu trong kì kinh nguyệt của mình, mặc dù bạn có thể cảm thấy rằng bị mất nhiều hơn thế. Phụ nữ có rối loạn chảy máu thường mất nhiều hơn vì họ có thể bị chảy máu nhiều hoặc lâu hơn. Kinh nguyệt nhiều, còn được gọi là cường kinh, được chẩn đoán khi mất từ 80ml máu trở lên mỗi đợt. Để đo lường lượng máu mất là rất khó, nhưng dưới đây là một số dấu hiệu để giúp bạn đánh giá mức độ của kì kinh nguyệt của bạn

  • Chảy máu trong hơn bảy ngày;
  • Cục máu đông có đường kính lớn hơn 0,5cm;
  • Chưa đến 01 giờ đã phải thay băng vệ sinh;
  • Kinh nguyệt ra như “lũ”.

Bảng sau có thể giúp bạn so sánh một kì kinh nguyệt bình thường và một kì kinh nguyệt có cường kinh:

KÌ KINH NGUYỆT BÌNH THƯỜNG CƯỜNG KINH
–         Thay băng vệ sinh 4 – 5 lần/ngày

–         Đôi khi không làm được việc gì vì bất tiện trong kì kinh nguyệt

–         Đôi khi bị máu vương ra quần

–         Kéo dài tối đa 7 ngày

–         Thay băng vệ sinh hàng giờ

–         Thường xuyên không làm được việc gì vì bất tiện của kỳ kinh nguyệt

–         Thường xuyên bị máu vương ra quần

–         Kéo dài trên 7 ngày

Một vài lời khuyên 

  • Hãy luôn mang theo băng vệ sinh và quần lót dự phòng
  • Hãy ghi lại lịch của chu kì kinh nguyệt hàng tháng
  • Hãy mặc quần áo tối màu trong kì kinh nguyệt
  • Thay băng vệ sinh trước đi ngủ

Các lựa chọn điều trị 

  • Thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai chứa các hormon tổng hợp tương tự oestrogen (một loại hormon sinh dục nữ) đánh lừa cơ thể rằng trong cơ thể đang có nồng độ cao oestrogen, vì vậy làm chu kì kinh nguyệt nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên phương pháp này không phù hợp cho những bệnh nhân đang mong có con.

Tác dụng phụ thường gặp của thuốc tránh thai là tăng cân, mụn trứng cá, buồn nôn… Nếu bạn gặp bất kì phản ứng nào khi sử dụng thuốc, hãy gặp nhân viên y tế để được nghe tư vấn.

  • Axit tranexamic

Axit tranexamic là một loại thuốc tổng hợp có thể được sử dụng để điều trị và quản lý kinh nguyệt kéo dài vì nó làm chậm quá trình tiêu cục máu đông của cơ thể, giúp giảm lượng máu mất. Axit tranexamic phải được bác sĩ kê đơn.

Tác dụng phụ thường gặp của axit tranexamic là buồn nôn, mệt mỏi, chóng mặt và đau dạ dày.

  • Bổ sung yếu tố đông máu

Yếu tố đông máu được sử dụng để điều trị những trường hợp rối loạn chảy máu, nhưng có thể được sử dụng trong trường hợp cường kinh nặng. Yếu tố đông máu có trong nhiều dạng như: Yếu tố đông máu cô đặc, chế phẩm máu (tủa, huyết tương đông lạnh, huyết tương tươi đông lạnh)…

  • Nạo nội mạc tử cung

Trong trường hợp hiếm gặp khi thuốc không có hiệu quả, bác sĩ có thể xem xét việc nạo nội mạc tử cung. Đây là thủ thuật lấy ra một lớp mỏng niêm mạc tử cung. Trong hầu hết các trường hợp, thủ thuật này sẽ làm ngừng kinh nguyệt, nhưng ở những phụ nữ bị cường kinh, nó làm cho dòng chảy nhẹ hơn và dễ kiểm soát hơn.

Khi làm thủ thuật, bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ (dụng cụ soi tử cung) vào âm đạo, qua cổ tử cung vào tử cung và lấy lớp nội mạc tử cung ra. Thủ thuật này có thể được thực hiện ở phòng điều trị ngoại trú, nhưng phụ nữ có rối loạn chảy máu có thể được yêu cầu nhập viện. Cũng như các thủ thuật khác, thủ thuật nào cũng có những rủi ro. Một số tác dụng phụ thường gặp là quặn đau, buồn nôn, đi tiểu thường xuyên.

Thủ thuật này có thể dẫn đến các biến chứng khi thụ thai sau này nên bạn cần suy nghĩ kỹ càng khi quyết định làm nó.

Thiếu máu

Thiếu máu thiếu sắt là triệu chứng rất dễ xảy ra ở phụ nữ bị cường kinh do mất máu quá nhiều.

Các triệu chứng thiếu máu gồm: mệt mỏi, da xanh, tập trung kém, chóng mặt.

Thiếu máu thiếu sắt có thể được chẩn đoán thông qua khám bệnh và các xét nghiệm máu của bạn.

Thiếu máu thiếu sắt có thể điều trị bằng cách bổ sung thêm sắt trong chế độ ăn (thịt bò, lòng đỏ trứng, đậu…) và/hoặc bổ sung sắt.

Bạn cần nhớ nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi thực hiện bất kì việc bổ sung sắt nào với cơ thể.

Các vết thương nhỏ và bầm tím

Các vết thương nhỏ

Một người có rối loạn chảy máu không chảy máu nhiều hơn hoặc nhanh hơn so với bình thường, họ chỉ đơn giản là bị chảy máu lâu hơn. Vết cắt và trầy xước phổ biến ở tất cả mọi người. Đối với những người có rối loạn chảy máu, vết cắt nhỏ và vết trầy xước nói chung có thể được xử lý bằng cách ấn vào vết cắt một lực trong 10 phút và sử dụng băng dán khi máu đã ngừng chảy.

Vết bầm tím

Những người bị rối loạn chảy máu có xu hướng bị bầm tím dễ hơn những người khác. Vết bầm tím có thể nhìn khó chịu, nhưng nói chung là không nghiêm trọng và sẽ mờ dần trong vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, vì là phụ nữ, chúng ta đều tự ý thức về ngoại hình của mình và các nhược điểm trên cơ thể. Tuy nhiên ai cũng có thể bị bầm tím nên điều quan trọng là không để người khác nhìn thấy.

Nếu bạn có một vài bết bầm tím ở vùng nhìn thấy được, hãy dùng một số cách như mặc quần áo dài hoặc trang điểm.

  

Chảy máu mũi

Chảy máu mũi rất phổ biến và gây khó chịu cho người bị rối loạn chảy máu.

Nếu bạn bị chảy máu mũi, hãy làm như sau:

  • Ngồi thẳng với tư thế đầu hơi nghiên về phía trước;
  • Bóp phía trên cánh mũi với lực đủ mạnh liên tục trong 20 phút;
  • Lót 1 khăn mỏng vào mũi rồi chườm đá lạnh lên trên.

Nếu chảy máu mũi kéo dài không có nguyên nhân sau khi đã ấn cầm máu trên 10 phút, bạn cần đến trung tâm y tế để được chăm sóc.

Ngoài ra, bạn nên đi khám bác sĩ Tai – Mũi – Họng để kiểm tra những vấn đề về mũi xoang, ngoài vấn đề rối loạn chảy máu.

Lưu ý khi phẫu thuật với người bị rối loạn chảy máu

Nếu bạn bị rối loạn chảy máu, bạn nên luôn mang theo thẻ chứng nhận bệnh của mình trong người. Bất kì thủ tục phẫu thuật nào cũng cần được lên kế hoạch hỗ trợ về mặt đông máu tại các trung tâm điều trị rối loạn đông máu. Phụ nữ bị rối loạn đông máu có thể bị chảy máu trước, trong và sau mổ, thậm chí là chảy máu muộn (7-10 ngày sau mổ).

Ngoài ra, về vấn đề thai sản, phụ nữ bị nghi ngờ có rối loạn chảy máu hoặc mang gen cần được tư vấn trước khi mang thai và có thể cần có những lưu ý trước, trong và sau quá trình sinh đẻ.

ĐỊA ĐIỂM KHÁM – XÉT NGHIỆM:

  1. Viện Huyết học – Truyền máu TW (phố Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy, Hà Nội): Từ 6h30 – 17h các ngày thứ 2 đến thứ 6 (khám theo bảo hiểm y tế, khám thu phí và khám theo yêu cầu); 7h30 – 17h thứ 7 (khám theo yêu cầu).
  2. Các điểm hiến máu và xét nghiệm ngoại Viện: 8h – 12h và 13h30 – 17h từ thứ 2 đến thứ 7.
  • Số 26 Lương Ngọc Quyến, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Số 132 Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
  • Số 10, ngõ 122 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội.

NIHBT

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan