TS. Bạch Quốc Khánh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong phong trào “Dân vận khéo”
Trong 2 ngày 10 – 11/10/2020, Ban Dân vận Trung ương tổ chức kỷ niệm 90 năm Truyền thông công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2020), Đại hội thi đua yêu nước ngành Dân vận, tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc và trao giải cuộc thi viết về tấm gương “Dân vận khéo” giai đoạn 2017 – 2020.
Các đại biểu điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc tham dự buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ.
Gặp mặt các điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc trong chiều 10/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, muốn dân hiểu thì phải nói cho dân nghe, dành thời gian lắng nghe của ý kiến của người dân. Thuyết phục và nêu gương là vấn đề quan trọng nhất trong lãnh đạo chứ không phải dùng quyền lực.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi gặp mặt (ảnh: VGP/Quang Hiếu).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh 203 điển hình “Dân vận khéo” từ mọi miền Tổ quốc (trong đó người cao tuổi nhất là 78 tuổi, trẻ nhất là 26 tuổi) về Hà Nội dự cuộc gặp mặt vào đúng dịp kỷ niệm 1.010 năm Thăng Long – Hà Nội, 66 năm giải phóng Thủ đô khi Hà Nội bước vào mùa đẹp nhất trong năm. Sự có mặt của các đại biểu, từ các thành phần, lứa tuổi, vùng miền đã “nói lên sự đoàn kết của chúng ta, nói lên tính chất dân vận đa dạng, phong phú”.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được phát động từ năm 2009. Đến nay, phong trào này đã trở thành một trong những trọng tâm của phong trào thi đua yêu nước, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống chính trị. Hàng vạn mô hình và điển hình tiên tiến đã xuất hiện ở mọi miền Tổ quốc. 10 năm qua, cả nước đã bình chọn, tôn vinh hơn 900.000 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thủ tướng nêu rõ, sự nghiệp cách mạng của đất nước muốn thành công phải dựa vào dân, “muốn làm được thì phải nói cho dân hiểu, làm cho dân tin”. Do đó, công tác dân vận rất quan trọng, có ý nghĩa lớn lao. “Các đồng chí ngồi trong hội trường hôm nay chính là những tấm gương sáng để công tác dân vận khéo thành phong trào cách mạng thiết thực, hiệu quả. Tôi nghĩ công này của người dân rất lớn lao”, Thủ tướng nói.
Lấy ví dụ về thành tựu trong phòng chống đại dịch COVID-19 vừa qua, Thủ tướng khẳng định, nếu không có sự ủng hộ của người dân thì liệu chúng ta có trở thành một điểm sáng của thế giới về ngăn chặn đại dịch hay không. Thế giới đánh giá cao Việt Nam về phòng chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế, xã hội, nằm trong số ít nước đạt tăng trưởng dương.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo gặp mặt các đại biểu (ảnh: VGP/Quang Hiếu).
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai cho biết, sau cuộc gặp mặt lần đầu vào năm 2015 với 85 đại biểu điển hình tiên tiến, cuộc gặp mặt lần này đã đông hơn, “tất cả chúng ta có mặt ở đây và còn hàng chục vạn tấm gương dân vận trong cả nước đều có chung một điểm, đó là dù bất cứ ở đâu, làm bất cứ công việc gì, vị trí công tác như thế nào, chúng ta đều hết lòng sao cho công việc của mình đang làm phục vụ có hiệu quả hơn, mang đến điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống của nhân dân”.
Có những công việc rất gian khổ như vận động nhân dân ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cũng có công việc tính chất phức tạp như bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân của lực lượng vũ trang hay phải thu hồi đất cho phát triển đô thị, phát triển đất nước, công tác tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu kiện.
“Tôi nghĩ rằng không thể đo đếm được hết những gì mà công tác dân vận khéo của cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị đã làm được nhưng sự đồng thuận, cuộc sống của nhân dân, lòng tin của nhân dân thì chúng ta có thể cảm nhận được”, đồng chí Trương Thị Mai nói.
Dịp này, trong số 203 điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc được tuyên dương, có 25 tập thể và 39 cá nhân điển hình tiêu biểu được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 68 tập thể và 71 cá nhân được nhận bằng khen của Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao bằng khen của Thủ tướng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015 – 2020 (ảnh: VGP/Quang Hiếu).
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương vinh dự có TS.BS. Bạch Quốc Khánh – Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
TS. Bạch Quốc Khánh nhận bằng khen từ Thủ tướng Chính phủ.
Với vai trò là Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng, TS. Bạch Quốc Khánh đã cùng tập thể Đảng ủy, Ban Lãnh đạo Viện tổ chức thực hiện việc xây dựng và ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận theo các Nghị quyết/Kết luận hội nghị của BCH TW Đảng, Nghị quyết của Đảng bộ quận Đống Đa. Thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện chủ đề “Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Viện.
Đảng bộ Viện đã tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua thực chất, hiệu quả trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong toàn Đảng bộ; cụ thể hóa các nội dung phong trào sát với tình hình thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của Viện.
Là đơn vị chuyên khoa đầu ngành về Huyết học – Truyền máu của cả nước, Viện là cơ sở thực hiện công tác tiếp nhận, sàng lọc, điều chế và cung cấp các chế phẩm máu lớn nhất cả nước. Riêng trong giai đoạn 2015 – 2019, Viện đã tiếp nhận hơn 1,5 triệu đơn vị máu, chiếm 25% tổng lượng máu của cả nước. Viện đã phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện và đoàn thể các cấp để mở rộng đối tượng, địa bàn hiến máu; đổi mới các phương thức tổ chức hiến máu hiệu quả; xây dựng được nhiều mô hình vận động hiến máu như: tuyến phố hiến máu, gia đình hiến máu, các chiến dịch vận động hiến máu như Lễ hội Xuân hồng, Hành trình Đỏ…, thành lập và duy trì các điểm hiến máu cố định.
Trong công tác khám và điều trị, Viện luôn lấy người bệnh làm trung tâm để cải tiến công tác chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh; cải tiến quy trình và duy trì ổn định về số lượng, chất lượng các xét nghiệm cơ bản và chuyên sâu nhằm góp phần thực hiện công tác chẩn đoán và điều trị; ngày càng hoàn thiện hoạt động ghép tế bào gốc trong điều trị bệnh máu.
Thanh Hằng tổng hợp (theo báo Chính phủ)
Bài viết liên quan
Đại hội Đảng bộ Viện lần thứ IV, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững vì sức khỏe dòng máu Việt
22 Tháng Năm, 2020Trong hai ngày 19 và 20/5/2020, Đảng bộ Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiến hành chương trình Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 –…