Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

85 ngày chiến đấu với cuộc “khủng hoảng máu”

Sau những háo hức của ngày đầu năm mới thì liên tiếp những tin không vui trong ngày mùng 7 Tết (31/1), mở màn cho những ngày có lúc căng thẳng tột độ, có lúc lo âu, cũng có khi nhẹ nhõm, phấn chấn và cảm động bởi tình yêu thương giữa người với người trong cơn hoạn nạn. Tính đến 24/4, chúng ta đã trải qua 85 ngày đêm thăng trầm với nỗi lo thiếu máu.


CÁC BỆNH VIỆN ĐỐI MẶT VỚI NỖI LO KÉP:

VỪA LO CHỐNG DỊCH, VỪA LO THIẾU MÁU

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2020, số lượng bệnh nhân nhập viện tại tất cả các bệnh viện để khám chữa bệnh đang tăng lên hàng ngày. Trái ngược với đó là thông tin các lịch hiến máu đã được lên kế hoạch liên tiếp được báo hoãn do lo ngại ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút Corona.

Số người hiến máu giảm, các lịch hiến máu bị hoãn, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đứng trước nguy cơ không có bất kỳ lịch hiến máu ngoại Viện nào trong gần một tháng trước, trong và sau Tết.

Ngày 31/1 (mùng 7 Tết), Viện chỉ tiếp nhận được 97 đơn vị máu và 116 đơn vị tiểu cầu, hầu hết là nhân viên y tế của Viện tham gia hiến máu. Cũng ngày này, các bệnh viện dự trù 1.252 đơn vị khối hồng cầu, nhưng Viện chỉ có thể cung cấp 704 đơn vị (56% so với dự trù).

Trong 10 ngày (từ 29 Tết đến mùng 8 Tết), Viện chỉ tiếp nhận được 226 đơn vị máu.

Đến sáng 4/2: tình hình vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Bộ Y tế phát đi thông tin về ca mắc COVID-19 thứ 9 tại Việt Nam. Số ca nhiễm mới, số trường hợp tử vong của dịch trên thế giới thì không ngừng tăng lên trong khi máu điều trị thì ngày một giảm ở nhiều địa phương tại Việt Nam. Nhưng lượng máu dự trữ của Viện chỉ còn gần 5.800 đơn vị, trong đó nhóm A chỉ còn chưa đến 300 đơn vị.

Lượng máu dự trữ gần như chạm đáy, đã tạo ra khủng hoảng trầm trọng về nguồn máu.


“ĐI HIẾN MÁU ĐI” – LỜI KÊU GỌI TỪ TRÁI TIM

ĐÃ TẠO NÊN LƯỢNG MÁU KỶ LỤC TRONG THÁNG 2

Nhiều người hiến máu đã nói với nhau rằng “làn sóng kêu gọi nhau đi hiến máu đã lớn hơn sự lây lan của dịch bệnh rồi”.

Hàng vạn dòng status như này đã được lan truyền trên mạng xã hội: “Khi “cơn bão” virus Corona đang càn quét thì nó đã góp phần tạo ra một “cơn bão” khác, thầm lặng hơn nhưng sức sát thương không kém: Đó là thiếu máu”. Chắc chắn tác giả cũng không thể ngờ mức độ lan truyền của thông tin lại lớn đến như vậy.

Và nhờ đó, “cơn bão” khác lại xuất hiện – chính là sức mạnh của truyền thông, là tinh thần dân tộc đã truyền thông điệp mạnh mẽ về “tình người ấm áp trong cơn khủng hoảng máu”, là hàng ngàn người đã đến, vui vẻ xếp hàng chờ hiến máu.

Cũng hàng vạn câu rủ nhau trên mạng xã hội “đi hiến máu đi”.

Con số bắt đầu tích cực khi cả ngày 5/2, Viện đã tiếp nhận 579 đơn vị máu và 144 đơn vị tiểu cầu. Biểu đồ tiếp nhận máu dần đi lên và liên tục duy trì con số ổn định ở mức cao trong nhiều ngày với 1.438 đơn vị máu (6/2), 2.271 đơn vị máu (7/2), 2.072 đơn vị máu (8/2), 1.618 đơn vị máu (10/2).

Trong 11 ngày sau Tết (31/1 đến 10/2): Viện đã TIẾP NHẬN 10.643 đơn vị máu, nhóm A chỉ chiếm 13,11% trong tổng lượng máu tiếp nhận được. Riêng trong 5 ngày sau kêu gọi hiến máu (5 – 9/2), Viện đã tiếp nhận 8.270 đơn vị máu. Cùng thời điểm sau Tết năm ngoái, trong 11 ngày (từ 11 – 21/2/2019), Viện chỉ tiếp nhận được 3.393 đơn vị máu.

Cũng từ ngày 31/1 đến 10/2: Viện đã CUNG CẤP 13.241 đơn vị máu và chế phẩm máu cho 103 bệnh viện tại 20 tỉnh, thành phố. Riêng nhóm A chỉ có thể đáp ứng được 1/3 nhu cầu cấp cứu và điều trị.

Kết quả tiếp nhận và cung cấp máu từ 31/1 đến 10/2/2020 (Thiết kế: Trần Chiến)

Với sự hỗ trợ tích cực của các cơ quan truyền thông, sự chung sức của nhiều cơ quan, đơn vị, tình người ấm áp của cả cộng đồng và những thay đổi về cách thức tổ chức hiến máu trong giai đoạn phòng chống dịch, Viện đã tiếp nhận 36.000 đơn vị máu trong tháng 2. Đây là lượng máu kỷ lục tiếp nhận được trong tháng 2 của nhiều năm nay.

Trong đó, riêng sự kiện hiến máu Xuân hồng đã thu hút hơn một vạn người đăng ký hiến máu trong 12 ngày tại 7 điểm (thay vì tổ chức 2-3 ngày tại một địa điểm như nhiều năm trước), tiếp nhận 9.005 đơn vị máu, gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu là 5.000 đơn vị máu.


“BƯỚC VÀO GIAI ĐOẠN 2 CỦA CUỘC CHIẾN CHỐNG COVID-19,

ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG HOẠT ĐỘNG TRUYỀN MÁU

ĐƯỢC ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU”

Tối 6/3, cuộc chiến chống dịch bước vào giai đoạn 2 với khởi phát là việc xuất hiện bệnh nhân COVID-19 thứ 17 – ca nhiễm đầu tiên tại Hà Nội.

Cũng lúc này, cuộc khủng hoảng máu bước vào giai đoạn 2. Biểu đồ máu lại đảo chiều, báo hiệu nguy cơ tiếp nhận lượng máu thấp nhất trong nhiều năm vào tháng 3 – Tháng Thanh niên.

Lịch hiến máu hoãn liên tiếp, bất kể ngày giờ, thậm chí gần 0h đêm hoãn cho lịch ngày hôm sau, nhiều lời hẹn sẽ tổ chức hiến máu khi “qua mùa dịch”.

TS. BS. Bạch Quốc Khánh – Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch giai đoạn 2, cùng với sự vắng vẻ ở các nơi công cộng thì các điểm hiến máu cũng thưa thớt người đến. Nhiều đơn vị đã có kế hoạch tổ chức hiến máu trong tháng 3 đều đã thông báo hoãn lịch hiến máu và khả năng sẽ còn tiếp tục hoãn. Từ ngày 7/3 đến 12/3, đã có 70 lịch hiến máu với khoảng 12.000 đơn vị máu trong tháng 3 bị hoãn và thêm nhiều lịch nữa bị trì hoãn trong cả tháng 3”.

Lúc này, thách thức đặt ra cho các cơ sở y tế nước ta là làm sao vừa chống dịch an toàn lại vừa đẩy mạnh hoạt động hiến máu để giảm thiểu nguy cơ thiếu máu cho điều trị.

Nhiều người cũng hoài nghi, băn khoăn về liệu hiến máu hay truyền máu có bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

TS. Khánh khẳng định: “Thực tế các tài liệu hiện có liên quan đến dịch bệnh do vi rút corona gây ra như SARS, MERS hay COVID-19 đều chưa cho thấy bằng chứng về việc các vi rút đường hô hấp này có khả năng lây truyền qua đường máu”.

Chính vì vậy, “với phương châm “HIẾN MÁU AN TOÀN – ĐỪNG NGẠI COVID”, Viện hướng đến đảm bảo công tác tiếp nhận và cung cấp máu trong thời điểm chống dịch với tiêu chí 3A: đó là An toàn cho người hiến máu, An toàn cho người bệnh nhận máu và An toàn cho nhân viên y tế”, TS. Khánh nhấn mạnh.

Kịp thời có mặt hiến máu tại trụ sở Bộ Y tế vào sáng 12/3 sau hàng loạt chuyến công tác chống dịch tại nhiều địa phương trong cả nước, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Trong thời điểm phòng chống dịch, rất cần phải bảo vệ sức khỏe bản thân, nhưng chúng ta cũng cần nghĩ đến sức khỏe cộng đồng bằng việc tham gia hiến máu. Không tập trung đông người thì ta tổ chức hiến máu phân tán, tại nhiều địa điểm, vào nhiều khung giờ. Bởi tinh thần hiến máu của cộng đồng không hề suy giảm”.

Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn tham gia hiến máu ở những ngày đầu của giai đoạn 2 cuộc chiến chống COVID-19.


“Giãn cách xã hội” khiến người hiến máu càng giảm. Máu thiếu nhưng vẫn phải tạm ngừng tiếp nhận máu nhóm B và AB. Đó là những nghịch lý của câu chuyện khan hiếm máu.

Tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh khiến cả tháng 3 – Tháng Thanh niên, Viện chỉ tiếp nhận được 16.000 đơn vị máu, trong khi con số này ở các năm là 32.000 – 36.000 đơn vị.

Cuối tháng 3, Chính phủ quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 với việc ban hành Chỉ thị 15, 16. Lần thứ 3 từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương lại đối mặt với cơn khủng hoảng máu

TS. Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TW chia sẻ: “Trong vài tuần liên tiếp cuối tháng 3, Viện chỉ tiếp nhận được 50 – 60 đơn vị máu mỗi ngày (tại Viện và một số điểm hiến máu cố định) do hầu như không có lịch hiến máu tại các cơ quan, trường học, khu dân cư. Lượng máu toàn phần tiếp nhận giảm nghiêm trọng dẫn đến tiểu cầu cũng rất thiếu vì thời hạn bảo quản của tiểu cầu rất ngắn (3 – 5 ngày)”.

Lượng máu dự trữ của Viện tính đến sáng 6/4 chỉ còn hơn 8.000 đơn vị máu. Trong đó, máu nhóm A chỉ còn chưa đến 1.000 đơn vị máu, chỉ chiếm 12% tổng lượng máu dự trữ (tỷ lệ nhóm máu này trong dân số khoảng 20%); trong khi máu nhóm AB thì lại còn đến gần 700 đơn vị, chiếm 8% tổng lượng máu dự trữ (tỷ lệ trong dân số chỉ khoảng 5%).


NGÀY 7/4

THỰC SỰ LÀ NGÀY TOÀN DÂN HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN:

TỔNG BÍ THƯ KÊU GỌI, CẢ NƯỚC ĐÁP LỜI

Nhân dịp tròn 20 năm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định lấy ngày 07/4 là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4/2000 – 7/4/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi Thư tới đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước kêu gọi mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Vì sức khỏe cộng đồng và vì sức khỏe của chính mình, Tôi kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước, mỗi người khỏe mạnh, đủ tiêu chuẩn hãy luôn sẵn sàng, hăng hái tham gia hiến máu và tích cực vận động mọi người cùng hiến máu thường xuyên cứu người để giúp cho mỗi người kiểm tra được sức khỏe của mình, cứu giúp người bệnh, vì một xã hội khỏe mạnh và nhân văn, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, sự phát triển bền vững của đất nước”.

Lời kêu gọi hiến máu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. (ảnh gốc: Đăng Khoa, thiết kế: Công Thắng)

Lần đầu tiên Việt Nam có thư kêu gọi hiến máu từ Tổng Bí thư. Bởi thế mà lời hiệu triệu ấy đã có sức lay động, thúc giục, hô hào và tác động đến nhiều đồng chí lãnh đạo, các bộ ngành, đoàn thể và hàng vạn tấm lòng nhân ái trên cả nước không ngần ngại, không chần chừ đáp lời.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng có thư kêu gọi lực lượng công an nhân dân hiến máu với quyết tâm mỗi địa phương vận động được tối thiểu 1.000 đơn vị máu, riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh quyết tâm vận động được 5.000 đơn vị máu. Đồng chí Trần Thanh Mẫn – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát động cuộc vận động toàn dân hiến máu. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ Y tế, Bí thư Trung ương Đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng lần lượt lan tỏa thông điệp nhân văn của việc hiến máu cứu người. Bộ trưởng và 4 thứ trưởng của Bộ Tài nguyên và Môi trường ngay lâp tức tham gia hiến máu. Nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, phóng viên đồng hành, sẵn sàng hiến máu và kêu gọi hiến máu.

Lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị thuộc lực lượng công an nhân dân trên toàn quốc tham gia hiến máu. (ảnh: Công Thắng, Vương Tuấn)

Đồng chí Nguyễn Thị Xuân Thu (áo vest đỏ) – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Vận động HMTN cùng các Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Trương Thị Ngọc Ánh (áo kẻ), Phùng Khánh Tài (áo trắng) đã trực tiếp hiến máu.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tham gia hiến máu hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhân Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện. “Chắc chắn hoạt động này sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường duy trì thường xuyên, đều đặn để tạo cơ hội cho mỗi người trong chúng ta có thể trao đi giọt máu ấm nóng tình người.”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đông đảo các nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên, phóng viên sẻ chia món quà sự sống tới người bệnh từ tháng 2 đến nay

Chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận được không khí thực sự ấm áp của “Ngày Toàn dân hiến máu” nô nức, tự giác đến như vậy vào đúng ngày 7/4. Đó cũng là ngày đầu tiên Hà Nội hửng nắng ấm sau nhiều ngày mưa ẩm, dù đông vui người hiến máu nhưng vẫn đảm bảo giãn cách: tạo khoảng cách chỗ ngồi, chỗ hiến máu, đến hiến máu theo hẹn – theo giờ…

Ngày Toàn dân hiến máu – khác với không khí u ám, ảm đạm, vắng vẻ tại các điểm hiến máu thì Viện Huyết học – Truyền máu TW đã đón tiếp hơn 900 người đến hiến máu, hiến tiểu cầu tại Viện và các điểm hiến máu cố định. Một con số kỳ diệu gấp gần 10 lần so với các ngày bình thường trước đây.

Và để minh chứng một điều rằng: Dù giãn cách xã hội nhưng không hề giãn cách về cảm xúc, lý trí, trách nhiệm và nghĩa cử nhân ái với đồng bào mình.


ĐOÀN KẾT CHỐNG DỊCH – NGẦN NGẠI RA ĐƯỜNG –

NHƯNG HIẾN MÁU THÌ KHÔNG CHẬM TRỄ

Nhà báo Lê Xuân Sơn – Tổng biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ: “Báo động đỏ ở các bệnh viện, máu điều trị cho người bệnh đang thiếu trầm trọng. Những người có tấm lòng xin đừng chần chừ.

Giờ thì không ai là không nhận thức rõ chống dịch COVID-19 là cuộc chiến của toàn dân tộc nữa. Và giờ cũng đã đến lúc toàn thể chúng ta nhận thức rõ thêm việc hiến máu tình nguyện là việc của mỗi người.

Khi người đứng đầu Đảng, Nhà nước ra lời kêu gọi đồng chí, đồng bào thì hẳn phải là một tình huống đặc biệt. Chúng ta đang sống ở những ngày đặc biệt, khiến cho trong vài ngày, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải đưa ra những lời kêu gọi.

Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ tích cực hiến máu tình nguyện của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho thấy tính cấp thiết đặc biệt của việc hiến máu tình nguyện ở thời điểm này. Sự lưỡng lự, ngại ngần của chúng ta có thể phải đổi bằng tính mạng của những người không may cần điều trị.

Vậy thì, tham gia thực hiện các biện pháp chống dịch COVID 19 là yêu nước, và tích cực hiến máu tình nguyện là yêu đồng bào của mình, cũng là yêu nước vậy”.

Và nói là làm, ông Lê Xuân Sơn đã có mặt hiến máu đúng Ngày Toàn dân hiến máu.


KHỞI SẮC CHO MÁU NHÓM O, NHÓM A 

Nhờ hiệu ứng của Ngày Toàn dân hiến máu, từ ngày 7 – 23/4, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận được hơn 15.000 đơn vị máu.

BSCKII. Phạm Tuấn Dương – Phó Viện trưởng, Phụ trách Trung tâm Máu quốc gia cho biết: “Sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng và nhiều cơ quan đã giúp lượng máu tiếp nhận được ổn định, đảm bảo đủ cung cấp cho người bệnh. Đặc biệt, tình hình tiếp nhận máu nhóm O và A – nhóm máu luôn thiếu ở nhiều thời điểm trong năm, đã có nhiều khởi sắc trong 2 tuần qua. Hiện tại, lượng máu dự trữ nhóm O đã duy trì ở mức xấp xỉ 60% và nhóm A cũng đạt 20% tổng lượng máu dự trữ”.

“Câu chuyện chia sẻ tình người Việt Nam qua những giọt máu hiến tặng trong thời điểm dịch COVID thật cảm động. Cùng với sự chỉ đạo, vai trò tiên phong, gương mẫu, tích cực vào cuộc của các đồng chí lãnh đạo, các điểm hiến máu cố định đã phát huy tác dụng, trở thành cứu cánh trong những ngày qua để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến hiến máu an toàn. Thay mặt người bệnh được nhận máu, tôi vô cùng biết ơn những tấm lòng nghĩa tình đã hiến tặng những giọt máu đong đầy tình người vô cùng quý giá. Trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí, các phóng viên đã đồng hành cùng chúng tôi trong hoạt động truyền thông, kêu gọi hiến máu, tổ chức hiến máu và bản thân đã tham gia hiến máu”, Viện trưởng Bạch Quốc Khánh xúc động bày tỏ lời tri ân cộng đồng.


TUYỆT VỜI VIỆT NAM! CẢM ƠN VIỆT NAM

Anh Duy Minh từ Mỹ trở về Việt Nam vào giữa tháng 3. Sau 14 ngày cách ly tập trung và 14 ngày cách ly tại nhà, vừa kịp dành vài ngày để lo việc gia đình, anh Minh đã dành thời gian đến Viện Huyết học – Truyền máu TW góp thêm một đơn vị máu nhóm O trong chiều 22/4.

“Việt Nam mình thật tuyệt vời!” – Anh Minh không ngớt lời ca ngợi như vậy khi nói về công tác phòng chống dịch COVID-19. Việt Nam có ca bệnh đầu tiên mắc COVID-19 vào ngày 22/1 – cùng thời điểm với nước Mỹ. Tính đến ngày 24/4, thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam, thế giới đã ghi nhận 2.718.139 người mắc COVID-19, trong đó có 190.635 người tử vong. Việt Nam ghi nhận 268 trường hợp mắc COVID-19 (chưa có tử vong), trong đó 225 người đã được chữa khỏi; trong khi số ca mắc ở Mỹ là hơn 886.000 người.

Và cũng tuyệt vời hơn khi hàng ngàn người đã chung tay, nắm chặt tay nhau, chia sẻ với nhau để cùng vượt qua được khó khăn của dịch bệnh, của sự khan hiếm nguồn máu.

Có một ai đó đã nói rằng: “Chúng ta đừng nghĩ thiếu mình thì không sao, chỉ có 1 đơn vị máu thôi mà… Thực ra nên nghĩ ngược lại, chỉ cần 1 đơn vị máu mà bạn tình nguyện chia sẻ hôm nay là đã có thể cứu sống được một ai đó đang lâm trọng bệnh”.

Những lời giản dị ấy đã trở thành lẽ sống, là hành động của hàng vạn người trong suốt gần 3 tháng qua, từ các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức, người dân, nghệ sĩ, phóng viên ở mọi lứa tuổi, tôn giáo, ngành nghề, địa phương. Họ kêu gọi nhau cùng hành động để góp phần nhỏ bé giúp nguồn máu trở lại dồi dào. Niềm tin đó, suy nghĩ đó và hành động đó cũng chính là cách để chúng ta không còn sợ hãi đẩy lùi dịch bệnh đang hoành hành và cũng là đẩy lùi cơn khủng hoảng máu liên tiếp xảy ra 3 lần trong 85 ngày qua.

Thanh Hằng

Ảnh và thiết kế: Công Thắng

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan