Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

3 mẹ con nhiều năm liền tham gia hiến máu

Đã nhiều năm nay, bà con ở khu phố Hồ Văn Long, phường Hòa B, quận Bình Tân, Tp.HCM đã quen thuộc với hình ảnh ba mẹ con nhà chị Nguyễn Thị Thúy Oanh “dắt nhau” đi hiến máu nhân đạo. Vừa qua, chị Oanh nằm trong top 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2021.

Đi hiến máu từ năm 18 tuổi, tính đến nay, chị Oanh đã có gần 30 năm tham gia hoạt động tình nguyện với 54 lần hiến máu. Chị kể lại, hàng ngày chị đều từ nhà đến công ty làm việc, trên đường đi qua nhiều cơ sở hiến máu. Nhìn những người tình nguyện hiến máu nhân đạo giúp ích cho đời, chị mong muốn mình cũng đóng góp những giọt máu của mình để cứu người.

Ba mẹ con chị Nguyễn Thị Thúy Oanh

Bản thân chị vốn thích làm việc thiện và luôn mong muốn có cơ hội làm việc ý nghĩa, thế là chị thử một lần tham gia hiến máu. Không ngờ lần đầu tiên ấy lại khiến chị “nghiện” luôn bởi vì qua những câu chuyện của người tham gia hiến máu, của các tình nguyện viên tuyên truyền, chị lại càng hiểu hơn ý nghĩa của việc làm thiện nguyện này. Không có gì tốt đẹp hơn là hiến đi chính những giọt máu của mình để góp phần giữ lại mạng sống cho ai đó.

Sau khi lấy chồng và sinh con, chị có khoảng thời gian không được tham gia hiến máu. Tuy thế chị vẫn luôn tâm niệm sau khi qua được giai đoạn mẹ bầu, con nhỏ, chị sẽ lại tiếp tục hiến máu. Rất may, trong gia đình không ai ngăn cản chị mà còn rất ủng hộ chị. Những người thân trong gia đình, bạn bè… không ít người đã vì nghĩa cử của chị, tình nguyện “theo chân” chị cùng đi hiến máu. 

Chị Nguyễn Thị Thúy Oanh trong một lần hiến máu (ảnh chụp từ trước năm 2019)

“Hiến máu không chỉ mang đến cơ hội sống cho những bệnh nhân cần máu mà đối với bản thân người hiến cũng rất tốt cho sức khỏe, bởi hiến máu sẽ sản sinh ra máu mới tốt cho cơ thể, cùng với đó là được kiểm tra sức khỏe, xét nghiệm máu thường xuyên. Tôi mong muốn ngày càng có nhiều người thực hiện nghĩa cử cao đẹp này, nhất là trong khi dịch Covid-19 bùng phát trong hai năm nay, công tác tổ chức hiến máu gặp nhiều trở ngại”, chị Oanh chia sẻ.

Chị cũng cho biết, cùng với việc hiến máu nhân đạo, chị cũng trở thành một tình nguyện viên vận động hiến máu. Chị đã vận động được gần 20 người tham gia hiến máu thường xuyên, trở thành những người bạn đồng hành của mình trong các chương trình hiến máu.

Chị đã vận động được gần 20 người tham gia hiến máu thường xuyên, trở thành những người bạn đồng hành của mình trong các chương trình hiến máu

Hiểu được nghĩa cử của mẹ, hai cậu con trai của chị năm nay đã ngoài 20 tuổi cũng đều từng hiến máu nhiều lần. Việc hiến máu trở thành một “công việc” về mặt tinh thần đối với ba mẹ con chị. 

Chị cho biết: “Con trai cả hiến máu được khoảng 10 lần, con thứ 2 cũng đã hiến mấy lần rồi. Có lúc ba mẹ con đi chơi cuối tuần mà trông thấy một điểm hiến máu nào đó là lập tức vào hiến ngay không ngại ngần. Ở trường đại học, các cháu cũng tham gia hiến máu tình nguyện. Hội chữ Thập đỏ của phường cũng thường xuyên thông báo cho ba mẹ con mỗi khi có đợt hiến máu để tham gia”…

“Hiến máu nhân đạo là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp của toàn xã hội. Vì vậy chúng ta không thể thờ ơ trước những khó khăn của đất nước. Hàng ngày, hàng giờ, trên cả nước chúng ta vẫn luôn gặp phải những hoàn cảnh rất khó khăn vì không có đủ máu kịp thời cung cấp cho những ca cấp cứu. Chỉ cần hiến một phần máu của mình là đã cứu được rất nhiều người trước nguy cơ mất người thân, bạn bè và trước tiên là cứu được tính mạng của chính các người bệnh đang cần đến máu. Sau khi hiến máu, các thành phần trong máu được tái tạo và trẻ hóa có sức đề kháng chống bệnh tật. Vì thế, tôi mong rằng những bệnh nhân sẽ vẫn tiếp tục được truyền máu mà không bị ngắt quãng vì thiếu máu trong tình hình dịch bệnh hiện nay”, chị Oanh kêu gọi.

Theo phunuvietnam.vn

 

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan