Địa chỉ: Phố Phạm Văn Bạch, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

2 bệnh nhi vỡ gan ở Đồng Nai được truyền máu và cứu sống kịp thời

TTO – Ngày 26/8, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết vừa phẫu thuật thành công, truyền máu cứu sống 2 bệnh nhi bị vỡ gan, mất gần như toàn bộ máu trong cơ thể gây nguy hiểm tới tính mạng.

Trước đó, đêm 11/8, bệnh viện tiếp nhận bé trai N.A.Đ. (4 tuổi, TP Biên Hòa) nhập viện trong tình trạng vỡ gan, giập nát phân thùy 7 và 8, máu phun xối xả, tràn khí và tràn máu màng phổi, sốc, tiên lượng rất xấu.

Ngay lập tức, bệnh viện bật báo động đỏ huy động toàn bộ y bác sĩ tại bệnh viện và bác sĩ từ nhà vào viện, tham gia cấp cứu khẩn cấp cho bệnh nhi.

Do bệnh nhi mất máu rất nhiều (hơn 1.000 ml máu), kíp mổ phải vừa truyền máu, vừa khâu vết rách ở gan cho bệnh nhi. Đồng thời, bệnh nhi bị tràn máu, tràn khí màng phổi khiến thành ruột non tụ máu nhiều gây biến chứng tắc ruột. Do đó, bác sĩ buộc phải cắt hơn 50 cm ruột của bệnh nhi rồi nối lại.

Sau gần 5 giờ phẫu thuật (từ 23h hôm trước đến 4h sáng hôm sau) và truyền tổng cộng 12 đơn vị máu, bệnh nhi thoát sốc, sức khỏe dần ổn định trở lại trong niềm vui của toàn thể kíp mổ.

Bác sĩ Bùi Đình Hà – khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết: “Sau mổ, diễn biến bệnh nhi vẫn hết sức phức tạp, sốt kéo dài; tình trạng nhiễm trùng, suy gan, men gan tăng cao hơn; nguy cơ nhiễm trùng, tái sốc, tái chảy máu nhiều… Chúng tôi đã tưởng rằng không cứu được. Nhưng may mắn với sự phối hợp của toàn bộ kíp mổ, bé đã hồi phục ngoạn mục”.

Cũng theo bác sĩ Hà, đến nay tình trạng của bé Đ. đã ổn định, vết mổ không nhiễm trùng, đoạn ruột nối lại hoạt động tốt… bệnh nhi có thể xuất viện vào tuần tới.

Bệnh nhi N.A.Đ. bị vỡ giập gan, tràn khí màng phổi, sốc, mất máu… hồi phục ngoạn mục sau khi mổ – Ảnh: B.A

Trước đó, ngày 9/8, bệnh viện cũng tiếp nhận bé gái V.T.Y.C. (3 tuổi, TP Biên Hòa) nhập viện trong tình trạng quấy khóc, da niêm mạc nhợt, mất máu cấp do bị vỡ gan, xuất huyết ổ bụng, có dấu hiệu sốc ngày càng nặng…

Kíp mổ nhanh chóng khâu lại vết rách dài 5 cm ở gan; sau gần 2 giờ phẫu thuật, bệnh nhi tỉnh lại, ngừng mất máu và dần ổn định. Trước, trong và sau ca phẫu thuật, bệnh nhi đã được truyền 10 đơn vị máu.

“Vị trí gan vỡ nằm phía sau nên khó bộc lộ, trong khi bệnh viện chưa có kim chỉ khâu gan nên phải dùng kim chỉ khâu mô mềm, dễ bị rách hơn khiến ca mổ thêm khó khăn. May mắn là bệnh viện đã kịp thời huy động y bác sĩ nên ca mổ đã thành công. Đến nay bệnh nhi đã hoàn toàn khỏe mạnh và có thể xuất viện”, bác sĩ Hà cho biết.

Theo người nhà hai bệnh nhi, nguyên nhân các em bị vỡ gan đều do tai nạn. Cụ thể, bé Đ. được mẹ chở bằng xe máy không may tự ngã xe rồi va vào tường khiến em bị thương nặng. Trong khi đó, bé C. trong lúc đang chơi gần xe ba gác thì xe ngã đè lên bụng gây vỡ gan.

Lượng máu ở cơ thể mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới, cân nặng… Lượng máu tỷ lệ thuận với trọng lượng cơ thể, mỗi người có trung bình từ 70 – 80 ml máu/kg cân nặng. Do đó, với các bé nhỏ tuổi, cân nặng 15 kg thì lượng máu trong cơ thể chỉ khoảng 1.000 ml.

Lượng máu tương đối ổn định nhờ cơ chế điều hòa giữa lượng máu sinh ra ở tủy xương và lượng máu bị mất đi hàng ngày.

(T.H.)

Theo báo Tuổi trẻ

Tag :

Ý kiến


    Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

    Bài viết liên quan