4 cán bộ, nhân viên Viện hiến máu hiếm cứu người bệnh
Đầu tháng 11/2019, bà Trần Thị Cạn (72 tuổi, Hà Nội – một bệnh nhân ung thư máu) phải nhập viện gấp trong tình trạng mệt mỏi, thiếu máu nặng. Huyết sắc tố của bệnh nhân rất thấp, không đủ lượng máu nuôi dưỡng cơ thể. Nếu tình trạng thiếu máu nặng hơn nữa có thể dẫn đến cơ thể suy kiệt, suy tim và tiên lượng xấu.
Tuy nhiên, Khoa Huyết thanh học nhóm máu xác định đây là một trường hợp rất khó chọn được đơn vị máu phù hợp do máu của bệnh nhân có 3 loại kháng thể bất thường phối hợp: Kháng thể chống C và chống e của hệ Rh, kháng thể chống Jkb của hệ Kidd.
Viện Huyết học – Truyền máu TW đã tìm trong gần 1.000 người thuộc Ngân hàng người hiến máu có nhóm máu hiếm (bao gồm các cán bộ, nhân viên của Viện và người hiến máu tình nguyện đã được xác định 21 kháng nguyên của 8 hệ nhóm máu hồng cầu) mới có 8 người phù hợp với người bệnh.
Ngay lập tức, 4 người đều là cán bộ, nhân viên của Viện đã hiến máu cho người bệnh, trong đó có TS. Nguyễn Triệu Vân, bác sĩ Khoa Điều trị hóa chất, nơi bệnh nhân đang điều trị hiến máu lần thứ 40.
Nguyễn Thị Thanh (Phòng Quản trị) và DS. Trần Thị Hoa (Khoa Dược) là 2 trong 4 cán bộ, nhân viên của Viện đã hiến máu…
… để kịp thời truyền cho bệnh nhân Trần Thị Cạn (ảnh: Vương Tuấn)
Đặc biệt, TS. Nguyễn Triệu Vân đã có rất nhiều lần hiến máu trong những ca cấp cứu khó chọn được đơn vị máu phù hợp. Cách đây 4 năm, cháu Nguyễn Thị N. mới chưa đầy 1 ngày tuổi đã bị vàng da, tan máu mức độ nặng do bất đồng nhóm máu mẹ, con và được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Nguyễn Triệu Vân lần thứ 40 hiến máu hiếm cứu người bệnh (ảnh: Công Thắng)
Bệnh viện đã thực hiện phản ứng hòa hợp giữa huyết thanh của bệnh nhi với 38 đơn vị khối hồng cầu nhóm O, Rh(+) nhưng không tìm được đơn vị máu phù hợp để thay máu cho cháu bé.
Hiện tượng bất đồng nhóm máu mẹ con nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ ít gây ảnh hưởng tới sức khỏe của em bé. Nhưng nếu để chậm trễ, lượng bilirubin trong máu tăng cao có thể làm cháu bé bị nhiễm độc thần kinh, dẫn đến những di chứng nghiêm trọng về tâm thần và vận động, thậm chí có thể gây tử vong.
Trong tình thế cấp bách, Bệnh viện Nhi Trung ương đã gửi mẫu máu của cả mẹ và con sang Viện Huyết học – Truyền máu TW đề nghị lựa chọn đơn vị máu phù hợp với cháu bé. Khoa Huyết thanh học nhóm máu của Viện đã nhanh chóng xét nghiệm sàng lọc, định danh kháng thể bất thường và xác định được có 4 loại kháng thể bất thường phối hợp: Kháng thể chống C và chống e của hệ Rh, kháng thể chống Mia của hệ MNS và kháng thể chống Jkb của hệ Kidd trong máu của bệnh nhi và mẹ.
Nguyễn Triệu Vân chính là người đã hiến máuđể thay máu, cứu cháu bé qua cơn hiểm nghèo.
Cháu Nguyễn Thị N., một trường hợp bất đồng nhóm máu mẹ con đã được cứu nhờ đơn vị máu của TS. Nguyễn Triệu Vân
Tại Viện Huyết học – Truyền máu TW, cứ vào những thời điểm thiếu máu nhất như dịp hè, dịp Tết Nguyên đán thì đông đảo cán bộ, nhân viên đều tham gia hiến máu. Riêng đối với TS. Nguyễn Triệu Vân, nhiều khi đồng nghiệp lại “can ngăn” vì: “Máu của anh quý hiếm cần để dành cho những trường hợp cấp bách. Hôm nay anh hiến biết đâu sắp tới có bệnh nhân cần máu lại không tìm được người có nhóm máu như anh”.
TS. Nguyễn Triệu Vân chia sẻ:“Là một bác sĩ làm trong chuyên khoa Huyết học – Truyền máu, tôi càng hiểu rõ rằng để có được những đơn vị máu cứu người bệnh khó khăn như thế nào. Vì thế tôi coi hiến máu là một việc làm đương nhiên và tôi rất hạnh phúc khi máu của mình có thể giúp người bệnh trong khoảnh khắc mong manh giữa sự sống và cái chết”.
Trước đây, trong những ca bệnh tương tự rất khó có thể lựa chọn được đơn vị máu hòa hợp với bệnh nhân. Từ năm 2010, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam đã sản xuất được bộ panel hồng cầu sàng lọc, định danh kháng thể bất thường để xác định các kháng thể bất thường. Đây là những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, có đặc tính phù hợp với nhân chủng học người Việt Nam, thời gian sử dụng thực tế dài hơn và giá thành sản phẩm chỉ bằng từ ¼ đến ½ so với sản phẩm được nhập ngoại nên đã được đưa vào sử dụng tại nhiều cơ sở y tế trên toàn quốc để bảo đảm an toàn truyền máu cho người bệnh.
Đồng thời, Viện cũng đã xây dựng được “Ngân hàng người hiến máu có nhóm máu hiếm”, vì vậy đã lựa chọn thành công những đơn vị máu phù hợp kháng nguyên nhóm máu để truyền máu kịp thời cho hàng ngàn người bệnh.
Các cán bộ, nhân viên của Viện đã hiến máu cho bệnh nhân Trần Thị Cạn:
Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện con người có tới 36 hệ nhóm máu hồng cầu với trên 300 kháng nguyên nhóm máu, đó là hệ ABO, hệ Rh (D), hệ Kell, hệ Kidd, hệ Lewis… Các kháng thể của hệ nhóm máu ABO được biết đến là nguyên nhân gây ra tai biến truyền máu nghiêm trọng nếu truyền máu không hòa hợp nhóm máu hệ ABO cho bệnh nhân. Bên cạnh kháng thể của hệ ABO, các kháng thể của các hệ nhóm máu khác (kháng thể bất thường) cũng có thể gây ra các tai biến truyền máu nghiêm trọng tương tự như phản ứng tan máu cấp trong lòng mạch hoặc phản ứng tan máu muộn. Việc truyền máu hiện nay không chỉ dừng lại ở sự hòa hợp nhóm máu hệ ABO và Rh(D) giữa người cho và người nhận mà còn phải truyền máu hòa hợp các kháng nguyên nhóm máu ngoài hệ ABO cho bệnh nhân để hạn chế các tai biến truyền máu do các kháng thể bất thường gây ra. |
Trương Hằng